Hàng tỷ đồng chi sai quy định tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; trong khi việc đào tạo tiến sĩ nơi đây có nhiều vấn đề.

Sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) giai đoạn 2015-2019.

Mỗi năm Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đào tạo trên 200 tiến sĩ, hơn 1.000 thạc sĩ; tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện có vấn đề.

Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn.

Quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, bảo vệ luận văn, thâm niên công tác; thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn.

Chương trình đào tạo thạc sĩ thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành. Có trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác. Một số trường hợp giảng viên bị phát hiện không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ; sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh, VnExpress dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Tháng 4/2016, khi xảy ra vụ lùm xùm “lò sản xuất tiến sĩ” tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, ông Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch Viện nói ‘Đào tạo tiến sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội’ (ảnh: Phạm Thịnh).
Tháng 4/2016, khi xảy ra vụ lùm xùm “lò sản xuất tiến sĩ” tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, ông Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện nói ‘Đào tạo tiến sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội’ (ảnh: Phạm Thịnh).

Nghiệm thu 18 đề tài khoa học một ngày

Theo Thanh tra Chính phủ, có 3 đơn vị tổ chức hội đồng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong cùng một ngày, chưa hợp lý, dẫn đến chất lượng công tác nghiệm thu không đảm bảo.

Tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ một hội đồng nghiệm thu 14 đề tài vào ngày 7/12/2015, 18 đề tài vào ngày 6/12/2016, 18 đề tài vào ngày 12/12/2017, 16 đề tài vào ngày 5/12/2018, 15 đề tài vào ngày 25/11/2019.

Viện Ngôn ngữ học nghiệm thu 26 đề tài vào ngày 26/12/2016 (6 hội đồng), 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 (2 hội đồng), 22 đề tài vào ngày 19/11/2019 (2 hội đồng); Viện Sử học nghiệm thu 7 đề tài trong buổi chiều 13/11/2019, 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 (2 hội đồng).

Chi sai quy định hàng tỷ đồng

Theo VTC, việc quản lý tài chính tại Học viện có nhiều vi phạm. Cụ thể, chi phụ cấp cho một số chức danh, chi phụ cấp cán bộ công tác địa phương không đúng quy định số tiền trên 750 triệu đồng; sử dụng ngân sách Nhà nước chi tiền lương cho hợp đồng ngoài biên chế trên 1,2 tỷ đồng; không trích quỹ dự phòng, trích lập quỹ phát triển, hạch toán lãi ngân hàng không đúng quy định; kê khai thiếu số tiền thuế phải nộp gần 2 tỷ đồng.

Viện được yêu cầu chấm dứt việc giao dự toán các nội dung chưa có trong quy định của Nhà nước. Thu hồi số tiền gần 6 tỷ đồng của 10 đơn vị trực thuộc đã chi không có trong quy định; số tiền 750 triệu đồng chi phụ cấp, số tiền hơn 1,2 tỷ đồng cho lương lao động hợp đồng của Học viện KHXH; số tiền hơn 655 triệu đồng chi trả lương của Viện Kinh tế; số tiền đã chi sai cho Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở của 37 đề tài cấp Bộ…

Học viện KHXH phải  nộp ngân sách Nhà nước số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp gần 2 tỷ đồng; điều chỉnh sang nguồn thu sự nghiệp số tiền hơn 1,2 tỷ đồng (lãi tiền gửi ngân hàng); trích bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp số tiền hơn 7,7 tỷ đồng.