OceanGate Expeditions đã công bố một video mới nhất về xác tàu Titanic ở độ phân giải cao 8K, tiết lộ mức độ chi tiết và màu sắc đáng kinh ngạc của con tàu bị chìm cách đây hơn một thế kỷ.
Xác tàu rõ nét nhất từ trước tới nay
Độ phân giải màn hình 8K là độ phân giải cao nhất của truyền hình độ nét cực cao tồn tại trong truyền hình kỹ thuật số và điện ảnh kỹ thuật số. Độ phân giải 8K cao gấp 4 lần so với 4K UHD và gấp 16 lần so với Full HD.
Hôm 30/8, OceanGate Expeditions, đã phát hành video được thực hiện trong chuyến thám hiểm của nhóm trong năm nay, cho thấy Titanic là một đống đổ nát dưới đáy biển và có nguy cơ suy tàn hoàn toàn.
Stockton Rush, Trưởng nhóm OceanGate Expeditions cho biết:
“Chi tiết đáng kinh ngạc trong cảnh quay 8k sẽ giúp nhóm các nhà khoa học và khảo cổ học hàng hải của chúng tôi mô tả sự phân hủy của tàu Titanic một cách chính xác hơn khi chúng tôi ghi lại những thước phim mới vào năm 2023 và hơn thế nữa”,
Rush cho biết: “Chụp cảnh phim 8K này sẽ cho phép chúng tôi phóng to và vẫn có chất lượng 4K.
Ông nói: “Khi so sánh cảnh quay và hình ảnh từ năm 2021, chúng tôi thấy có những thay đổi nhỏ ở một số khu vực nhất định của xác tàu. Nhóm khoa học của chúng tôi sẽ xem xét các cảnh quay 8k, 4k và các cảnh quay khác được ghi lại trong Chuyến thám hiểm Titanic năm 2022 để xem có bất kỳ thay đổi nào không”.
“Chúng tôi đang thấy những chi tiết mới trong đoạn phim này. Ví dụ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy tên của hãng sản xuất mỏ neo, Noah Hingley & Sons Ltd., trên mỏ neo bên cảng. Tôi đã nghiên cứu xác tàu trong nhiều thập kỷ và đã thực hiện nhiều chuyến lặn, nhưng không nhìn thấy bất kỳ hình ảnh nào khác cho thấy mức độ chi tiết này. Thật thú vị là sau rất nhiều năm, chúng tôi phát hiện ra được chi tiết mới mà các thế hệ máy quay trước đây không thể cho ra hình ảnh rõ ràng”.
Đoạn phim đầu tiên được quay ở độ phân giải cực cao này đã cung cấp “bằng chứng ấn tượng về sự phân hủy” được quan sát trên và xung quanh con tàu Titanic.
Video quay lại rõ sự phân hủy, tại một số đường ray trên tàu Titanic đã bị sập và rơi khỏi con tàu.
Theo OceanGate Expeditions, cảnh quay có độ phân giải cao sẽ được sử dụng để theo dõi mức độ phân rã con tàu nhằm so sánh qua các năm.
“Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, đoạn video cũng sẽ hỗ trợ xác định các loài được quan sát trên và xung quanh tàu Titanic. Các nhà khảo cổ học có thể ghi lại các yếu tố của xác tàu và mảnh vỡ một cách chi tiết hơn”, OceanGate Expeditions cho biết.
Năm 2030 xác tàu Titanic sẽ biến mất hoàn toàn
Sau hơn 110 năm, nằm dưới mực nước biển sâu gần 4.000 mét, một số nhà khoa học cho rằng xác tàu có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2030 do vi khuẩn “đói” trong đại dương.
Theo news.com.au, các nhà khoa học cho rằng xác tàu không còn nhiều thời gian tồn tại nữa. Lý do là vào năm 2010, họ đã phát hiện ra loài vi khuẩn proteobacteria được tìm thấy trên các hạt vụn đã được phục hồi từ đống đổ nát.
Các nhà khoa học đặt tên cho vi khuẩn mới là ‘Halomonas titanicae’ – là loài vi khuẩn ăn sắt để tạo năng lượng. Sự xuất hiện của loại vi khuẩn mới này có nghĩa là ngày tàn của tàu Titanic sẽ sớm kết thúc.
Trong một bài viết trên tạp chí Systematic and Evolutionary Microbiology, các nhà khoa học cho biết, vi khuẩn này đã “gặm” 50 nghìn tấn sắt kể từ khi Titanic bị đắm vào năm 1912.
Nơi con tàu Titanic chìm có độ mặn của nước ở mức 3,5%, có nghĩa là đây là điều kiện cực thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các ước tính gần đây dự đoán rằng vào năm 2030, con tàu có thể bị xói mòn hoàn toàn.
Các nhà khoa học đoán rằng cuối cùng thì đống đổ nát sẽ biến mất, nhưng không nghĩ rằng nó sẽ sớm kết thúc như vậy.
Năm 1912, Titanic không chỉ được coi là con tàu chở khách lớn nhất thế giới mà còn là con tàu lớn nhất từng được đóng. Trong chuyến đi đầu tiên qua Đại Tây Dương để tới Thành phố New York vào ngày 14/4, con tàu đã va phải một tảng băng trôi và chìm xuống đáy đại dương.