Chính quyền Trung Quốc thừa nhận có sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, cách Hà Nội hơn 800 km.

The New York Times dẫn thông tin trên từ Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc. Cơ quan này nói rằng không có rò rỉ bức xạ tại nhà máy Đài Sơn; nhưng thừa nhận một số thanh nhiên liệu uranium bên trong nhà máy này đã gặp sự cố.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo nhà máy Đài Sơn có rò rỉ phóng xạ, thậm chí có nguy cơ phát nổ. Hôm 15/6, Bắc Kinh cam đoan nhà máy này vẫn an toàn.

Giới chức Trung Quốc tuyên bố sự cố tại Đài Sơn vẫn nằm trong mức cho phép; vì theo thiết kế thì nhà máy có thể hoạt động an toàn khi xảy ra sự cố đối với 0,25% số thanh nhiên liệu uranium.

Hiện tại, nhà máy có khoảng 60.000 thanh nhiên liệu uranium. Vì vậy, giới chức Trung Quốc cho rằng nhà máy vẫn an toàn dù 150 thanh nhiên liệu có vấn đề.

Việc một số thanh nhiên liệu gặp sự cố là điều khá phổ biến trong các nhà máy điện hạt nhân, theo giáo sư Najmedin Meshkati, chuyên gia kỹ thuật an toàn hạt nhân tại Đại học Nam California. Nhưng ông cho rằng việc các khí phóng xạ tích tụ trong nước xung quanh các thanh nhiên liệu là điều bất thường. Vì vậy, các nhà quản lý cần xem xét lại mức độ như thế nào là an toàn.

Tuy nhiên, các nhà quản lý Trung Quốc bị chỉ trích là tự hạ thấp tiêu chuẩn an toàn để nhà máy Đài Sơn không bị đóng cửa. Ông Lê Quảng Đức, kỹ sư thuộc Liên minh chuyên ngành công Hồng Kông, nói với The Epoch Times: “Việc giám sát hạt nhân và giám sát an toàn của Trung Quốc là hoạt động rất mờ ám”.

Bà Hoàng Từ Bình, người từng là chuyên gia vật lý hạt nhân thuộc Bộ Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc, nói với NTDTV: “Chính quyền Trung Quốc muốn trấn an người dân; và nói rằng các chỉ số vẫn bình thường”.

Nhưng “đây không phải là vấn đề đơn giản là rò rỉ từ từ; mà là vấn đề có nguy cơ gây cháy nổ”, bà Hoàng cho biết.