Việc Trung Quốc có quyền sử dụng căn cứ quân sự Ream của Cammpuchia là một điều đáng lo ngại cho các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, theo nhận định của các nhà phân tích.

Giới quan sát cho rằng Campuchia không thu được lợi ích đáng kể nào từ việc cung cấp căn cứ Ream cho Trung Quốc. Ngược lại, căn cứ này có thể giúp Bắc Kinh gia tăng thế “gọng kìm” đối với Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Premesha Saha của Tổ chức Nghiên cứu Observer (ORS) phân tích trên ORF, rằng: Nếu Trung Quốc có căn cứ quân sự tại Campuchia, thì nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh của toàn bộ ASEAN.

“Hải quân Trung Quốc có thể sử dụng căn cứ này để mở rộng khả năng tiếp cận đến Biển Đông“, theo bà Saha.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng nếu quân đội Trung Quốc có thể sử dụng căn cứ này, thì họ sẽ có thể sử dụng cơ sở của Campuchia để khẳng định thêm yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông.

Căn cứ Hải quân Ream là mối đe dọa với Việt Nam

Việt Nam là “quốc gia có khả năng bị đe dọa nhiều nhất bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia”, theo Asia Times.

Nếu đó là một cơ sở lưỡng dụng, chứ không phải là một căn cứ quân sự độc quyền của Trung Quốc và không có một đơn vị cố định hoặc luân phiên của Trung Quốc, thì Hà Nội sẽ ít phải lo lắng hơn nhiều.

Vì vậy, “Hà Nội sẽ không phản ứng thái quá, mặc dù vẫn đề phòng và tiếp tục bày tỏ quan ngại để nhắc nhở các đối tác Campuchia và Trung Quốc”, theo ông Collin Koh, một thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore.

“Tôi có xu hướng tin rằng Campuchia và Trung Quốc lưu tâm đến phản ứng của Việt Nam và do đó sẽ không tìm cách kích động Hà Nội áp dụng các biện pháp đáp trả gay gắt hơn có khả năng làm suy yếu lợi ích của họ”, ông Koh nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà bình luận khác bi quan hơn. Ông Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, cho biết: “Một khu trại rộng hai mẫu Anh trong một căn cứ (quân sự) không phải là nhỏ; khả năng sẽ có một biệt đội quân sự Trung Quốc thường trực ở đó”.

Ông cho biết sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Campuchia sẽ cho phép họ theo dõi “mọi thứ ra vào” đảo Phú Quốc, nơi có hạm đội phía nam của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam.

Nó cũng có thể cho phép quân đội Trung Quốc giám sát hoạt động tại Căn cứ Hải quân Sattahip của Thái Lan, nằm cách đó chưa đầy 500 km. Đây là căn cứ hải quân lớn nhất Thái Lan và là nơi hải quân Mỹ thường xuyên cập cảng.

Nghiêm trọng hơn, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở miền nam Campuchia có thể đồng nghĩa với việc “bao vây” Việt Nam, theo Asia Times.

Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực quân sự từ biên giới phía bắc với Trung Quốc. Từ phía đông là áp lực từ các cơ sở quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ phía tây, các nước láng giềng gồm Lào và Campuchia đang ngày càng lún sâu vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Với sự hiện diện tại Căn cứ Hải quân Ream, Trung Quốc có thể gây áp lực với Việt Nam từ phía nam và phía tây.

Cùng với các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, “chúng tạo ra gọng kìm quân sự siết chặt Việt Nam”, theo ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii.

Năm ngoái, Việt Nam đã công bố thành lập một đơn vị dân quân biển vũ trang mới tại tỉnh Kiên Giang, giáp với tỉnh Kampot, đông nam Campuchia. Báo Quân đội Nhân dân hồi tháng 6 năm ngoái đưa tin đơn vị mới sẽ “bảo vệ chủ quyền biển, đảo” của Việt Nam.

Nhà phân tích người Campuchia Sokvy Rim suy đoán rằng đơn vị mới của Việt Nam có thể được thành lập “với mục đích giả định là thu thập thông tin liên quan đến căn cứ quân sự tương lai của Trung Quốc tại Ream.”