Theo tin từ Reuters, tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco của Ả Rập Xê Út chuẩn bị bán cổ phần cho các nhà đầu tư quốc tế. Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC) là nhà đầu tư tiềm năng nhất.

Trung Quốc có thể mua cổ phần của tập đoàn dầu khí Aramco của Ả Rập Xê Út

Hôm 27/4 Thái tử Mohammed bin Salman cho biết, Ả Rập Xê Út đang thảo luận để bán 1% cổ phần của Aramco cho một công ty năng lượng hàng đầu toàn cầu; và có thể bán thêm cổ phần cho các nhà đầu tư quốc tế trong vòng một hoặc hai năm tới.

Cổ phần 1% tương đương khoảng 19 tỷ USD dựa trên vốn hóa thị trường hiện tại của Aramco.
Theo hai nguồn tin nói với Reuters, Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC) nằm trong danh sách những nhà đầu tư khả quan.

Theo nguồn tin thân cận với CIC, Aramco đang thảo luận với CIC và các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc. Phía Bắc Kinh chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc này.

Một nguồn tin khác tiết lộ cho Reuters rằng Aramco đã liên hệ với các nhà đầu tư trong một vài năm và CIC là nhà đầu tư tiềm năng nhất.

“Vương quốc Ả Rập Xê Út có quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Cổ đông lớn sẽ quyết định phải làm gì với cổ phần của họ”, một nguồn tin thân cận với Aramco cho biết.

Ả Rập Xê Út cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc

Ả Rập Xê Út là quốc gia khẩu dầu lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 3/2021 nước này vẫn giữ vị trí là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng thứ bảy liên tiếp.

Trước đại dịch COVID-19, Aramco đã đi vòng quanh quốc gia tỷ dân này để tìm kiếm các nhà đầu tư; trong đó có CIC và Quỹ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.

Aramco là tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới; được niêm yết trên thị trường chứng khoán Ả Rập Xê Út vào cuối năm 2019; huy động được 25,6 tỷ USD trong đợt IPO; và sau đó đã bán thêm cổ phiếu theo “quyền chọn greenshoe” để nâng tổng số lên 29,4 tỷ USD.

Ri-át tăng cường quan hệ với Bắc Kinh

Thái tử Mohammed cho biết, Ả Rập Xê Út đang tăng cường mối quan hệ với Bắc Kinh, New Delhi và Moscow. “Cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều coi Ả Rập Xê Út là một đối tác chiến lược”, ông nói.

Hoa Kỳ vẫn là đối tác chiến lược của Ả Rập Xê Út; dù có một số khác biệt của chính quyền Biden, vốn có lập trường cứng rắn hơn với Ri-át.

Ả Rập Xê Út là quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi. Họ vẫn “xích lại” gần với Bắc Kinh; bất chấp các chỉ trích của Hoa Kỳ và các nước phương Tây về việc Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương.