Phiên phúc thẩm “vụ án Bình Dương” (xảy ra năm 2019) phải lùi thời điểm xét xử về ngày cuối cùng của năm 2021. Trong thời gian này, bị cáo Phạm Thị Thiên Hà đã nộp lên Hội đồng xét xử (HĐXX) và gửi báo giới bản kiến nghị gồm 7 điểm.

Tháng 5/2019, việc phát hiện 2 thi thể trong thùng bê tông ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương gây chấn động dư luận. Ngay sau đó, vụ việc này được phổ biến dưới tên “vụ án giết người, đổ bê tông 2 thi thể ở Bình Dương”.

Theo kết luận từ phía nhà chức trách, 2 thi thể là của nạn nhân Trần Đức Linh (50 tuổi, quê Nghệ An) và Trần Trí Thành (27 tuổi, ở TP. HCM). Bốn người phụ nữ liên quan đến vụ việc, là: Phạm Thị Thiên Hà (33 tuổi), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (41 tuổi); Lê Ngọc Phương Thảo (30 tuổi) và Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ của Hà, 67 tuổi). Những người này bị bắt, thẩm vấn và ra tòa trong phiên xử sơ thẩm đầu tháng 7/2020. Trong phiên tòa này, Phạm Thị Thiên Hà – người bị cáo buộc là chủ mưu vụ án, bị HĐXX tuyên tử hình.

Kiến nghị của bị cáo “vụ án Bình Dương – 2019”

Sau gần 10 tháng tạm hoãn, ngày 1/12/2021, phiên xử phúc thẩm vụ án trên được mở lại. Ba bị cáo là Hà, Huyên, Hoa được áp giải đến tòa. Tuy nhiên, phiên tòa bị hoãn ngay trong buổi sáng 1/12, do Hà không đảm bảo sức khỏe.

Trong thời gian có mặt tại hội trường xét xử (trước khi hoãn), bị cáo Hà đã thông qua luật sư nộp lên tòa bản kiến nghị gồm 7 điểm. Theo bản kiến nghị được bị cáo ký ngày 30/11/2021, Phạm Thị Thiên Hà nêu 7 vấn đề, gồm:

1. Yêu cầu triệu tập đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện tổ chức Pháp Luân Công tại Việt Nam đến dự phiên tòa phúc thẩm. Lý do: Để làm rõ những việc làm của tôi không liên quan đến Pháp Luân Công.

2. Yêu cầu triệu tập Lê Ngọc Phương Thảo hiện diện trong phiên tòa phúc thẩm. Lý do: Để làm nhân chứng.

3. Tôi từ chối luật sư chỉ định Đỗ Hải Bình. Lý do: Vì luật sư không tiếp xúc với tôi trước khi xét xử và tôi đã có luật sư do gia đình mời.

4. Vấn đề đối với cán bộ quản lý phòng giam của tôi là bà Ngô T. D. có những hành động gây áp lực lên tinh thần và sức khỏe của tôi.

5. Vấn đề cùm chân. Khoảng cuối năm 2020, có cán bộ VKSND tối cao và một số cán bộ khác từ trung ương đến kiểm tra phòng giam có hứa với tôi về việc không cùm chân. Thực tế thì tôi vẫn bị cùm chân. Vì tôi là nữ nên sinh hoạt vệ sinh rất khó khăn. Vì vậy, tôi kiến nghị việc hủy bỏ cùm chân.

6. Kiến nghị phiên tòa xét xử thật sự công khai, có công chúng và báo chí, những người có quan tâm đến tham dự.

7. Kiến nghị TAND cấp cao cho gặp công chứng viên để làm thủ tục ủy quyền về tài sản thừa kế.

Bản kiến nghị gồm 7 điểm của bị cáo Phạm Thị Thiên Hà được ký ngày 30/11/2021, nộp lên HĐXX sáng 1/12/2021.
Bản kiến nghị gồm 7 điểm của bị cáo Phạm Thị Thiên Hà được ký ngày 30/11/2021, nộp lên HĐXX sáng 1/12/2021.

Phản hồi của HĐXX tại tòa

Theo luật sư, người theo dõi và báo giới; tại tòa, HĐXX đã tiếp nhận kiến nghị của bị cáo Hà và phản hồi như sau:

Về việc xin triệu tập đại diện Ban tôn giáo Chính phủ, Pháp Luân Công của bị cáo Hà, HĐXX thấy không có liên quan nên không có cơ sở để triệu tập.

Lời khai của bị cáo Thảo đã có trong hồ sơ vụ án, và lời khai của bị cáo Thảo phù hợp lời khai khác của các bị cáo khác nên không cần phải triệu tập bị cáo Thảo đến tòa với tư cách người làm chứng (bị cáo Thảo không kháng cáo).

HĐXX chấp nhận việc các bị cáo từ chối luật sư bào chữa chỉ định.

Về việc liên quan đến cán bộ trại giam, không thuộc thẩm quyền của HĐXX.

HĐXX cho biết phiên tòa hôm nay xét xử công khai, do dịch bệnh để đảm bảo an toàn nên sắp xếp phòng riêng cho mọi người quan sát, theo dõi phiên tòa.

Ảnh chụp màn hình bản tin đăng trên báo Vietnamnet sáng 1/12/2021; trong đó có nội dung tóm lược một số kiến nghị của bị cáo Hà.
Ảnh chụp màn hình bản tin đăng trên báo Vietnamnet sáng 1/12/2021; trong đó có nội dung tóm lược một số kiến nghị của bị cáo Hà.

3/4 bị cáo kháng cáo kêu oan

Theo dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ mở lại vào sáng 31/12/2021. Ba bị cáo Hà, Huyên, Hoa – những người kháng cáo, kêu oan sau phiên xử sơ thẩm, sẽ có mặt tại tòa.

Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 7/2020, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên tử hình Phạm Thị Thiên Hà về tội giết người. Lê Ngọc Phương Thảo (30 tuổi) nhận án 22 năm tù về tội giết người và che giấu tội phạm, Nguyễn Ngọc Tâm Huyên bị phạt 19 năm tù về tội giết người và che giấu tội phạm và Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ của Hà) bị phạt 13 năm tù về tội giết người và không tố giác tội phạm.

Theo báo Tuổi Trẻ, 3 bị cáo Hà, Huyên và Hoa kháng cáo kêu oan. Cụ thể, Hà kháng cáo khẳng định mình không giết Linh, còn Hoa cho rằng mình không tham gia giết người và không biết các bị cáo khác giết người; trong khi Huyên cho rằng mình không biết việc Linh bị giết và không trực tiếp tham gia giết Thành.

Ngoài ra, vụ án này cũng có những uẩn khúc đang chờ làm rõ trong phiên phúc thẩm. Như việc bà N.T.K.T. (49 tuổi, mẹ nạn nhân Trần Trí Thành) nói tại tòa trong phiên sơ thẩm rằng anh Thành… chưa chết. Vì vậy bà T. không yêu cầu xử lý hình sự, cũng không yêu cầu bồi thường đối với 4 bị cáo.

Theo bà T., dù cơ quan điều tra đã thu thập dấu vân tay, có chứng minh nhân dân của Thành; nhưng những yếu tố đó vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định đó là thi thể của Thành.

Bà T. nói chưa thấy cơ quan chức năng giám định ADN. Người phụ nữ này cho biết thêm, khi được cho xem các hình ảnh về thi thể thì bà thấy đó không giống con mình.