Khủng hoảng đang khiến Trung Quốc rung chuyển. Dịch bệnh không chỉ làm kinh tế đang lâm vào khủng hoảng, mà còn phá huỷ chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ở phương diện quốc tế, bộ mặt thật của Trung Quốc đang được cộng đồng quốc tế lột trần.

Về mặt kinh tế: kinh tế Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng

Trung Quốc trung thành với “Chính sách zero-Covid”, hàng triệu người Trung Quốc một lần nữa bị nhốt trong nhà. Thượng Hải và một số thành phố khác của Trung Quốc đang chứng kiến ​​số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục mỗi ngày. Phong toả trở thành nỗi ám ảnh của người dân Trung Quốc. Chính sách cực đoan này của Bắc Kinh đã đưa nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn trong hai năm qua, tiếp tục phải gánh chịu một cuộc ‘tắm máu’ trong 2 tháng trở lại đây.

Trung Quốc sắp bước vào giai đoạn lạm phát cực cao, cộng với suy thoái kinh tế, dẫn đến thất nghiệp ồ ạt. Về cơ bản, Trung Quốc sắp chứng kiến ​​một đợt lạm phát đình trệ lớn và có thể sắp xảy ra. 

Reuters ngày 16/4 đưa tin rằng, tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chậm lại trong nửa cuối năm ngoái. 

Khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, xuất khẩu bị ảnh hưởng, cảng, nhà máy và các ngành công nghiệp đóng cửa, bất động sản suy thoái và giá dầu đạt đỉnh đã cản trở các mục tiêu kinh tế của Tập Cận Bình. Lúc này Trung Quốc đang tìm cách kích thích kinh tế nội địa.

Ông Tập sẽ làm gì để kích thích kinh tế nội địa?

Ngày 15/4, Reuters báo cáo, Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Báo cáo viết, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cần phải giữ làm dự trữ, lần đầu tiên trong năm nay. Điều này giải phóng khoảng 530 tỷ nhân dân tệ thanh khoản dài hạn (tương đương với 83,25 tỷ USD) để củng cố tăng trưởng kinh tế chậm lại. Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng xuống 25 điểm cơ bản (bps), có hiệu lực từ ngày 25/4.

Vấn đề nằm ở chỗ, với động thái này của chính phủ Trung Quốc, liệu có thể chống đỡ được làn sóng suy thoái kinh tế của mình hay không?

Nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, trước bờ vực thảm họa, (ảnh ghép minh họa).
Nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, trước bờ vực thảm họa (ảnh ghép minh họa).

Reuters ngày 14/4 nói rằng, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống 5,0% vào năm 2022 do bị ảnh hưởng bởi COVID.

Nhận định này được đánh giá dựa trên các số liệu của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, các số liệu tăng trưởng kinh tế đến từ Trung Quốc luôn bị thổi phồng và nằm trong sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc. Cho nên tình hình sức khỏe kinh tế Trung Quốc nếu dựa trên số liệu do nước này cung cấp luôn bị coi là không đáng tin. Thực tế, kinh tế Trung Quốc còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà Bắc Kinh đang cho thế giới thấy. 

Ví dụ: Tờ Business-Standard hồi đầu tháng này đã nói rằng, hoạt động nhà máy của Trung Quốc sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong hai năm qua vào tháng 3, do sự tấn công của COVID-19 trong nước và suy thoái kinh tế đến từ cuộc chiến Ukraine khiến sản lượng và nhu cầu giảm mạnh. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Caixin / Markit đã giảm xuống 48,1 trong tháng 3, cho thấy tốc độ thu hẹp mạnh nhất kể từ tháng 2 năm 2020, từ mức 50,4 trong tháng trước. Cả nhu cầu trong nước và nước ngoài đều giảm. Đặc biệt, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng Ba đã sụt giảm nghiêm trọng, cùng với các đợt bùng phát virus mới nhất ở Trung Quốc, kết hợp với sự gián đoạn trong lĩnh vực vận chuyển và những bất ổn thị trường từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Tất cả đã khiến khách hàng phải hủy hoặc tạm dừng đơn đặt hàng.

Khi mà chính phủ Trung Quốc trông mong vào nền kinh tế nội địa, thì bóng ma lạm phát lại đang bao trùm nền kinh tế nước này.

