Có điều lạ, mặc dù kinh tế suy thoái với việc đóng cửa hàng loạt các nhà máy do chính sách “Zero Covid” điên rồ, Trung Quốc vẫn nhập khẩu rất lớn dầu khí từ Nga, trong khi hầu hết các mặt hàng nhập khẩu khác đều giảm. Vì sao lại như vậy?
Làm “trung gian”, Trung Quốc cũng kiếm đủ
Theo SCMP, số liệu của hải quan Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm cho thấy Trung Quốc đã mua tổng cộng 2,35 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) – trị giá 2,16 tỷ USD. Lượng nhập khẩu tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị tăng 182%.
Điều đó có nghĩa là trong năm nay, Nga đã vượt qua Indonesia và Mỹ để trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ tư của Trung Quốc cho đến nay.
Tất nhiên, điều này không có gì ngạc nhiên khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga gần đây thông báo rằng, nguồn cung cấp hằng ngày của họ cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) đã đạt mức cao mọi thời đại.
Trước đó Nga cũng tiết lộ rằng, nguồn cung cấp khí đốt của nước này cho Trung Quốc đã tăng 63,4% trong nửa đầu năm 2022.
Vậy có điều gì ẩn giấu đằng sau sự gia tăng kỳ lạ này, khi Trung Quốc điên cuồng nhập khẩu LNG của Nga, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế của nước này khó khăn đình trệ và bị phong tỏa trên diện rộng vì Covid?
Lưu ý là nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc chỉ chiếm hơn một nửa trong tổng số lượng khí đốt tự nhiên mà nước này nhập khẩu, với khoảng 2/3 dưới dạng LNG. Nói cách khác, tại sao lượng nhập khẩu LNG của Nga lại tăng vọt khi nhu cầu trong nước không có?
Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết: “Sự gia tăng LNG của Nga có thể là sự dịch chuyển của hàng hóa đến Nhật Bản hoặc Hàn Quốc vì các lệnh trừng phạt hoặc nhu cầu yếu hơn ở đó”.
Trung Quốc “nâng niu” đối tác Nga
Có một điều rõ ràng: Trung Quốc muốn giữ các giao dịch khí đốt dài hạn với Nga càng lâu càng tốt. Đó là lý do tại sao Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngừng công khai việc phân tích số liệu thương mại đối với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên kể từ đầu năm 2022.
Phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc Li Kuiwen xác nhận rằng, động thái này là để “bảo vệ quyền và lợi ích kinh doanh hợp pháp của các nhà xuất nhập khẩu có liên quan”.
Tất nhiên câu trả lời giờ đây quá rõ ràng: Trung Quốc đã và đang âm thầm bán lại LNG của Nga cho một nơi đang “khát” năng lượng mà không cần đếm xỉa đến giá cả, miễn là có “hàng”.
Châu Âu, tất nhiên đang tận lực ‘hút’ các nguồn cung khí đốt ở khắp mọi nơi trên thế giới, và sẵn sàng chấp nhận chịu các khoản tăng giá đáng kể trong cả khâu vận chuyển.
Tờ Financial Times cho biết, “nỗi lo thiếu khí đốt vào mùa đông của châu Âu có thể đã được xóa tan, nhờ một hiệp sĩ bất ngờ: Trung Quốc.”
Tờ Asia.nikkei cũng lưu ý rằng, “người mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới đang bán lại một số lô hàng LNG dư thừa do nhu cầu năng lượng trong nước yếu. Điều này đã cung cấp cho thị trường giao ngay nguồn cung dồi dào mà châu Âu đã khai thác, bất chấp giá cao.”
Tuy nhiên cả 2 tờ báo trên đều phớt lờ hoặc có lẽ là ‘cố ý’ đề cập đến nguồn cung LNG “dư thừa” – “thặng dư” của Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc không “thặng dư”, mà bản chất là nước này đang điên cuồng nhập khẩu một lượng lớn LNG từ Nga để mua đi bán lại với giá “cắt cổ” cho châu Âu.
