Từ 1/4, giá mỗi lít xăng giảm 1.030-1.040 đồng nhưng giá dầu diesel tăng 1.450 đồng; trong khi gas loại 12 kg tăng 14.000 đồng.

Giảm thuế chưa khắc chế được giá dầu

Việc điều chỉnh giá xăng phiên ¼ diễn ra lúc 0h, khác với thông lệ 15h; với giải thích của cơ quan quản lý là để có lợi cho người tiêu dùng (vì từ 0h ngày mùng ¼ sẽ áp dụng miễn 50% thuế môi trường với xăng dầu).

Sau khi điều chỉnh, mỗi lít xăng giảm 1.030-1.040 đồng; đưa giá xăng E5 RON 92 về mức 27.300 đồng, xăng RON 95 là 28.150 đồng.

Trong khi đó, tất cả mặt hàng dầu đều tăng, từ 500 tới 1.520 đồng một lít, kg, tuỳ loại. Cụ thể, dầu hoả tăng 1.520 đồng, lên 23.760 đồng một lít; Dầu diesel tăng 1.450 đồng, lên 25.080 đồng một lít; Dầu madut tăng 500 đồng, lên 20.920 đồng một kg.

Việc giá dầu tăng và giá xăng chỉ giảm mức 1.000 đồng gây phản ứng trong người tiêu dùng. Một luồng quan điểm cho rằng, giá dầu tác động trực tiếp đến rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề; đặc biệt là vận tải hàng hóa. Việc giá dầu leo thang khiến giá cước vận tải tăng phi mã, giá cả hàng hóa xáo trộn theo; tạo sự bất ổn trên thị trường, người tiêu dùng thêm gánh nặng.

Nếu giá xăng dầu giảm sẽ giúp người dân bớt áp lực về các khoản chi tiêu (ảnh minh họa; nguồn: Trần Thành Đạt).

Nhiều người cũng thắc mắc, vì sao thuế giảm 2.000 đồng nhưng giá xăng chỉ giảm hơn 1.000 đồng. Theo giải thích từ phía nhà điều hành, là giá xăng dầu thế giới tăng cao, nên trong nước phải điều chỉnh theo. Nếu không được giảm thuế bảo vệ môi trường ở kỳ điều hành hôm nay, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng 1.069-2.789 đồng.

Giá gas lập đỉnh

Cũng từ ¼, giá gas tăn 1.167 đồng mỗi kg; như vậy, với bình 12kg, người tiêu dùng phải trả thêm 14.000 đồng. Điều này khiến giá gas bình loại 12kg lập đỉnh mới ở mức 516.000 đồng.

Trước đó, tháng 1/2022, giá gas bình 12kg mức 444.000 đồng; tháng 2 là 460.000 đồng; tháng 3 là 502.000 đồng. Tính ra, hơn một tháng qua, giá gas đã tăng thêm 56.000 đồng/bình.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp dầu khí, giá gas trong nước tăng theo đà tăng giá nhiên liệu của thế giới khi các biến động chính trị giữa Nga – Ukraine vẫn chưa kết thúc trong khi nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu vẫn chưa ổn định.