Hôn nhân hiện đại cho con người quyền tự do yêu đương, tự do lựa chọn bạn đời. Thế nhưng, tỷ lệ ly hôn ngày càng cao khiến không ít người giật mình đặt câu hỏi: vì sao những cuộc hôn nhân bắt đầu từ tình yêu sâu đậm lại mong manh hơn cả những cuộc hôn nhân ngày xưa – khi ông bà ta chưa từng biết mặt nhau trước lễ cưới?
- Cuộc sống thật đơn giản, không phức tạp như ta vẫn sống
- Sức mạnh chữa lành của âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn
- Thế giới tâm linh – Những trải nghiệm chấn động thay đổi cả đời tôi
Tóm tắt nội dung
Hôn nhân hiện đại: Yêu tự do, cưới hoành tráng, ly hôn chóng vánh
Ngày nay, giới trẻ được hoàn toàn tự do trong chuyện yêu đương. Họ có thể tìm hiểu nhau trước khi cưới, có thể hẹn hò, chung sống thử, rồi mới quyết định tiến tới hôn nhân. Những đám cưới được tổ chức rất rình rang, hoành tráng, đầu tư không kém gì một bộ phim điện ảnh. Nhưng rồi, có không ít cặp đôi chỉ vài tháng sau lễ cưới đã… ly hôn.
Tỷ lệ ly hôn trong xã hội hiện đại tăng cao đến mức đáng lo ngại. Và điều khiến người ta suy ngẫm là: lý do chia tay đôi khi vô cùng… ngớ ngẩn. Chỉ vì “không hợp”, vì “anh ấy không còn như xưa”, vì “cô ấy quá khó tính”, hay đơn giản là “không chịu được nhau nữa”.
Thế hệ ông bà: Không yêu, kết hôn vẫn sống hạnh phúc suốt đời
Trái ngược với hiện tại, thế hệ ông bà ta ngày trước không có tự do yêu đương. Nhiều người đến ngày cưới mới lần đầu gặp mặt. Hôn nhân thời ấy là do cha mẹ sắp đặt, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không có lãng mạn, không có tìm hiểu kỹ càng. Ấy vậy mà họ lại sống với nhau đến răng long đầu bạc, con cháu đầy đàn, gia đình hạnh phúc và ấm êm.

Nguyên nhân sâu xa của những cuộc hôn nhân mong manh
Một trong những nguyên nhân sâu xa chính là sự khác biệt trong tư duy về hôn nhân. Thế hệ trước xem hôn nhân là một bổn phận, một sự gắn bó lâu dài, còn giới trẻ ngày nay nhiều khi coi hôn nhân là một trải nghiệm cảm xúc. Khi còn cảm xúc thì gắn bó, khi hết cảm xúc thì chia tay.
Thêm vào đó, xã hội hiện đại khiến chúng ta kỳ vọng rất nhiều vào tình yêu. Ta mong muốn một người hiểu mình tuyệt đối, luôn ngọt ngào, lãng mạn, không có khuyết điểm. Nhưng thực tế cuộc sống không giống những bộ phim. Khi sự thật lộ diện, khi những “màu hồng” ban đầu nhạt phai; ta lại thất vọng và dễ dàng từ bỏ.
Hôn nhân của ông bà ta không cần phải hoàn hảo. Họ sống với nhau bằng nghĩa, bằng tình, bằng sự nhẫn nhịn và trách nhiệm. Càng sống, càng hiểu nhau, càng thương nhau. Còn ngày nay, chúng ta muốn hôn nhân phải phục vụ cảm xúc của bản thân – một mong muốn rất mong manh khi va vào thực tế đời sống.
Không thể không nhắc đến yếu tố đạo lý – một nền tảng từng là trụ cột giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ngày xưa, con người sống theo luân thường đạo lý, coi trọng thủy chung, kính trên nhường dưới. Những câu dạy như “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; “một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức. Giờ đây, những điều đó dần bị xem là lỗi thời, bị thay thế bằng quan điểm cá nhân; tự do tuyệt đối – điều đó có thể là quyền, nhưng cũng là nguy cơ.
Tự do là con dao hai lưỡi
Tự do là điều đáng quý. Nhưng nếu tự do không đi kèm với trách nhiệm, sự bao dung và hiểu biết, thì nó sẽ biến thành con dao hai lưỡi. Nó khiến ta dễ bắt đầu, và cũng dễ buông bỏ.
Hôn nhân không thể chỉ dựa vào cảm xúc. Để bền lâu, nó cần sự thấu hiểu, chấp nhận và vun đắp mỗi ngày. Nó cần sự tỉnh táo khi lựa chọn, và sự kiên định khi cùng nhau vượt qua thử thách.
Có lẽ đã đến lúc, chúng ta – giữa thời đại hiện đại – nên nhìn lại những giá trị mà ông bà ta từng gìn giữ. Không phải để quay về với những cuộc hôn nhân sắp đặt; mà để học lại cách xây dựng một mái ấm bằng tình, nghĩa; và lòng biết ơn – thay vì chỉ chạy theo cảm xúc nhất thời.

Bạn nghĩ sao?
Phải chăng hôn nhân không cần bắt đầu bằng một tình yêu hoàn hảo; mà cần được nuôi dưỡng bằng lòng kiên nhẫn và sự thủy chung? Bạn có tin rằng những giá trị truyền thống vẫn có thể giữ được hạnh phúc trong xã hội hiện đại?