ĐCSTQ luôn tận dụng hưởng lợi trong chiến tranh, trục lợi trên sự đau khổ của người khác. Tất nhiên, Trung Quốc đang mua LNG với giá rất hời từ Nga, được chiết khấu rất cao mà chỉ có Nga và Trung Quốc mới biết.
Để né lệnh trừng phạt của phương Tây, bản thân Nga cũng không còn nguồn tiêu thụ lớn nào khác ngoài Trung Quốc (sau là Ấn Độ), bất chấp bị ĐCSTQ “ép giá”.
Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc hiện đang hiệp đồng với nhau rất ăn ý…
LNG của Nga biến thành “made in China”
Lưu ý là từ tháng 7 cho tới nay, Nga đang dần siết khóa van các đường ống dẫn khí đốt của nước này đến châu Âu một cách cực kỳ hiệu quả.
Theo RT, Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher hôm thứ Ba đã cáo buộc Moscow sử dụng xuất khẩu khí đốt như một thứ vũ khí sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp cho Pháp.
“Rõ ràng là Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí chiến tranh và chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung bị gián đoạn hoàn toàn ”, Bộ trưởng Runacher cho biết.
Các chính phủ EU đang cố gắng lấp đầy các kho dự trữ khí đốt để tránh tình trạng thiếu hụt khi mùa đông đang đến gần. Và bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào từ Nga – vốn vẫn là nguồn cung cấp khí đốt lớn cho EU, đều khiến nỗi lo lắng ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của tờ Le Figaro , công ty năng lượng Gazprom (Nga) đã thông báo rằng, họ sẽ giảm lượng khí đốt cho công ty năng lượng Engie của Pháp ngay lập tức.
Phía công ty năng lượng Engie đã nói rằng việc Nga giảm nguồn cung đột ngột là do “sự bất đồng giữa các bên trong việc áp dụng hợp đồng” đối với việc cắt giảm.
Việc Nga cắt giảm khí đốt xuống chỉ còn 15% quả thực đang gây ra sự hoảng loạn tại châu Âu. Ngoài lý do “thử thách” ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo trong khối EU để giảm sự nhiệt tình hỗ trợ tài chính quân sự cho Ukraine, Nga còn có một lý do khác.
Đó là Nga sẽ đồng thời vừa bán được khí đốt, vừa giúp Trung Quốc trở thành đối tác cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu.
Công ty nghiên cứu Kpler lưu ý là nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm 2022
Tờ Financial Times chi tiết hơn như sau:
“Tập đoàn JOVO, một nhà kinh doanh LNG lớn của Trung Quốc, gần đây đã tiết lộ rằng họ đã bán lại một lô hàng LNG cho một người mua châu Âu.
“Một nhà giao dịch ở Thượng Hải nói với Nikkei rằng, lợi nhuận thu được từ một giao dịch như vậy có thể lên tới hàng chục triệu đô la hoặc thậm chí lên tới 100 triệu đô la.
“Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec Group cũng thừa nhận trong một cuộc họp báo thu nhập vào tháng 4 rằng, họ đã chuyển LNG dư thừa vào thị trường quốc tế.
“Truyền thông địa phương cho biết, chỉ riêng Sinopec đã bán được 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn. Tổng lượng LNG của Trung Quốc đã được bán lại có lẽ là hơn 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu trong nửa năm tính đến cuối tháng Sáu.”
Tất cả lượng LNG “dư thừa” này chắc chắn có xuất xứ “một phần’ hoặc 100% từ Nga, nhưng vì nó đã được “thu phí” ở Trung Quốc nên không còn là của Nga nữa. Thay vào đó tờ Financial Times cố tình đánh lận con đen là LNG Trung Quốc.
Nga giúp Trung Quốc bán khí đốt nhiều và đắt hơn
Như vậy với 53 triệu tấn khí đốt mà EU mua từ tất cả các nguồn (bao gồm cả Trung Quốc), đã giúp EU nâng tỷ lệ lấp đầy kho chứa khí đốt lên 77%, gần đạt mức theo kế hoạch đề ra là 85% vào tháng 11.
