Bắc Kinh đang thu thập dữ liệu từ các mạng xã hội thế giới, như Facebook, Twitter và YouTube, từ đó phân tích, định hướng dư luận nước ngoài theo hướng có lợi cho Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Anders Corr.
Trong bài phân tích trên EpochTimes, ông Corr viết: “Mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là sử dụng các thuật toán phức tạp, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, nhắm mục tiêu vi mô và sử dụng các tài khoản mạng xã hội đã mua để cảnh báo sớm các xu hướng dư luận chống lại ĐCSTQ, nhằm tác động đến công chúng toàn cầu đối với các lập trường ủng hộ ĐCSTQ”.
Theo một báo cáo điều tra ngày 1/1 của Cate Cadell trên tờ The Washington Post (WP), các hệ thống dữ liệu tinh vi đang được sử dụng trong bộ máy quyền lực của ĐCSTQ, như “truyền thông nhà nước, sở tuyên truyền, cảnh sát, quân đội và cơ quan quản lý mạng”.
Các hệ thống dữ liệu, mỗi hệ thống có giá hàng trăm nghìn đô la, cung cấp “quyền giám sát kỹ thuật ngày càng tăng dành cho bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc”.
Một trong các hệ thống dữ liệu là một chương trình phần mềm dành cho truyền thông nhà nước Trung Quốc, trị giá 320.000 đô la (khoảng 7,2 tỷ đồng). Nó chuyên được dùng để khai thác Twitter và Facebook, tạo cơ sở dữ liệu về các nhà báo và học giả nước ngoài.
Còn có một chương trình tình báo của cảnh sát Trung Quốc, trị giá 216.000 USD (gần 5 tỷ đồng), nhằm phân tích những lời bàn tán của phương Tây về Hồng Kông và Đài Loan.
Báo cáo cho biết, còn có một trung tâm mạng ở Tân Cương, khu vực sinh sống của phần lớn dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.
Các công ty, cơ quan truyền thông nhà nước và gần chục trường đại học Trung Quốc được liệt kê là cung cấp phần mềm cho ĐCSTQ vì những mục đích trên. Một công ty ở Thượng Hải tuyên bố sử dụng “công nghệ phân tích trí tuệ nhân tạo và khai thác dữ liệu lớn tiên tiến”, có khả năng phủ sóng hơn 90% mạng xã hội nước ngoài ở Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước láng giềng của Trung Quốc, theo báo cáo.
Hệ thống “tự động thu thập và lưu trữ dữ liệu Facebook và Twitter theo thời gian thực, chuyển về các máy chủ nội địa của Trung Quốc để phân tích”, theo bốn nguồn tin của Washington Post ở Bắc Kinh.
Điều này rõ ràng là vi phạm các quy định của Twitter và Facebook về việc cấm thu thập dữ liệu tự động, ngoại trừ các trường hợp được phép trước. Twitter cũng cấm khai thác dữ liệu để suy ra các đặc điểm chính trị, dân tộc hoặc chủng tộc của người dùng.
Những hành vi vi phạm này đang được chính quyền Trung Quốc áp dụng công khai. Truyền thông nhà nước của Trung Quốc tuyên bố vào năm 2014 rằng hơn 2 triệu cá nhân đã làm việc trong hệ thống phân tích dư luận của chính quyền Trung Quốc. Các hệ thống mới đôi khi hoạt động 24 giờ và bao gồm các nhóm chuyên gia tiếng Anh và chính sách đối ngoại. Vào năm 2018, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngành phân tích ý kiến trực tuyến của Trung Quốc được định giá hàng tỷ đô la và tăng trưởng 50% hàng năm.
“Mục đích cuối cùng của việc phân tích và dự đoán là định hướng và can thiệp vào dư luận,” theo một nhà phân tích dư luận của tờ Nhân dân Nhật báo có tên là Liao Canliang. Dữ liệu công khai từ người dùng mạng xã hội có thể được sử dụng để phân tích các đặc điểm và sở thích của người dùng, sau đó định hướng họ một cách có mục tiêu”.
Vào năm 2020, Twitter đã đình chỉ 23.000 tài khoản bị cáo buộc có liên hệ với ĐCSTQ. Nhưng các tài khoản Twitter bị đóng kể từ năm 2020 chỉ là “một phần nhỏ” trong hệ thống các tài khoản mạng xã hội mà Bắc Kinh tạo dựng, theo các chuyên gia được trích dẫn bởi Washington Post.