Trong hàng ngũ Ngũ Hổ Tướng lẫy lừng của Trần Hưng Đạo; có một người anh hùng không dùng gươm đao trên đất liền mà làm nên kỳ tích giữa lòng sông sâu, đó chính là Yết Kiêu. Với tài lặn nước như loài cá thần, ông từng một mình xâm nhập doanh trại địch, đánh đắm chiến thuyền quân Nguyên, khiến cả kẻ thù cũng phải rúng động mà truyền tai nhau về “thủy quái Đại Việt”.
- Hơn 6 tiếng chưa tìm thấy du khách nhảy sông Đông Hồ: Vụ việc rúng động TP Hà Tiên
- TP Nha Trang: Nghi án bi kịch hôn nhân, chồng sát hại vợ rồi tự tử
- Thiếu niên 17 tuổi khai sát hại mẹ ruột để lấy tiền mua thuốc tự tử, gây rúng động Thanh Hóa
Câu chuyện ấy, tưởng như truyền thuyết; nhưng chính là sự thật sống động ghi dấu trong sử sách và trong lòng dân tộc.
Tóm tắt nội dung
Tài năng thủy chiến kiệt xuất của Yết Kiêu
Từ làng Hạ Bì ra giữa lòng sông Bạch Đằng
Tên thật của Yết Kiêu là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Sinh ra trong một vùng sông nước; Yết Kiêu từ nhỏ đã nổi tiếng với khả năng bơi lặn, có thể ở dưới nước hàng giờ liền mà không cần trồi lên mặt.
Tài năng ấy, khi đất nước lâm nguy, đã trở thành vũ khí sắc bén phục vụ cho đại nghiệp kháng chiến chống quân Nguyên – Mông. Ông đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân, được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).
Bậc kỳ tài thủy chiến dưới trướng Trần Hưng Đạo
Dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo – người đã tổ chức và xây dựng một lực lượng kháng chiến toàn diện cả về đường bộ lẫn đường thủy – Yết Kiêu đã trở thành những mũi nhọn chiến lược trong các trận chiến sông nước.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên (1285); Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống; Yết Kiêu tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ thuyền giặc rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc. Mỗi thuyền phải đục khoảng trên 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng giẻ đã cuộn tròn và buộc dây đút lút lại. Những cuộn giẻ ấy đều được buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Đến gần sáng khi đã đục đủ số thuyền đã định; Yết Kiêu liền kéo dây khiến những nút giẻ trôi ra khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại nhẹ nhàng bơi về địa điểm an toàn.
Sự mưu trí và gan dạ của bậc thủy chiến
Yết Kiêu không chỉ giỏi bơi lặn, mà còn mưu trí khi thoát khỏi những cuộc truy bắt hiểm nghèo. Có lần, Yết Kiêu bị vây bắt ở bãi sông. Ông núp mình dưới những bụi cây mọc lúp xúp và tránh sự lùng sục gay gắt của giặc. Chúng dùng kiếm đâm vào bụi cây, trúng đùi Yết Kiêu. Yết Kiêu cắn răng chịu đựng; khi kẻ thù rút kiếm ra, ông cố gắng chịu đau và dùng tay lau vết máu dính trên lưỡi kiếm để kẻ thù không phát hiện thấy mình…
Hình ảnh Yết Kiêu lặn sâu dưới lòng sông; lặng lẽ khoét thủng đáy chiến thuyền kẻ thù, không chỉ thể hiện tài nghệ siêu phàm mà còn là minh chứng sống động cho một chiến lược “lấy nhu thắng cương”, lấy mưu trí và lòng dũng cảm làm vũ khí đánh bại sức mạnh vật chất của đối phương.
Lòng trung thành và nhân cách cao cả
Chiến sĩ không rời chủ tướng nửa bước
Tài năng của Yết Kiêu không chỉ dừng lại ở bơi lặn; mà còn ở khả năng nhận biết địa hình thủy vực, thiết lập thế trận sông nước và đặc biệt là lòng trung thành tuyệt đối với Hưng Đạo Đại vương.
Năm 1285, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai bước vào giai đoạn cam go. Trong cơn binh lửa ấy; có một câu chuyện đã trở thành minh chứng rực rỡ cho tinh thần trung dũng của người lính Đại Việt – câu chuyện về Yết Kiêu tại trận Bãi Tân; được ghi chép lại trong Mộc bản Đại Việt sử ký toàn thư.
Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dẫn quân ra trận bằng đường thủy; ông giao Yết Kiêu ở lại giữ thuyền, còn Dã Tượng theo sát để bảo vệ chủ tướng. Trước sức mạnh áp đảo của quân Nguyên, quân Trần buộc phải lui binh. Thủy quân chặn hậu ở Bãi Tân tan vỡ, Hưng Đạo Vương dự định rút qua đường núi. Nhưng lúc ấy, Dã Tượng vội thưa: “Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không chịu rời thuyền.” Nhận thấy lòng trung nghĩa của thuộc hạ, Trần Quốc Tuấn quay lại. Quả nhiên, giữa chiến trường đầy hiểm họa, Yết Kiêu vẫn cắm thuyền đợi chủ, không rời nửa bước.
Cảm động trước khí tiết sắt son ấy, Hưng Đạo Vương nghẹn ngào thốt lên:
“Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ sáu trụ xương cánh. Nếu không có sáu trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường thôi.”
Đó không chỉ là lời tán dương; mà còn là sự ghi nhận sâu sắc vai trò của những trụ cột vô danh trong cỗ máy kháng chiến – và Yết Kiêu chính là một trong những “trụ xương cánh” ấy; nâng đỡ đôi cánh đại bàng của Trần Hưng Đạo.
Phép thử lòng trung nghĩa: Thà làm nô bộc còn hơn bất trung
Khi Hưng Đạo Vương đứng giữa sự lựa chọn sinh tử: báo thù nhà theo di nguyện cha hay quên thù riêng vì vận nước, ông đã hỏi hai cận thần trung thành là Yết Kiêu và Dã Tượng, Câu hỏi là một phép thử , vừa cho chính mình, vừa để đo lòng trung nghĩa của tướng sĩ:
“Nếu một mai giặc đến, ta nên vì nước mà quên thù nhà, hay vì thù nhà mà bỏ nước?”
Hai người nghe xong, không hề do dự, liền quỳ xuống, nghiêm nghị đáp:
“Chúng tôi thà chết già làm nô bộc, chứ không làm quan mà bất trung, bất hiếu.”
Câu trả lời ấy khiến Trần Quốc Tuấn rơi lệ. Ông hiểu rằng, những bề tôi trung nghĩa theo mình cũng không thể chấp nhận con đường phản nghịch. Nó không chỉ khẳng định lòng trung tuyệt đối với tổ quốc; mà còn thể hiện sự minh triết của một bậc tôi trung – dám đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả.
Còn rất nhiều câu chuyện khác với lòng trung thành tuyệt đối; sự mưu lược khôn ngoan và khả năng chiến đấu phi thường của Yết Kiêu. Ông đã trở thành mẫu mực lý tưởng của người lính Đại Việt – một chiến binh vừa mang bản lĩnh của kẻ xung phong ngoài trận tiền; vừa sở hữu trí tuệ đủ để đánh lừa và thoát khỏi tay tử thần.
Người lính thầm lặng nhưng kỳ tài
Ông không màng công danh; không mong phần thưởng; chỉ một lòng theo phò Trần Hưng Đạo, xem sự nghiệp bảo vệ giang sơn là trách nhiệm thiêng liêng. Có thể nói; nếu Hưng Đạo Vương là người đứng đầu tư duy chiến lược; thì Yết Kiêu là đôi tay, đôi chân âm thầm nhưng hữu hiệu, giúp chuyển hóa mưu lược thành hiện thực trên chiến trường.
Tấm gương trung dũng ấy còn được nhân dân tôn thờ và lưu danh hậu thế. Sau khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì, Hải Dương quê ông là đền Quát. Điều đó không chỉ nói lên sự tri ân của lịch sử; mà còn khẳng định vị thế đặc biệt của ông trong lòng dân tộc – một người lính thầm lặng nhưng kỳ tài; một bậc trung thần không cần đến những lời lẽ hoa mỹ để lưu danh.

Bài học cho thế hệ sau
Câu chuyện về Yết Kiêu không chỉ làm rạng danh một anh hùng; mà còn để lại bài học thấm thía cho muôn đời: hãy biết phát huy sở trường vì đại nghĩa, cống hiến âm thầm không cần ghi công; và luôn đặt tổ quốc lên trên mọi điều riêng tư. Và hơn hết; là thông điệp rằng mọi người dân, dù ở vị trí nào; cũng có thể góp phần bảo vệ và xây dựng tổ quốc bằng chính khả năng riêng của mình.
Những con người như Yết Kiêu – không phô trương, không hào nhoáng – chính là trụ cột âm thầm nâng đỡ vận mệnh dân tộc. Văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của nước Việt, đã nuôi dưỡng nên những bậc anh hùng đại nghĩa. Nó cho thấy việc tìm về, lưu giữ văn hóa truyền thống mới giúp cho giang sơn vững bền.