Tuy nhiên tháng 11 cũng là thời điểm bắt đầu bước vào mùa đông lạnh giá tại châu Âu, lượng khí đốt dự trữ này sẽ nhanh chóng bị giảm với tốc độ nhanh chóng để duy trì hệ thống sưởi ấm trên toàn EU. Châu Âu chưa kịp thở phào sẽ lại phải tiếp tục cầu cạnh các nguồn cung khí đốt khác, trong đó không thể thiếu Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, trong khi kinh tế Trung Quốc sa sút thì ĐCSTQ vẫn kiếm được bộn tiền và còn trở thành nhà “cứu trợ” đúng thời điểm cần thiết cho châu Âu.
Tất nhiên, ĐCSTQ không bao giờ giúp “không” mà luôn đi kèm theo điều kiện. Chính quyền Bắc Kinh “đòn gió” châu Âu rằng, nếu hoạt động kinh tế nước này hồi sinh, Bắc Kinh sẽ không còn đủ lượng LNG “tái xuất” cho châu Âu nữa.
Xem thêm: Mua rẻ của Nga, bán đắt cho EU: Ai đang hưởng lợi từ khủng hoảng năng lượng toàn cầu?
Điều trớ trêu là, thay vì chỉ phụ thuộc năng lượng vào Nga, châu Âu hiện đang trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào ĐCSTQ.
Đau ở chỗ, châu Âu muốn trừng phạt Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine, bằng cách loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga từ nay cho đến năm 2027, thì thứ hàng mà họ đang khẩn cầu Bắc Kinh bán cho, vẫn lại là khí đốt của Nga.
Chỉ có điều thay vì khí đốt chảy vào châu Âu từ đường ống North Stream 1 thì nay họ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tệ hơn nữa, trong khi châu Âu có thể mua LNG của Nga với giá x đồng, thì nay họ lại phải trả gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí cao hơn nữa cho Trung Quốc và không có nhiều lựa chọn.
Rõ ràng là việc Nga cắt giảm khí đốt xuống mức kỷ lục 15 % cho châu Âu không có nghĩa là họ không còn bán được cho ai khác, cũng không đồng nghĩa với việc doanh thu của Nga giảm đi.
Elina Ribakova, chuyên gia kinh tế, Phó viện trưởng Viện Tài chính Quốc tế nói với tờ The Wall Street Journal rằng: “Nga đang bơi trong tiền mặt”.
Ông Ribakova cho biết Nga đã kiếm được khoảng 97 tỷ USD từ việc bán dầu và khí đốt trong năm nay với 74 tỷ USD đến từ việc bán dầu thô.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh, Nga vẫn xuất khẩu trung bình 7,4 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Mặc dù lượng dầu trong tháng 7 giảm nhẹ so với mức 8 triệu thùng/ngày vào hồi đầu năm, nhưng vẫn vượt quá dự báo của các chuyên gia năng lượng.
Điều này cho thấy, việc Nga cắt giảm khí đốt tới châu Âu đã đạt được 2 mục đích: Vừa trả đũa và cảnh báo châu Âu trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, vừa đồng thời bán được khí đốt và giúp cho “đồng minh” Trung Quốc kiếm lời.
Sâu xa hơn nữa, Nga và Trung Quốc còn đang thiết lập nên một mặt trận mới, đối kháng với Mỹ và phương Tây với đòn bẩy là Năng lượng.
Nga-Trung liên thủ: Châu Âu yếu thế
Với việc châu Âu quyết liệt ruồng bỏ năng lượng của Nga chỉ để chứng tỏ với thế giới rằng, EU sẽ không tài trợ cho ‘chế độ của Putin’, trong khi thực tế họ đang trả thêm nhiều tiền hơn cho cả hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang thu được một mức giá cao hơn nhờ vào sự khan hiếm của thị trường năng lượng nói chung.
Điều này đã khiến cho tham vọng địa chính trị của cả Nga – Trung Quốc càng được củng cố vững chắc, đồng thời thiết lập một trật tự quốc tế tự do với xuất khẩu năng lượng của riêng mình.
