Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã cho bắt giữ một đồng minh của ông Tập Cận Bình. Giới quan sát cho rằng động thái này là một chiến lược của ông Tập nhằm răn đe các phe cánh khác.

Theo Nikkei Asia, ngày 11/2, chính quyền Trung Quốc đã công bố vụ bắt giữ Chu Giang Dũng, cựu bí thư Thành ủy thành Phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang. Đây là một tỉnh quan trọng, là quê hương của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba. Các địa phương như Chiết Giang đã đưa Trung Quốc đi lên vị trí là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thành trì chính trị của ông Tập bị cáo buộc không tuân thủ pháp luật

Chu Giang Dũng được coi là một “thành trì chính trị” của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Chu nhanh chóng thăng tiến qua các cấp bậc ở Chiết Giang.

Giới quan sát dự đoán, với tư cách là một nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo đầy triển vọng trong phe Chiết Giang; ông Chu sẽ sớm được thăng chức tỉnh trưởng của một tỉnh khác.

Cuộc bắt giữ Chu đã tạo ra những làn sóng xung kích. Hai cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Ủy ban Giám sát Quốc gia cáo buộc Chu “giả vờ tuân thủ các quyết định và sắp xếp của Ủy ban Trung ương [Đảng Cộng sản] trong khi hành động chống lại họ”.

Chu trở thành quan chức cấp cao đầu tiên ở Trung Quốc bị cáo buộc tiếp tay cho việc “mở rộng vốn gây mất trật tự”. Tội của Chu không chỉ đơn thuần là tham nhũng mà còn là “tội lỗi chính trị”. Tức là không tuân theo mệnh lệnh nghiêm ngặt của ông Tập để ngăn chặn “sự bành trướng của tư bản một cách mất trật tự”.

Trong khi cáo buộc phạm tội ông Chu vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có nguồn tin cho rằng, một đơn vị của Ant Group trực thuộc Alibaba đã mua giảm giá hai lô đất ở Hàng Châu và mua cổ phần tại hai doanh nghiệp thanh toán di động do em trai của Chu làm chủ.

Thanh trừng nội bộ phải chăng ông Tập Cận Bình muốn răn đe các phe phái khác?

Một nhóm phụ tá thân cận của ông Tập, cho biết: “Không nên đánh giá thấp tác động của vụ bắt giữ này. Ngay cả khi con số bị bắt là cá con nhỏ, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Các quan chức địa phương sẽ không thể liên kết với các công ty tư nhân như họ đã từng làm”.

Năm 2021, một cuộc điều tra quy mô lớn về mối quan hệ giữa chính trị và doanh nghiệp nhắm vào khoảng 25.000 người, bao gồm cả các quan chức địa phương. Điều đó khiến các công ty tư nhân lo lắng chính quyền có thể đàn áp họ.

Chu có thể đã trở thành nạn nhân đầu tiên của thanh trừng nội bộ. Việc ông Tập thực hiện các biện pháp khắc nghiệt như vậy đối với một thành viên của phe mình có tác dụng răn đe các phe phái khác, rằng họ sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn nếu vi phạm pháp luật.

Kể từ khi “mở rộng vốn mất trật tự” trở thành một cụm từ gây xôn xao vào năm 2021, đã có một cuộc đàn áp khốc liệt đối với những gã khổng lồ công nghệ và các trường tư thục.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng các chính sách như vậy có thể dẫn đến việc loại bỏ vốn như một chức năng của nền kinh tế. Họ hỏi “vốn” có phải là kẻ thù của Trung Quốc không? Ngày 8/2, một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo khuyến khích “sự phát triển có trật tự” của vốn. Nhưng sự phát triển có trật tự là gì? Điều đó xuất phát từ những ý tưởng bất chợt của ĐCSTQ, theo Nikkei.

ĐCSTQ kiểm soát mọi thứ ngay cả lĩnh vực tư nhân

Nikkei lập luận, ngay cả hệ thống đèn giao thông còn có quy tắc; đèn đỏ có nghĩa là dừng lại; đèn xanh có nghĩa là đi. Nhưng sự điều hành của ĐCSTQ thì không có quy tắc nào cả, mà nó theo quan điểm của người nắm quyền tối cao.

Một học giả Trung Quốc cho biết: “Vốn nào tốt, vốn nào xấu sẽ được xác định trên quan điểm chính trị trong tương lai. Ông Tập muốn nhuộm cả vốn bằng màu của chính mình.”

Các chi bộ của ĐCSTQ được thành lập ngay tại các công ty tư nhân. Điều đó cho phép Đảng kiểm soát mọi thứ.

Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về sự phát triển lành mạnh và bền vững của Internet với sự tham dự của các quan chức hàng đầu từ 27 công ty công nghệ lớn, bao gồm Alibaba, JD.com và ByteDance. Có mặt tại hội nghị gồm các quan chức cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (cơ quan này từng có nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa).

Ngày 15/2, Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới yêu cầu bất kỳ công ty internet nào có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng phải được đánh giá bảo mật của cơ quan chức năng trước khi niêm yết ở nước ngoài.