Nhật bản là quốc gia nổi tiếng về văn hóa đúng giờ đến mức người ta cho rằng người Nhật bị ám ảnh bởi nó. Việc đúng giờ tại sao lại quan trọng đối với người Nhật như vậy?
Ngày nay, tình huống trễ hẹn hoặc muộn giờ rất phổ biến. Mặc dù quy định chung cho các công sở giờ làm việc từ 8h, nhưng cảnh tắc đường buổi sáng vào thời điểm bắt đầu giờ làm việc chính thức không hề xa lạ.
Việc đó cho thấy muộn giờ là chuyện bình thường; ở nhiều nơi hầu như ai cũng mắc phải. Mọi người bảo nhau là “Giờ cao su”. Một thứ văn hóa chẳng đáng vui, nhưng đã thành chuyện tặc lưỡi cho qua. Với người Nhật thì ngược lại.
Một bộ trưởng Nhật Bản xin lỗi vì muộn họp 3 phút
Bộ trưởng Thế vận hội Nhật Bản, ông Yoshitaka Sakurada đã từng phải công khai xin lỗi; sau khi đến muộn 3 phút trong cuộc họp quốc hội. Nghị sĩ phe đối lập nói rằng việc chậm trễ của ông Sakurada cho thấy sự tắc trách. Họ đã tẩy chay cuộc họp của ủy ban ngân sách trong 5 giờ để phản đối.
Năm 2018, một chuyến tàu của tuyến đường sắt JR-West đã khởi hành sớm 25 giây; khiến nhiều người chỉ trích và hãng đường sắt đã phải lên tiếng xin lỗi. Việc này được đưa tin rộng rãi ở Nhật Bản; và bị coi là một sai lầm lớn của công ty đường sắt JR-West. JR-West nhận lỗi: Chúng tôi gây ra sự bất tiện cho khách hàng của mình; thật sự là không thể tha thứ được.
Văn hóa đúng giờ là biểu hiện của sự tu dưỡng, biết nghĩ cho người khác
Việc đúng giờ hay trễ hẹn nó thể hiện văn hóa, phẩm cách, sự tu dưỡng của một người; lớn hơn nữa là văn hóa của một đất nước. Người đúng giờ là người biết nghĩ cho người khác, tôn trọng người khác.
Nếu bạn đi muộn 10 phút, đó không chỉ là 10 phút của bạn, mà là của tất cả những người có mặt đang chờ bạn. Nếu bạn muộn 10 phút; và phòng họp có 20 hay 50 người phải chờ bạn, có nghĩa là bạn đã lãng phí 200 phút hay 500 phút của người khác.
Những người thành công coi thời gian như một tài nguyên quý giá. Họ sẽ đánh giá thấp nếu bạn lỡ hẹn. Bởi vì điều đó thể hiện rằng: Bạn không quý trọng tài sản của chính mình và của họ.
Việc đi làm muộn gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Báo cáo năm 2017 của Heathrow Express chỉ ra những người đi làm muộn ở Anh khiến nền kinh tế nước này thiệt hại lên tới 9 tỷ bảng (11,7 tỷ USD).
Tại Hoa Kỳ, tiểu bang New York: Những người đi làm muộn đã gây thiệt hại 700 triệu USD hàng năm. Tại tiểu bang California: Thiệt hại do đi làm muộn lên đến 1 tỷ USD trong vòng 1 năm.
Văn hóa đúng giờ là văn hóa của người thành tín
Người Nhật có văn hóa đúng giờ là bởi vì họ lưu giữ và thấm nhuần giá trị văn hóa truyền thống. Việc đúng giờ cũng như giữ lời hứa, đều là biểu hiện của sự thành tín.
Chữ Tín là phẩm chất đạo đức không thể thiếu trong văn hóa truyền thống. Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, nghĩa là: Người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ đứng trên thế gian này. Lời giảng vô cùng nghiêm khắc của cổ nhân cho thấy ý nghĩa quan trọng của chữ tín.
Đúng giờ, giữ lời hứa chính là biểu hiện của chữ Tín ở mỗi người. Người trễ hẹn thì cũng không ngại gì thất hứa. Vào thập niên 1920, việc đúng giờ được ghi nhận trong tuyên truyền ở nước Nhật. Ví như các hình ảnh truyền đi thông điệp “Hướng dẫn tạo kiểu tóc trong 5 phút vào dịp bình thường và tối đa 55 phút vào dịp trang trọng dành cho phụ nữ” được dán trên khắp các đường phố.
Phó giáo sư truyền thông và đa phương tiện, ông Makoto Watanabe tại đại học Hokkaido Bunkyo cho biết: Nếu công nhân đến muộn, công ty hoặc tổ chức sẽ phải chịu tổn thất. Ở góc độ cá nhân, tôi không đúng giờ đồng nghĩa với tôi không thể hoàn thành mọi việc cần làm.
Giáo sư khoa học xã hội tại đại học Waseda và là một nhà lập pháp trước đây của đảng Dân Chủ Nhật Bản, bà Mieko Nakabayashi cho rằng: Điều quan trọng đối với các nhân viên công ty là phải tuân thủ kỷ luật và đúng giờ. Bà nói thêm: “Nếu bạn không thể làm điều đó, thì bạn sẽ bị mang tiếng xấu trong công ty”.
Quan điểm của người Nhật: Nếu bạn không đến sớm, nghĩa là bạn đã trễ
Người Nhật được dạy cần phải đúng giờ từ khi còn nhỏ. Một sinh viên đại học, Issei Izawa 19 tuổi cho biết: Cha mẹ tôi luôn nói với tôi rằng điều quan trọng là đừng đến muộn. Hãy nghĩ về những người mà họ sẽ gặp phải phiền phức do con đến muộn, có khi con chỉ chậm một chút so với lịch trình. Điều đó đã khắc sâu trong tôi.
Một bà nội trợ 35 tuổi sống ở quận Saitama, cô Kanako Hosomura cho biết: “Cô ghét việc đến muộn, ngay cả khi chỉ trong 1 phút. Tôi rất thích đến sớm trong các cuộc hẹn, vì thà tôi ngồi đợi họ còn hơn là bắt ai đó đợi tôi“
Chúng ta, ai cũng có 24 giờ trong một ngày và một núi công việc. Nhưng người đúng giờ là người rèn luyện được tính kỷ luật, có khả năng sắp xếp và phân bổ thời gian hợp lý.
Tất nhiên, có lý do khách quan hoặc bất khả kháng làm chúng ta không thể đúng giờ. Trong trường hợp đó, nên thông báo trước với đối tác hay người mình sẽ gặp, xin lỗi về sự chậm trễ và có lý do chính đáng. Bạn cố gắng đừng lặp lại, vì nếu thường xuyên xin lỗi về sự chậm trễ, thì người khác cũng không còn tôn trọng bạn nữa.
Người thường xuyên trễ giờ là người không có kỷ luật, không tôn trọng người khác và cũng không có tự trọng. Những biểu hiện của việc không đúng giờ tưởng là nhỏ, nhưng lại là nguyên nhân khiến xã hội suy thoái giá trị đạo đức. Người ta không coi trọng sự thành tín nữa, dẫn đến việc gian dối, thất tín cũng trở nên bình thường.
Một quốc gia vững mạnh như Nhật Bản là bởi vì họ bảo tồn và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Một người được tôn trọng cũng từ việc tu dưỡng các phẩm chất đạo đức. Từ sự tu dưỡng đó có thể nhìn ra phẩm cách của một cá nhân, hay số phận của một con người. Rộng hơn nữa là văn hóa hay vận mệnh của một quốc gia.