Nhu cầu trong nước đang tiếp tục phá đáy, giảm xuống mức thấp nhất mới. Lĩnh vực bất động sản đang chịu sức ép khủng khiếp. Trong khi các quốc gia trên thế giới đang chứng kiến ​​lạm phát tăng vọt, Trung Quốc lại đang thúc đẩy tăng tính thanh khoản và in thêm tiền mặt. Mà để tăng tính thanh khoản, các ngân hàng ở Trung Quốc sẽ phải giảm lãi suất. Điều này càng khiến tình trạng lạm phát càng thêm nghiêm trọng. Trong khi đó các nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ đã hoặc đang tăng lãi suất thì Trung Quốc một lần nữa lại chọn một lối đi không giống ai trong vấn đề kinh tế. Trung Quốc đang thực hiện các bước liên tiếp để gia tăng lạm phát. 

Tech Crunch ngày 14/4 báo cáo rằng các rào cản chính sách và lệ phí đang ngăn cản các doanh nhân trẻ Trung Quốc xây dựng các công ty lấy Trung Quốc làm trung tâm. Đối với các công ty khởi nghiệp mới chớm nở, họ đã buộc phải chuyển hướng tẩu thoát ra nước ngoài. 

Báo cáo ước tính có 4 triệu công ty biến mất ở Trung Quốc năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc khan hiếm hàng hoá, dịch vụ, thất nghiệp gia tăng….Chẳng bao lâu nữa, giá cả hàng hóa sẽ tăng vọt và người dân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền mặt to lớn. Điều này cùng với nền kinh tế đang suy thoái sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng tồi tệ của Trung Quốc. 

Về mặt quân sự: Phá sản kế hoạch hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa mạnh mẽ. Đến năm 2030, Quân đội Trung Quốc tham vọng kiểm soát các vùng biển toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ ràng qua việc nước này rất muốn có hàng không mẫu hạm. Hải quân Trung Quốc hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động và đang đóng chiếc thứ ba.

Một cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông năm 2016 (ảnh chụp màn hình China Daily).

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã ấp ủ kế hoạch sẽ có ít nhất 10 tàu sân bay như vậy vào năm 2049. Có như vậy thì mới đạt được vị thế thống trị hải quân toàn cầu của mình. Bắc Kinh càng có tham vọng thổi phồng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc bao nhiêu, thì càng thất vọng bấy nhiêu. Covid-19 đang tàn phá Trung Quốc theo cách chưa từng có và điều này được cho là đã giết chết kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc.

South China Morning Post (SCMP) đưa tin Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc CSSC không thể đóng tàu sân bay thứ ba vì một số nguồn lực đã được triển khai để giúp các nỗ lực của chính phủ chống lại Covid-19. Báo cáo cho biết kể từ ngày 22/3, Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ trong trận chiến chống lại Covid-19, tạo ra ba bệnh viện dã chiến trên đảo Trường Hưng với hơn 4.400 giường bệnh trong vòng chưa đầy một tuần. Đại dịch cũng sẽ làm trì hoãn kế hoạch đóng hai tàu tiếp tế cho hải quân.

Tàu sân bay dự kiến ​​sẽ được hạ thủy vào dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc vào ngày 23/4 tới. 

Tuy nhiên các hình ảnh vệ tinh gần đây từ Google Earth cho thấy phần nền của con tàu dài khoảng 320 mét đã gần hoàn thiện. Ba máy phóng trên tàu đã được che phủ, cho thấy rằng chúng đã hoàn thành, nhưng hai thang máy nâng máy bay của tàu sân bay vẫn chưa được lắp đặt hoàn chỉnh. 

Chính phủ Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn khó khăn – hoặc tiếp tục đóng tàu sân bay theo đúng tiến độ đã định hoặc từ bỏ kế hoạch để tập trung kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch chết người.

Nhưng những vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt trong việc đóng tàu sân bay thứ ba chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tàu sân bay thứ hai do công ty đóng tàu Trung Quốc đóng cũng đang gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng. Con tàu vẫn chưa thể sẵn sàng chiến đấu và các quan chức dường như không có lời giải thích nào về điều đó.

