Trung Quốc đang chơi trò “hai mặt” trong mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh có thể sẽ phải trả giá vì “chơi dao có ngày đứt tay”.

Phân tích này có trong bài viết của tiến sĩ Panos Mourdoukoutas, giảng viên Đại học Colombia (Mỹ) trên International Business Times (IBT).

“Hầu hết thế giới đang có quan điểm rõ ràng chống lại cuộc chiến phi nghĩa của Nga chống lại Ukraine. Lãnh đạo các quốc gia công nghiệp phát triển đã lên án cuộc chiến tranh và thực hiện các biện pháp cắt đứt Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu”, ông Panos viết.

Nhưng Trung Quốc đã không làm điều đó. Tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đầu tháng ba, 141 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga, còn Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Về vấn đề này, TS. Panos trích dẫn ý kiến của ông Juscelino Colares, giáo sư luật kinh doanh tại Đại học Case Western Reserve (Mỹ) và là đồng giám đốc của Trung tâm Luật Quốc tế Frederick K. Cox.

Ông Colares nói: “Phản ứng của Trung Quốc trước cuộc chiến tranh xâm lược và tội ác của Nga đối với Ukraine và người dân của họ đã phản ánh phương cách vô đạo đức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các diễn biến quốc tế”.

“Cho đến nay, Trung Quốc chỉ đưa ra những nhận xét rụt rè liên quan đến cuộc chiến của ông Putin, kêu gọi thận trọng và kêu gọi ‘hòa bình’; nhưng (họ lại) ngăn chặn hoặc bỏ phiếu trắng đối với hành động chống lại Nga của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Mối quan hệ “đầy hoài nghi” giữa Nga và Trung Quốc

Ông Colares cho biết: “Đáng chú ý, cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin diễn ra chỉ 4 ngày sau lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông do ĐCSTQ tổ chức”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh ngày 4/2/2022 (ảnh: Điện Kremlin). Bốn ngày sau khi Thế vận hội kết thúc, tức là vào ngày 24/2/2022,, ông Putin ra lệnh tấn công xâm lược Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh ngày 4/2/2022 (ảnh: Điện Kremlin). Bốn ngày sau khi Thế vận hội kết thúc, tức là vào ngày 24/2/2022, ông Putin ra lệnh tấn công xâm lược Ukraine.

Ông Colares cho rằng điều đó cho thấy “vòng phối hợp chặt chẽ đầy hoài nghi hiện nay giữa hai chế độ diệt chủng” – tức là chính quyền Tổng thống Putin và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau đó, Trung Quốc quyết định mua hàng hóa của Nga trong khi các quốc gia khác xa lánh chúng.

Theo TS. Panos, quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa hai nước đưa Moscow xích lại gần Bắc Kinh. Từ đó, Trung Quốc ngày càng “sẵn sàng thúc đẩy chương trình nghị sự của mình ở eo biển Đài Loan và Biển Đông”.

Ông cho rằng: “Đó là một mối đe dọa đáng kể đối với nền kinh tế và hòa bình toàn cầu”.

Trung Quốc “chơi dao có ngày đứt tay”

Tuy nhiên, trò chơi mạo hiểm của Trung Quốc “có thể phản tác dụng”, vì thế giới có thể bắt đầu trừng phạt Trung Quốc. Đó là điều khiến Bắc Kinh lo lắng, theo ông Colares.

Giáo sư nói: “Mặc dù có nhiều trò công khai và vụng trộm về kinh tế cũng như địa chính trị, nhưng không có gì ngạc nhiên khi ĐCSTQ lo lắng về khả năng cuộc xung đột hiện nay có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thứ cấp (về thương mại) chống lại Trung Quốc vì thái độ bất hợp tác trong việc chấm dứt kinh doanh với Nga”.

“Vì vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục chơi trò hai mặt như nó đã chơi từ trước cuộc xâm lược”, theo nhận định của giáo sư Colares.

Mặt khác, ông cho rằng giới cầm quyền Bắc Kinh cũng có thể lợi dụng tình hình để gia tăng bành trướng tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.

“ĐCSTQ cũng hưởng lợi từ việc phương Tây tập trung vào tình hình châu Âu, và như vậy nó (ĐCSTQ) có thể sẽ nguy hiểm hơn bao giờ hết”, giáo sư Colares viết.

Tiến sĩ Panos cũng có chung nhận định này. Ông cho rằng “Trung Quốc có thể thúc đẩy và tái thực thi hành động gây hấn của họ ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và biên giới Ấn Độ”.