vua che gieu lenh trung phat cua my quan chuc hong kong da nem trai dang
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (ảnh chụp màn hình SCMP).

Hãng tin Bloomberg hôm 18/8 đưa tin, bà Lâm tiết lộ thông tin này khi nói chuyện với giới truyền thông nhà nước Trung Quốc. Nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh giải thích: “Bởi vì tôi phải dùng nhiều dịch vụ tài chính”.

Theo trang SCMP có trụ sở tại Hồng Kông, các tổ chức tài chính phải thận trọng để duy trì được quyền truy cập vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Do vậy họ có thể phải tự đóng tài khoản, thẻ tín dụng và tạm giữ bảo hiểm của các cá nhân trong danh sách bị Washington trừng phạt.

Lời chế nhạo của giới chức Trung Quốc

Bộ Tài chính Mỹ hôm 7/8 công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào 11 quan chức Trung Quốc, trong đó có bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vì những người này gây tổn hại đến quyền tự trị của Hồng Kông.

Trước đó, vào hôm 31/7, bà Lâm từng chế giễu khả năng bị Mỹ trừng phạt. “Tôi không có bất kỳ tài sản nào ở Mỹ cũng như không mong muốn được chuyển đến Mỹ sinh sống”, bà Lâm tuyên bố.

Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc của chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông – ông Lạc Huệ Ninh cũng lên tiếng chế nhạo: “Đây là một hình phạt vô nghĩa vì tôi không có bất kỳ tài sản nào ở nước ngoài. Tuy nhiên, tôi có thể gửi 100 USD cho Tổng thống Donald Trump để ông ấy thực hiện phong tỏa tài sản”.

Sức mạnh thực tế của lệnh trừng phạt

Bất chấp những lời châm biếm từ giới quan chức Trung Quốc, sức ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ không đơn giản.

Theo Bloomberg, ngay cả các ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc hoạt động tại Hồng Kông cũng đang tỏ ra thận trọng. Các tổ chức này chưa dám mở tài khoản cho 11 quan chức trong danh sách trừng phạt vì lo sợ vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ.

SCMP dẫn lời ông Scott Flicker, lãnh đạo một công ty luật có văn phòng tại Washington cho biết: “Không phải là cứ có mặt tại Hoa Kỳ hay giao dịch với một tổ chức tài chính Hoa Kỳ thì mới bị ảnh hưởng” bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

SCMP cho biết, hai ngân hàng HSBC và Standard Chartered, đã phải nộp tổng cộng 4 tỷ đô la Mỹ kể từ năm 2012 để đạt được thỏa thuận với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nhằm tránh bị truy tố hình sự vì những thất bại trong các chương trình kiểm soát chống rửa tiền và tuân thủ các lệnh trừng phạt.