Về mặt đối ngoại: Bộ mặt của Trung Quốc đang được bóc từng lớp

Đầu tiên phải nói tới Uruguay, Khi cựu Tổng thống cánh tả Tabaré Vázquez của Uruguay cầm quyền, quốc gia Mỹ Latinh này đã bị biến thành thuộc địa của Trung Quốc. Uruguay chào đón các khoản vay vốn, đầu tư của Trung Quốc và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Uruguay, và hất cẳng Mỹ vốn là đồng minh truyền thống của họ ra khỏi đất nước. 

Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử tổng thống nước này năm 2020, chính phủ mới với người đứng đầu là ông Luis Lacalle Pou bắt đầu bày tỏ sự hoài nghi đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Vị tổng thống này đã xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ để cân bằng chính sách đối ngoại của nước này.

Uruguay là một trong số ít quốc gia ở Mỹ Latinh đã thành công trong việc ngăn cản Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực năng lượng của mình. Cơ quan điện lực Uruguay được cho là đã chặn các yêu cầu của Trung Quốc liên quan đến việc bán điện trực tiếp cho người dùng.

Uruguay là quốc gia có uy tín nhất và dân chủ nhất ở Mỹ Latinh hiện đã từ chối rơi vào miếng mồi ngon của Trung Quốc và thay vào đó, họ đã củng cố mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Quốc gia này đang mở cửa nền kinh tế, cũng như đang xây dựng một công cụ phá vỡ tốc  độ chiếm lĩnh Uruguay của Trung Quốc.  

Sau Uruguay là đất nước Mexico. Khi thế giới ngày càng ưa thích chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện và tránh xa các nguồn năng lượng phát thải carbon thì lithium là một yếu tố quan trọng đối với các nhà sản xuất pin EV cho xe điện. Với việc giá lithium tăng cao và tình trạng thiếu hụt lithium tiềm tàng đang xuất hiện, Tây Ban Nha và Trung Quốc đã và đang hút cạn sự giàu có từ lithium của Mexico. Tuy nhiên, Tháng 10 năm ngoái,  Mexico  đã có sáng kiến  ​​quốc hữu hóa dự trữ lithium của đất nước bằng cách thực hiện những thay đổi cần thiết đối với hiến pháp. 

Mexico đang đẩy mạnh nỗ lực kiểm soát tốt hơn nguồn dự trữ của mình, điều này có thể tác động đến cuộc chiến xe điện vốn đã nóng bỏng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Còn Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia này đã quyết định chôn vùi những thù hằn trong lịch sử để bắt tay nhau chống lại Trung Quốc. 

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã xấu đi đáng kể dưới sự cầm quyền của TT Hàn Quốc  Moon Jae-in. Trong một thời gian khá dài, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có những quyết tâm trong việc hàn gắn quan hệ với Seoul. Tuy nhiên, ông Moon đã phớt lờ những nỗ lực đó và chọn thân thiết với Trung Quốc.

Bây giờ ông ta không còn nắm quyền nữa và một chính phủ mới của Hàn Quốc đã vào cuộc, cả Seoul và Tokyo đều có thể làm việc để hòa giải và đi tiếp. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều biết rằng họ có 1 kẻ thù mục tiêu chung để đối phó. Đó là Trung Quốc. 

Trung Quốc luôn muốn Hàn quốc và Nhật Bản không được xích lại gần nhau. Từ đó Bắc Kinh có thể tự do lấn sân sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không chỉ vậy, họ còn lợi dụng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để ‘vô hiệu hóa’ Triều Tiên. Triều Tiên đã phần nào là một quốc gia ủy quyền của Trung Quốc, và Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra một sân sau khác như vậy khi nhắm tới Seoul. 

Tuy nhiên, Hàn Quốc đang phát triển chính sách đối ngoại chống Trung Quốc. Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tiếp cận liên minh an ninh bộ tứ Quad với đề xuất cho phép Hàn Quốc tham gia hội nghị thượng đỉnh sắp tới của liên minh vào tháng 5 với tư cách quan sát viên. Nó cho thấy rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản đang xích lại gần nhau. Họ đang cùng trên 1 mặt trận chống Trung Quốc. Điều đó bắt đầu gây nguy hiểm cho các kế hoạch bất chính của Trung Quốc, bên cạnh việc đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, còn thêm cả yếu tố Triều Tiên cũng có thể bị lợi dụng để chống lại Trung Quốc.