Giới quan sát cho rằng Trung Quốc rất ít có khả năng xây dựng được một liên minh vững chắc như các liên minh của Mỹ. Các ứng cử viên cho liên minh của Trung Quốc có thể kể đến như Iran, Nga, Pakistan. Nhưng các nước đó đều có những nghi ngại riêng đối với Trung Quốc.

Nghe audio bài: “Trung Quốc cô đơn: Khó kiếm được liên minh vững chắc”

Vấn đề này được đề cập bài bình luận của ông Henry Storey, nhà phân tích tại Dragoman, một công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại Melbourne, Úc. Ông từng là biên tập viên của Tạp chí Foreign Brief và Young Australia in International Affairs.

Ông Storey ví Trung Quốc như một “siêu cường cô đơn”, rất khó có thể tìm kiếm nước nào để thành lập liên minh vững chắc.

Suy đoán về liên minh mà Trung Quốc muốn thành lập

Trong bài bình luận trên trang The Interpreter của Viện Lowy ngày 17/9/2021, ông Storey cho biết có các báo cáo khác nhau đồn đoán về “Bộ tứ mới” do Trung Quốc dẫn đầu. Trong nhóm này có Iran, Pakistan và Nga.

Suy đoán này bắt nguồn từ một số diễn biến địa chính trị như: Việc Iran sắp gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO); Kế hoạch hợp tác của bốn nước về tình hình Afghanistan; Và các cuộc tập trận hải quân Nga-Trung-Iran.

Một điểm chung của bốn nước Trung, Iran, Pakistan, Nga là đều có những bất bình đối với phương Tây. Nhưng sự bất bình với phương Tây không đủ để tạo nên một liên minh chiến lược, theo ông Storey.

Nga – Trung xâm hại vị thế của nhau

Ví dụ: Nga vẫn nghi ngờ mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga, Bắc Cực và Trung Á. Cả hai nước cũng không ủng hộ nhau một cách rõ ràng về các vấn đề hóc búa như bán đảo Crimea và Biển Đông.

Hơn nữa, ông Storey cho biết Nga – Trung vẫn thường xâm hại vị thế của nhau về mặt chiến lược, thường là vì lợi ích thương mại. Ví dụ, Nga đang làm việc với Ấn Độ, để cố gắng bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho các bên tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines.

Ngược lại, các công ty Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi để phát triển dự án nuôi dưỡng Kênh đào Istanbul của Thổ Nhĩ Kì; mà dự án này có thể mở rộng đáng kể sự hiện diện của NATO ở Biển Đen. NATO là chữ viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một liên minh gồm 30 nước do Mỹ dẫn đầu, trong đó Thổ Nhĩ Kì là một thành viên.

Tình ‘anh em’ nghi kị lẫn nhau của Pakistan, Trung Quốc

Theo nhà phân tích Storey, hai nước Trung Quốc, Pakistan thường nói những lời khoa trương về mối quan hệ “anh em sắt son”. Nhưng ông cho biết Pakistan “thực sự không muốn trở thành – hoặc bị coi là – một nước chư hầu của Trung Quốc”.

Những lo ngại này rõ ràng đã thúc đẩy Pakistan tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác ở mức độ nhất định với Ấn Độ. Đồng thời, Pakistan cũng cố gắng xây dựng lại quan hệ với Hoa Kỳ, theo ông Storey.

Những điều này khiến giới quan sát hoài nghi về “năng lực xây dựng liên minh của Trung Quốc”.

Nhà phân tích chỉ ra rằng: “Bắc Kinh vẫn chưa thể hiện rõ một tầm nhìn rõ ràng về các vấn đề quốc tế”. Điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập về một “cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại” là khá mơ hồ. Vì vậy, không chắc Nga, Pakistan hay Iran có thể tự tin nói rằng họ sẽ hòa nhập vào một cộng đồng như vậy.

Ông Storey cho rằng rất ít quốc gia đồng cảm với tầm nhìn như vậy của Trung Quốc. Điều đó “làm phức tạp đáng kể quá trình hình thành liên minh và xây dựng liên minh” của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định có rất ít “ứng cử viên” cho Trung Quốc lựa chọn liên minh. Hơn nữa, việc đầu tư vào liên minh sẽ rất tốn kém, liệu nó có đáng để đầu tư hay không; đó là một vấn đề đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức về nhân khẩu học, kinh tế, môi trường và xã hội. Điều đó chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh buộc phải dồn các nguồn lực của họ vào bên trong đất nước, theo nhà phân tích Storey.