Chính quyền Trung Quốc đang thúc giục Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép họ xây dựng và điều hành cơ sở dữ liệu toàn cầu về “hộ chiếu vắc-xin”, nếu mọi người trên thế giới đã được tiêm vắc-xin COVID-19 của nước này.

Theo Breibart, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra hệ thống “hộ chiếu vắc-xin” trong nước vào ngày 10/3; mặc dù các quan chức WHO thúc giục các quốc gia không thực hiện hệ thống như vậy. Lý do là người dân có cách tiếp cận vắc xin không giống nhau và sự đa dạng về chất lượng của vắc xin trên khắp thế giới.

“Hộ chiếu vắc xin” là một phần của hệ thống chấm điểm công dân

“Hộ chiếu vắc-xin” là Chứng nhận kỹ thuật số xác nhận một người đã được tiêm vắc-xin COVID-19. Đây là một phần của “hệ thống tín nhiệm xã hội” mà chính quyền Trung Quốc thực hiện để chấm điểm công dân của mình.

Hệ thống này đánh giá mọi công dân và trao cho họ “điểm số” dựa trên mức độ mà ĐCSTQ chấp thuận hành vi của họ. Hành vi được đánh giá có thể khác nhau. Ví dụ: Người dân được cộng điểm nếu làm tình nguyện, hoặc bày tỏ ủng hộ chính quyền. Ngược lại, họ sẽ bị trừ điểm tín nhiệm xã hội nếu có các hành vi như xả rác bừa bãi, bày tỏ sự phản đối với chính quyền…

Hệ thống tín dụng xã hội của chính quyền Trung Quốc đã ngăn cản hàng triệu công dân sử dụng các phương tiện giao thông; thông qua việc cấm họ mua vé máy bay, tàu hỏa hoặc phương tiện khác. Tương tự, Trung Quốc cũng đang hạn chế những công dân không được tiêm vắc-xin COVID-19 đi du lịch rộng rãi.

Bắc Kinh thuyết phục các nước khác công nhận vắc xin COVID-19 của Trung Quốc

Theo Breitbart, các quan chức ĐCSTQ đang cố gắng thuyết phục chính quyền Tổng thống Joe Biden công nhận vắc xin Covid-19 của Trung Quốc; đổi lại Trung Quốc sẽ công nhận vắc xin Covid-19 do Mỹ sản xuất.

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc cũng tìm cách gây áp lực với các quốc gia khác nhằm khiến các nước công nhận vắc xin Covid-19 của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đàm phán các thỏa thuận “hộ chiếu vắc xin” song phương với các nước. Nghĩa là, Trung Quốc và các nước có thỏa thuận sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại, nếu công dân của họ xuất trình được giấy tờ chứng minh họ đã được tiêm vắc xin Covid-19.

Liệu WHO có chấp thuận đề nghị của Trung Quốc?

Giới quan sát nhận định Bắc Kinh hy vọng biện pháp “gây áp lực” các nước sẽ hiệu quả hơn là chờ WHO cho phép. Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo thuộc kiểm soát của ĐCSTQ, cũng không bày tỏ hy vọng WHO sẽ đồng ý với đề xuất “hộ chiếu vắc xin” của Trung Quốc.

Tuy vậy, WHO từng cho thấy tổ chức này chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Ví dụ, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, WHO từng đăng thông tin sai lệch từ Bắc Kinh rằng “virus corona không lây từ người sang người”.

Dưới ảnh hưởng từ Trung Quốc, ngày 14/1/2020, WHO đăng thông báo sai sự thật rằng virus corona không lây từ người sang người (ảnh chụp màn hình Twitter).
Dưới ảnh hưởng từ Trung Quốc, ngày 14/1/2020, WHO đăng thông báo sai sự thật rằng virus corona không lây từ người sang người (ảnh chụp màn hình Twitter).

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cắt tài trợ và rời khỏi WHO với lý do tổ chức này “lấy Trung Quốc làm trung tâm”. Tuy nhiên, chính quyền mới của Mỹ đã đảo ngược quyết định này ngay khi ông Joe Biden lên làm tổng thống vào ngày 20/1/2021.