Kế hoạch xây dựng khách sạn của Trung Quốc gần cảng biển chiến lược Darwin của Úc đã bị đổ bể. The Epoch Times đưa tin, chính quyền Lãnh thổ Phương Bắc (NT) thuộc Australia đã chính thức từ chối gia hạn hợp đồng cho Trung Quốc thuê khu đất mà họ dự kiến xây khách sạn.

Tập đoàn Landbridge của Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một khách sạn 6 sao tại khu đắc địa bên bờ sông Adelaide, tiếp giáp với các căn hộ và bến tàu du lịch Darwin của Lãnh thổ Phương Bắc.

Chính tập đoàn Landbridge đã giành được hợp đồng thuê Cảng Darwin 99 năm kể từ năm 2015.

Landbridge dự kiến xây khách sạn Westin trị giá 200 triệu USD tại khu đất gần Cảng Darwin. Nhưng công ty này đã ngừng xây dựng cách đây 10 tháng; vì khó có thể tiếp tục xây dựng nếu công trình không được khởi động lại vào tháng 6 năm 2021.

Thời hạn đó đã trôi qua, chính quyền Lãnh thổ Phương Bắc đã thu hồi lại khu đất và sẽ tìm kiếm các đối tác khác để thay thế công ty Trung Quốc.

Thủ hiến Lãnh thổ phía Bắc Australia Michael Gunner cho biết hợp đồng cho Trung Quốc thuê đã chấm dứt.

“Bây giờ chúng tôi sẽ tìm kiếm một bên khác để xây dựng một khách sạn sang trọng mới tại địa điểm này”, ông nói thêm.

Bản mô phỏng dự án khách sạn 6 sao Westin của Landbridge gần Cảng Darwin, Úc (ảnh: The Hotel Conversation).
Bản mô phỏng dự án khách sạn 6 sao Westin của Landbridge gần Cảng Darwin, Úc (ảnh: The Hotel Conversation).

Landbridge thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Công ty này đang bị giám sát gắt gao về hợp đồng thuê Cảng Darwin 99 năm với giá 506 triệu USD.

Vào thời điểm hợp đồng cho thuê được ký kết, tỷ phú sở hữu Landbridge, Ye Cheng, khoe rằng việc thuê Cảng sẽ hỗ trợ cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

BRI là quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây được coi là “viên ngọc quý” trong tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, dự án này đối mặt với nhiều chỉ trích vì tạo ra các khoản bẫy nợ khổng lồ đối với các quốc gia đang phát triển. Nhiều quốc gia trong số đó không thể trả được các khoản nợ và phải gán lại tài sản thế chấp, thường là các cơ sở chiến lược nào đó.

Ví dụ, vào năm 2017, chính phủ Sri Lanka đã đồng ý bàn giao Cảng Hambantota cho ĐCSTQ thông qua hợp đồng cho thuê 99 năm. Như vậy, khoản nợ 1,4 tỷ USD của Sri Lanka được chuyển thành vốn chủ sở hữu của Trung Quốc.

Cảng Hambantota của Sri Lanka nhìn từ vệ tinh (ảnh: CSIS). Năm 2017, Sri Lanka đã phải gán cảng biển này cho Trung Quốc thuê 99 năm do không trả được khoản nợ 1,4 tỷ USD từ Trung Quốc.
Cảng Hambantota của Sri Lanka nhìn từ vệ tinh (ảnh: CSIS). Năm 2017, Sri Lanka đã phải gán cảng biển này cho Trung Quốc thuê 99 năm do không trả được khoản nợ 1,4 tỷ USD từ Trung Quốc.

Vào tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đã chấm dứt hai thỏa thuận Vành đai – Con đường được ký kết giữa Thủ hiến bang Victoria Dan Andrews và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Bắc Kinh. Lý do cho việc chấm dứt hai thỏa thuận này là có những lo ngại về an ninh quốc gia.

Đạo luật Quan hệ Đối ngoại Úc cho phép ngoại trưởng có quyền xem xét và có khả năng hủy bỏ các thỏa thuận tương tự.

Các thỏa thuận khác được ký với các thực thể có liên kết với ĐCSTQ cũng đang đứng trước nguy cơ bị xem xét lại. Trong đó có hợp đồng thuê cảng Darwin.

Gần đây, các nghị sĩ Liên bang George Christensen và Bob Katter đều kêu gọi Quốc hội liên bang hủy bỏ thương vụ này.

Chính phủ Thủ tướng Úc Boris bày tỏ quan điểm sẽ xem xét lại hợp đồng cho thuê cảng Darwin của chính quyền địa phương với Trung Quốc.