Chính quyền Trung Quốc đã giành được chỗ đứng ở Áo thông qua Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông và các tài liệu chính phủ bị rò rỉ gần đây mà The Epoch Times thu được từ một nguồn đáng tin cậy.
Tóm tắt nội dung
Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna
Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna được thành lập vào năm 2006. Nó hoạt động với tư cách là một liên doanh giữa Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh và Đại học Vienna. Đây là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Áo.
Theo một báo cáo ngày 14/5 do tờ báo Áo Die Presse đăng tải, Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna cung cấp các khóa học cho các sĩ quan vũ trang Áo. Các giảng viên của Viện còn giảng dạy tại Học viện Ngoại giao Vienna.
Báo cáo tiết lộ rằng “trong những trường hợp ngoại lệ, các giáo viên [của Viện Khổng Tử] cũng đến các phòng của lực lượng vũ trang, ví dụ như Học viện Quân sự Theresian ở Wiener Neustadt”; và rằng “các tài liệu từ Quân đội Liên bang cũng được dịch trong Viện Khổng Tử.”
Báo cáo đề cập đến vai trò của ông Richard Trappl, công dân Áo đứng đầu Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna. Người đàn ông này đã có vai trò quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng của Viện Khổng Tử tại Áo.
“Đại sứ quán của chế độ Bắc Kinh ở Vienna công khai giới thiệu ông ấy là một trong những chuyên gia Áo hiểu Trung Quốc theo cách mà nước này muốn được hiểu”, trích báo cáo.
Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna đã thiết lập các khóa học tiếng Trung cho Bộ Ngoại giao Áo, Học viện Quốc phòng, Học viện Ngoại giao và các tổ chức chính phủ khác, theo trang web chính thức của tổ chức này.
Mối quan hệ của Viện Khổng Tử với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
The Epoch Times đã thu được một loạt tài liệu mật từ chính quyền tỉnh Hải Nam tiết lộ vai trò của Viện Khổng Tử trong việc hỗ trợ ĐCSTQ xâm nhập vào Áo và một số quốc gia lân cận.
Tài liệu cũng cho thấy cách thức ông Richard Trappl hành động với tư cách là người trung gian trong việc dàn xếp các thỏa thuận giữa chính quyền địa phương ở Hải Nam và Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna.
Một tài liệu nội bộ năm 2016 từ bộ phận đối ngoại của thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam, cho thấy các nhà chức trách đã đạt được “một số hiểu biết” với Viện Khổng Tử tại Đại học Vienna trong chuyến thăm Đan Châu của ông Trappl, giám đốc Viện.
Các Viện Khổng Tử giúp Bắc Kinh kiểm duyệt bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc
Viện Khổng Tử được quảng bá là các chương trình ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Nhưng có nhiều thông tin khiến tổ chức này bị nghi ngờ là một cơ quan tuyên truyền và gián điệp cho ĐCSTQ.
Viện Khổng Tử nằm dưới sự điều hành của Hanban, một tổ chức thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Các Viện Khổng Tử thúc đẩy truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ, đồng thời giúp Bắc Kinh kiểm duyệt thông tin ở nước ngoài theo luận điệu phù hợp với ĐCSTQ.
Những chủ đề mà ĐCSTQ kiểm duyệt gắt gao nhất liên quan đến các cuộc đàn áp mà Bắc Kinh bị chỉ trích như cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, Thảm sát Thiên An Môn 1989.
Viện Khổng Tử của Trung Quốc đang vận hành khắp thế giới
Theo báo cáo trên The Diplomat tháng 2/2021, có 541 Viện Khổng Tử và gần 2.000 phòng học Khổng Tử đang hoạt động ở 162 quốc gia. Các Viện và phòng học rải khắp từ các cấp tiểu học, trung học, lên tới đại học của các nước.
Từ năm 2008 đến năm 2016, Hanban báo cáo Trung Quốc đã chi hơn 2 tỷ đô la cho các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Bắt đầu từ năm 2017, Hanban không còn báo cáo về mức chi của Bắc Kinh cho chương trình này.
Thông qua các Viện Khổng Tử, Bắc Kinh có thể truyền bá luận điệu của ĐCSTQ và lịch sử mà họ muốn gieo rắc vào tư tưởng của thế hệ trẻ các nước.
Ngoài Áo, Úc là một ví dụ khác. Giáo sư John Fitzgerald cho biết ở Úc, ĐCSTQ “cung cấp cho các trường học sách giáo khoa học ngôn ngữ và nghiên cứu văn hóa, đồng thời tài trợ cho các Phòng học Khổng Tử trong hệ thống trường học của bang và Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường đại học.”.
“Không quốc gia nào khác có thể đưa việc đọc lịch sử, chính trị và văn hóa cụ thể của chính phủ mình vào hệ thống giáo dục của các quốc gia khác một cách hiệu quả như chính quyền Trung Quốc”, giáo sư Fitzgerald viết.
Những chỉ trích đối với Viện Khổng Tử khiến các quốc gia và trường học xem xét lại thỏa thuận của mình với Bắc Kinh, dẫn đến việc đóng cửa nhiều Viện Khổng tử trên thế giới.