Gián điệp Trung Quốc tiết lộ rằng Bắc Kinh đang đầu tư đáng kể vào các hoạt động gián điệp lâu dài để xâm nhập chính trị Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times, báo cáo điều tra của Axios đưa tin rằng, từ năm 2011 đến năm 2015, Christina Fang, một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Bang California, đã xây dựng mối quan hệ sâu rộng với các chính trị gia địa phương. Cô ta tình nguyện tham gia các chiến dịch gây quỹ và tham dự các sự kiện chính trị. Các quan chức tình báo Hoa Kỳ tin rằng, Fang đang làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) – cơ quan gián điệp hàng đầu Trung Quốc.

Mối quan hệ tình cảm của gián điệp Trung Quốc và nghị sĩ Mỹ

Christina Fang tiết lộ mối quan hệ chặt chẽ với Hạ nghị sĩ Eric Swalwell. Trước đó, vào đầu năm 2015, Swalwell được lựa chọn để trở thành thành viên của Ủy ban Tình báo Mỹ. Fang biết Swalwell lần đầu khi anh là thành viên hội đồng thành phố địa phương. Sau đó, cô ta đã gây quỹ cho chiến dịch tái tranh cử năm 2014 của nghị sĩ, tạo điều kiện để bố trí một thực tập sinh trong văn phòng của anh, theo Axios.

Ngoài ra, nguồn tin này cho biết, Christina Fang cũng có những mối quan hệ yêu đương và tình dục với hai thị trưởng giấu tên tại các thành phố nằm ở giữa bờ Tây nước Mỹ.

Nicholas Eftimiades, một cựu quan chức tình báo cấp cao Hoa Kỳ và là tác giả cuốn sách “Hoạt động tình báo Trung Quốc”, cho biết hoạt động này được “xử lý tuyệt vời”. Bắc Kinh dường như đạt được cả hai mục đích, khi vừa thu thập thông tin tình báo, vừa có ảnh hưởng đến giới chính trị.

Ông nói, điều này cho thấy chế độ Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào cuộc chơi lâu dài — nhắm vào các quan chức địa phương, những người có thể trở thành đại diện nhà nước. Đó là một chiến lược “thực sự có thể tàn phá một quốc gia”, Eftimiades đánh giá.

Gián điệp Trung Quốc thâm nhập vào giới chính trị Mỹ
Từ trái qua phải: Christina Fang với Nghị viên thành phố Dublin lúc bấy giờ là Eric Swalwell tại một sự kiện dành cho sinh viên vào tháng 10/2012; Fang, với cựu Thị trưởng Fremont Bill Harrison và Dân biểu Judy Chu; Fang với Mike Honda và Nghị viên thành phố San Jose lúc đó là Ash Kalra tại một sự kiện tháng 3/2014 tại Đại sứ quán Trung Quốc ở D.C. (ảnh: Renren, Facebook)

Bắc Kinh âm mưu ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ

Bằng cách nhắm vào các chính trị gia, Christina Fang đã tiếp cận với những người có thể ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Vào năm 2018, tờ báo Politico đưa tin rằng, một nhân viên của Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein bị nghi ngờ đã cung cấp thông tin tình báo trong nhiều năm cho lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco. Nhân viên này là tài xế của Feinstein và cũng từng là liên lạc viên cho cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Vùng Vịnh.

Feinstein đưa ra một tuyên bố vào thời điểm đó, cho biết FBI đã thông báo tóm tắt về nhân viên này vào năm 2013. Bà nói anh ta không có quyền truy cập vào thông tin mật, và phải rời văn phòng sau cuộc họp giao ban.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia – John Ratcliffe đã viết trong một tạp chí gần đây về lần bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 này. Ông viết rằng chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào một “chiến dịch gây ảnh hưởng lớn, bao gồm việc nhắm mục tiêu vào hàng chục thành viên Quốc hội và các trợ lý của Quốc hội”.

Cảnh báo về mối đe dọa gián điệp Trung Quốc

Ratcliffe nói rằng ông đã thông báo cho các ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện về việc Bắc Kinh đang “nhắm vào các thành viên Quốc hội với tần suất gấp 6 lần Nga và 12 lần Iran”.

Trong bài phát biểu hồi tháng 9, trước các nhà lập pháp bang Wisconsin, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh báo về hoạt động gián điệp và ảnh hưởng của Trung Quốc ở các cấp chính quyền địa phương. Ông nhấn mạnh rằng, chính phủ Bắc Kinh coi các quan chức cấp dưới của Hoa Kỳ là một “mắt xích yếu” có thể lợi dụng. Đặc biệt là khi chính phủ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã giữ vững lập trường đối với Bắc Kinh.

Pompeo cho biết mục tiêu cuối cùng của âm mưu này là “làm cho người Mỹ dễ tiếp thu hình thức chủ nghĩa độc tài của Bắc Kinh”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Sự nguy hại từ “chiếc bẫy mật ngọt”

Theo Eftimiades, lợi dụng các mối quan hệ tình dục hoặc tình yêu để tiếp cận các chính trị gia Mỹ là một “chiến thuật phổ biến” trong vở kịch gián điệp của Trung Quốc.

Ví dụ, vào năm 2014, một cựu nhà thầu quân sự Mỹ ở Hawaii đã bị kết án 7 năm tù vì chuyển bí mật quốc phòng cho bạn gái Trung Quốc của anh này, theo Reuteurs.

Trong suốt những năm 1980 đến đầu những năm 2000, FBI bị xâm nhập bởi một điệp viên hai mang có tên Katrina Leung. Trong thời gian đó, cô đã trở thành người tình lâu năm của cả hai người phụ trách của cô này tại FBI (một trong 2 người đó là James J. Smith, cuộc tình này kéo dài 20 năm). FBI cáo buộc cô đã lấy cắp tài liệu từ chiếc cặp của Smith, sao chụp chúng và đưa cho tình báo Trung Quốc, theo the Guardian.

Katrina Leung bị truy tố vào năm 2005. Với 5 tội danh là tàng trữ và sao chép trái phép các tài liệu mật. Nhưng một thẩm phán đã bác bỏ vụ án do hành vi sai trái của cơ quan tố tụng.

Mỹ và nỗ lực phối hợp chống lại âm mưu gián điệp

Nicholas Eftimiades, cựu quan chức tình báo cấp cao Hoa Kỳ đánh giá hệ thống gián điệp Trung Quốc “rộng lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác trên Trái Đất”.

Để ngăn chặn điều này, Eftimiades cho rằng Hoa Kỳ nên phát triển một cách tiếp cận nhất quán để đối phó với chế độ Trung Quốc. Ông nói: “Quốc hội cần đưa vấn đề này vào luật”.

Ngoài ra, các cơ quan tình báo cần phải làm việc nhiều hơn với các thành viên Quốc hội và các quan chức địa phương. Hành động này có thể giúp họ đối phó với các liên hệ tiềm ẩn liên quan đến Trung Quốc hoặc các gián điệp tình báo, tờ The Epoch Times có bình luận như vậy.