Trong khi ấy, truyền thông dòng chính phương Tây vẫn “ngây thơ” che giấu cho sự thất bại của các nhà lãnh đạo thiên tả tại Mỹ và EU, ngụ ý rằng châu Âu đang mua LNG của Nga thông qua Trung Quốc, miễn không phải trực tiếp từ Nga:
“Nếu Nga chấm dứt xuất khẩu thêm khí đốt sang Trung Quốc như một biện pháp trừng phạt châu Âu, thì Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng hơn để bán lại lượng khí đốt dư thừa của mình sang thị trường giao ngay – gián tiếp giúp đỡ châu Âu.”
Câu hỏi ở đây là: Phải chăng Châu Âu đang sử dụng nguồn khí đốt của Nga và mua từ Trung Quốc? Trung Quốc đang giúp Nga hay ngược lại, hay cả hai đang cùng giúp nhau?
Rõ ràng truyền thông phương Tây đã không dám thừa nhận một sự thật hiển nhiên là: Trung Quốc đang giúp Nga né được các lệnh trừng phạt của phương Tây, và cả hai đều trở nên giàu có hơn nhờ quá trình hỗ trợ này.
Hôm 29/8, tờ Wall Street Journal cũng phải ‘cay đắng’ thừa nhận rằng, lệnh cấm vận hoàn toàn phản tác dụng đối với xuất khẩu năng lượng, khiến Nga càng giàu có hơn. Rằng “Moscow đang tăng doanh thu hơn bao giờ hết với sự trợ giúp của những người mua mới, thương nhân mới và nhu cầu dường như vô độ của thế giới đối với dầu thô”.
Như vậy có thể thấy, trong khi Mỹ và châu Âu ra sức kiềm tỏa Nga và coi nước này là đối thủ hàng đầu, thì phương Tây lại không dám đả động đến Trung Quốc, bất chấp ảnh hưởng của quốc gia độc tài này ngày càng lớn đối với các quyết sách của châu Âu.
Dù sao Financial Time cũng đã thừa nhận một sự thật, rằng các lệnh trừng phạt Nga càng lâu dài thì Trung Quốc càng có ảnh hưởng tới các quyết sách của châu Âu.
Tờ này viết: “Châu Âu càng trở nên tuyệt vọng về nguồn cung cấp năng lượng của mình, thì các quyết định chính sách của Trung Quốc sẽ càng có sức ảnh hưởng đến khối. Khi châu Âu cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng, thì điều trớ trêu là nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”
Như đã nhắc ở trên, trong thời điểm “vàng” trục lợi ấy, Trung Quốc không bao giờ “giúp không” mà không kèm theo điều kiện? Điều kiện gì?
Nếu muốn được ĐCSTQ cung cấp nguồn LNG (của Nga) ổn định cho châu Âu, hẳn nhiên NATO và EU sẽ phải bớt ‘giòm ngó’ những gì Trung Quốc đang làm với Đài Loan, mà xa hơn nữa là cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuối cùng, tất cả những gì châu Âu đã và đang làm, là thay thế từ một ‘bậc thầy’ năng lượng này bằng một ‘bậc thầy’ năng lượng khác. Tất cả đều diễn ra cùng lúc khi Trung Quốc và Nga đang là bên “quyết định” mức tiêu thụ năng lượng hàng ngày của châu Âu, cũng như xác lập một nước cờ khiến tình thế của Đài Loan càng trở nên mong manh hơn.
Thật không may, các quan chức châu Âu hiện đang đặt lợi ích chính trị lên trên lợi ích của dân chúng. Các quyết sách của họ càng ngày càng cho thấy sự vòng vo, bế tắc và đi vào ngõ cụt.
Thay vì trước đây chỉ phụ thuộc năng lượng của Nga, thì nay châu Âu đã tự buộc chân vào cọc, khi trở nên phụ thuộc vào cùng lúc cả hai: Nga và Trung Quốc.
Xem thêm: Trung Quốc – Nga đang điên cuồng gom vàng: Mục đích ẩn giấu sau động cơ này là gì?