Trung Quốc nguy cơ bị EU ra đòn thẳng tay vì chậm cải cách kinh tế
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nga ngày 15/11/2015 (ảnh: Điện Kremlin).

Vào tuần trước, Trung Quốc và EU đã tổ chức vòng đàm phán thứ 32 về thỏa thuận đầu tư song phương.

Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming trả lời với truyền thông rằng hai bên đã đạt được những tiến triển tích cực trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, trợ cấp chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Ông này cũng nói rằng hai bên đang nỗ lực “tìm kiếm vùng hạ cánh tiềm năng” để tiếp cận thị trường và phát triển bền vững.

Nhưng theo SCMP, một nguồn tin ngoại giao từ EU nói rằng Trung Quốc vẫn có thể mở cửa và hạ thấp rào cản hơn nữa trong các lĩnh vực vận tải, viễn thông, năng lượng, xử lý nước, du lịch, bưu chính, v.v.

Nguồn tin cho biết, nếu Trung Quốc không thực hiện thay đổi thì EU sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn thông qua chính sách viện trợ của nhà nước, cũng như yêu cầu về đối ứng khi đầu tư và tiếp cận thị trường.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang cố gắng nhanh chóng đạt được thỏa thuận đầu tư với EU. Mục tiêu này càng trở nên gấp gáp với Bắc Kinh do những hậu quả của đại dịch COVID-19 và mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

Ngoài các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư, Bắc Kinh cũng hy vọng sẽ sớm hoàn tất các cuộc đàm phán về Chương trình hợp tác chiến lược Trung Quốc-EU 2025. Chương trình bao gồm các dự án hợp tác về an ninh, chính trị và kinh tế giữa hai bên trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, EU cho biết họ sẽ cân nhắc Chương trình này sau khi thỏa thuận đầu tư được hoàn tất. Theo SCMP, nguồn tin ngoại giao cũng cho biết EU “không sẵn sàng tiến tới Chương trình nghị sự năm 2025 nếu nó chỉ là sự lặp lại những gì đã có trong chương trình trước đó”.

Từ Khóa: