Trung Quốc bị chỉ trích sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để lôi kéo các quốc gia đang phát triển; khiến họ vay quá mức để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng; sau đó tịch thu các tài sản chiến lược thế chấp cho các khoản vay đó.

Đó là bình luận của ông Anthony Rowley, một nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính châu Á, đăng trên Nikkei Asia ngày 25/11.

Hàng loạt quốc gia dính bẫy nợ Trung Quốc

Theo nhà báo Rowley, một trong những trường hợp điển hình về chiến lược bẫy nợ “vô đạo đức” của Trung Quốc là cảng Hambantota ở Sri Lanka.

Sri Lanka vay phần lớn lượng tiền Trung Quốc để xây dựng cảng này. Năm 2017, Sri Lanka không thể trả các khoản vay; buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với hợp đồng 99 năm.

Ông Rowlay cho biết thêm: “Một dự án của Malaysia liên quan đến dự án đường sắt xuyên quốc gia mà Trung Quốc cũng đang tài trợ phần lớn”. Ông cho biết Malaysia đã phải đàm phán lại các khoản vay từ Trung Quốc do tình trạng vỡ nợ.

“Cũng đã có nhiều báo cáo khác cho thấy chính phủ Kenya có nguy cơ mất cảng ở Mombasa cho Trung Quốc; nếu nước này không thể trả các khoản vay lớn do Bắc Kinh ứng trước”, nhà báo Rowley nói.

Thủ tướng Hun Sen gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Thủ tướng Campuchia Hun Sen gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 2/2020 khi Bắc Kinh bị thế giới xa lánh vì bưng bít dịch virus COVID-19 (ảnh chụp màn hình CGTN/Youtube).

Tháng 9, tờ Nikkei Asia cũng đưa tin Công ty xếp hạng tín dụng Fitch Rating đã đánh tụt xếp hạng của Lào từ từ “B-” xuống “CCC”.  Quốc gia này ngày càng chìm đắm trong nợ nần với Trung Quốc; việc vỡ nợ là “khả năng có thật”.

Một quốc gia khác là Maldives cũng đang ở trong tình trạng “đáng lo ngại” khi nợ Trung Quốc khoảng 3,1 tỷ USD, theo BBC hôm 16/9.

Chính quyền Trump phơi bày ngoại giao bẫy nợ Trung Quốc

“Nếu không có tuyên bố của Phó Tổng thống Pence vào năm 2018 tại Viện Hudson của Washington về ‘ngoại giao bẫy nợ’ của Trung Quốc; thì tất cả những điều này có thể đã trôi qua như các giao dịch thương mại bình thường”, ông Rowley bình luận.

Phó Tổng thống Pence chỉ trích Trung Quốc lợi dụng cho vay quá mức để giành quyền kiểm soát các tài sản hàng hải chiến lược ở nhiều nơi trên thế giới.

Cấp phó của Tổng thống Trump cho biết: Trung Quốc đang sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để “mở rộng ảnh hưởng”. Bắc Kinh tài trợ hàng trăm tỷ USD cho các khoản vay cơ sở hạ tầng tại hàng loạt quốc gia; từ châu Á, châu Phi, châu Âu và thậm chí cả châu Mỹ Latinh. Các điều khoản mập mờ, không rõ ràng và lợi ích tràn ngập cho Bắc Kinh.

Ông Pence tuyên bố những thỏa thuận như vậy có “giá trị thương mại đáng ngờ”. Phó Tổng thống ngụ ý việc mua cảng của Trung Quốc được thúc đẩy với mục đích chiến lược. Ông Pence cho rằng nó nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013. Sáng kiến này bao gồm các hành lang trên biển và đất liền ở châu Á, châu Âu, châu Phi và hơn thế nữa.

Phó Tổng thống Mike Pence đã phơi bày kiểu "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc trong một bài phát biểu năm 2018. Trong ảnh, ông Donald Trump và ông Mike Pence phát biểu trước những người ủng hộ trong sự kiện vận động tranh cử ở Trung tâm Hội nghị Phoenix ở Phoenix, Arizona, Mỹ, ngày 31/8/2016 (ảnh: Gage Skidmore/ Wikimedia Commons).
Phó Tổng thống Mike Pence đã phơi bày kiểu “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc trong một bài phát biểu năm 2018. Trong ảnh, ông Donald Trump và ông Mike Pence phát biểu trước những người ủng hộ trong sự kiện vận động tranh cử ở Trung tâm Hội nghị Phoenix ở Phoenix, Arizona, Mỹ, ngày 31/8/2016 (ảnh: Gage Skidmore/ Wikimedia Commons).

Ông Rowley nhận định: “Cáo buộc của ông Pence được nhiều người tin tưởng hơn vào năm 2019; khi gã khổng lồ vận tải biển Trung Quốc Cosco mua phần lớn cổ phần tại cảng biển lớn nhất của Hy Lạp ở Piraeus. Đồng thời công ty này có cổ phần tại các cảng chính tại Trieste và Ravenna ở Ý, tại Koper ở Slovenia và Fiume ở Croatia”.

Trước đó chưa có ai nhắc đến thuật ngữ “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc. Chỉ đến năm 2017 chiến lược gia Ấn Độ Brahma Chellaney mới đề cập đến nó.

Tháng 10, vị chuyên gia này cũng có bài bình luận trên Nikkei Asia về việc tại sao các nước châu Á ngày càng lún sâu vào bẫy nợ của Trung Quốc. Ngoài châu Á, hàng loạt các quốc gia châu Phi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một danh sách dài các quốc gia muốn đình chỉ trả nợ cho Bắc Kinh gồm Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia.