Năm nay, ông Hiệp 61 tuổi làm cha của 94 đứa trẻ. Ông sẵn sàng cho đi 100 tỷ – một con số lớn với rất nhiều người, bởi vì ông quý trọng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ấy như những thiên thần. Ông nâng niu, chăm sóc chúng từng ngày.

Nhiều người choáng ngợp trước thông tin: Gia đình ông Bùi Công Hiệp ở đường số 1 (Quận 9, TPHCM) quyết định dành tặng khối tài sản hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho các em nhỏ mồ côi. Nhưng với ông số tiền đó đâu có lớn bằng sự trưởng thành và hạnh phúc của các con.

Ông Hiệp thuyết phục gia đình mình tặng khối tài sản cho các cháu nhỏ. Ngoài ra, mỗi tháng ông còn chi 100 triệu cho phí hoạt động của trung tâm, giúp các em nhỏ có nơi nương tựa và được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn.

Mong ước xây một ngôi nhà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Thời ông Hiệp tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nhìn thấy những đứa trẻ không cha, không mẹ nằm bơ vơ ở bên lề đường. Ông nguyện là: Nếu được sống sót trở về, làm ăn có tiền thì ông sẽ xây một ngôi nhà, dành cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Năm 2010, người cựu chiến binh đã bắt tay xây dựng một ngôi nhà; làm nơi nương tựa cho trẻ mồ côi. Mái ấp Thiên Thần được mở ra từ nguyện vọng đó.

Những ngày đầu ông Hiệp gặp phải rất nhiều lời phản đối kể cả người thân. Chuyện tự đứng ra mở một cơ sở nuôi dạy trẻ là không hề đơn giản.

Có người nói thẳng với ông: Nếu làm tốt thì không ai để ý. Nhưng có một chút trục trặc gì: Thì từ người làm ơn trở thành tội đồ. Nhưng có lẽ vì ông đã trải qua thử thách của chiến tranh, nên cái gì càng khó ông lại càng muốn làm cho bằng được.

Mỗi ngày tận tay ông chăm sóc những đứa trẻ thiếu thốn tình thương

Công việc hàng ngày của ông là: Dậy lúc 4h30 sáng, nhẹ nhàng xuống bếp không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ các con và bảo mẫu. Ông phụ trách nấu ăn cho gần 100 đứa trẻ. Bảy giờ, ông Hiệp cùng các con ngồi trên chiếc xe nhỏ đến trường.

Tự tay nấu ăn cho tụi nhỏ, ông Hiệp nói: Việc này giúp tiết kiệm chi phí, mà quan trọng hơn là các con được ăn uống sạch sẽ.

Vừa làm công việc nấu ăn, ông Hiệp vừa đóng vai quan tòa dàn xếp những cuộc cãi vã, tranh chấp của lũ trẻ. Căn phòng lúc nào cũng ồn ào tiếng nhảy múa, la hét, nghịch ngợm của bọn trẻ. Buổi trưa các con ngồi ngay ngắn trong căn bếp nhỏ. Những trẻ lớn xếp hàng nhận phần cơm từ ba Hiệp mang cho các em nhỏ hơn.

Khi nhận cơm, các bé không ăn ngay; mà chờ ba Hiệp cùng cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha… Amen. Căn bếp nhỏ rộn ràng tiếng đồng thanh “Kính lạy Cha” của những đứa trẻ.

Ông Hiệp nhìn đàn con vừa nghiêm nghị, vừa hài lòng. Ông lý giải việc dạy bọn trẻ đọc kinh từ nhỏ là để dạy chúng về lòng biết ơn và tình yêu thương.
Ông hay lẩm nhẩm hát:

“Một nụ cười bé, cha vui cả ngày.
Một vài tiếng khóc, mẹ lo hằng đêm.
Thầm cầu mong cho, con sẽ an lành.
Chín tháng sinh thành, một đời yêu thương…”

Các con và ông Hiệp cầu nguyện về tình yêu thương và lòng biết ơn trước mỗi bữa ăn.

Mái ấm Thiên Thần mở rộng cửa đón những đứa trẻ đặc biệt

Bà Phạm Hoàng Lan vợ ông, hồi tưởng lại những ngày đầu xây dựng mái ấm. Khi ông nhận 5 bé sơ sinh đầu tiên, bà giận quá trời giận. Nhưng thỉnh thoảng bà vẫn phải ngó xem chồng mình chăm sóc bọn nhỏ ra sao. Giờ đây, bà đã được ông thuyết phục; và trở thành người đồng hành trên từng bước đường của mái ấm Thiên thần.

Ông bà đã dần dần ổn định được kinh tế, để chăm sóc bọn trẻ. Hiện có hơn 10 bảo mẫu tại mái ấm, chủ yếu để chăm sóc trẻ sơ sinh; vì giai đoạn này trẻ yếu đuối về mặt thể chất.

Phần lớn người mang con đến mái ấm là mẹ đơn thân, vì hoàn cảnh mà phải rời xa con cái của mình. Những đứa trẻ vì thế cũng trong tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu cân hoặc mắc nhiều chứng bệnh khác do: Mẹ còn quá trẻ, thiếu kỹ năng thai giáo. Còn các trẻ lớn hơn phần lớn do ông Hiệp chăm sóc và dạy dỗ.

Các con rất thích đươc bà Lan chải và kết tóc. Chúng tranh nhau kể cho bà những chuyện xảy ra trong ngày.

Từ ngày mái ấm Thiên Thần được biết đến, số lượng trẻ ngày càng đông. Được hỏi về giới hạn số lượng trẻ; Ông thật thà bảo: Chẳng nỡ từ chối đứa trẻ nào, bởi trẻ con đứa nào cũng đều đáng quý.

Mình từ chối một lần, đứa trẻ lại thêm một lần bơ vơ, Trong khi đứa nào cũng mong manh dễ vỡ, cứ nhận rồi sẽ tìm ra cách sau. Tình người là quan trọng nhất, còn về nguyên tắc tính sau; ông thản nhiên nói.

Đã từng có thời điểm mái ấm Thiên thần của ông Hiệp và các con lao đao trước sóng gió cuộc đời. Năm đó kinh tế thế giới khủng hoảng, một số mạnh thường quân đột ngột cắt ủng hộ mà không báo trước; khiến công việc chăm sóc trẻ trở nên khó khăn. Bà xã mới bảo thôi đừng làm nữa.

Những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa, lớn lên trong tình yêu thương của gia đình ông Hiệp.

Sau đó, ông quyết định bán hết số cổ phiếu đang sở hữu để có thêm nguồn chi. Nhờ vậy mà mái ấm Thiên Thần vượt qua 3 năm trời khủng hoảng. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông Hiệp luôn biết ơn gia đình đã đồng hành ủng hộ. Đi một con đường dài cùng các em nhỏ; Không chỉ có tình yêu thương mà còn phải có lòng kiên trì và sự hy sinh.

Ông Hiệp cười nói: Nếu nghĩ rằng, đây là gia đình lớn, thì ngày xưa ba má nuôi mình ba má có tính chi phí, hay ghi sổ sách nay mua một hộp sữa, mai mua mấy ký gạo không? Đâu có ghi.
Mấy đứa nhỏ ở đây cũng vậy; nếu gọi nó là con thì những chi phí đó, mình đừng để trong đầu.

100 tỷ dành cho những đứa trẻ

Ông Hiệp chia sẻ ông không thích chữ “mồ côi” hay “bỏ rơi”. Bởi với ông chữ ấy thật nặng nề với đứa trẻ. Với tôi chữ đó nặng nề quá! Tôi muốn gọi các con là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Vì hoàn cảnh, nó không như những đứa trẻ khác, vì một lý do đặc biệt nào đó mà mẹ các con mới khước từ cái quyền làm mẹ.

Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông chú trọng bồi dưỡng kiến thức và tâm hồn cho chúng. Hàng ngày ông vẫn tự tìm hiểu sách nấu ăn để các con ăn uống đủ chất, tìm tòi giáo trình trên thế giới để có phương pháp học tập hiệu quả cho các con.

Căn nhà 3 tầng đầy đủ: Sân chơi, bể bơi, phòng ăn, phòng ngủ cho các con có giá trị lên đến 100 tỷ đồng.

Ông chia sẻ: Tôi không muốn các con là chú gà quanh quẩn trong sân. Mỗi đứa là chim đại bàng xoải cánh bay đi bốn phương trời. Khi nào gặp vấn đề hay nhụt trí thì quay về anh em nương tựa nhau, khoác vai đi tiếp.

Vợ ông kể: Hơn 1 năm trước, ông Hiệp gọi điện bảo muốn cho mấy đứa nhỏ căn nhà 3 tầng, cùng mảnh đất 2.500 m2 là trụ sở Mái ấm Thiên Thần để anh em quản lý nhau. Sau này, nếu đứa nào thất bại còn có chỗ mà về.

Giá thị trường của mảnh đất lúc đó lên đến 100 tỷ đồng. Mới nghe bà giật mình, phản đối. Xong ông ấy lải nhải mãi, bà chịu không nổi đành gật đầu cái rụp, đặt bút ký.

Ông Hiệp thừa nhận, giai đoạn quyết định cho đi tài sản ông cũng đấu tranh tư tưởng rất nhiều, quy ra tiền cũng thấy tiếc tiếc. Quan trọng hơn là ông áy náy với người trong nhà mình. Đến khi cả gia đình đồng ý thì ông thấy thanh thản, như trút được gánh nặng.

Ông muốn các con có một mái nhà, khi nào cũng có thể quay về. Vì thế, ông muốn trao quyền cho các bé; để căn nhà này trở thành tài sản của chúng.

Gần 100 đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa. Không biết rằng, chúng đang làm chủ cả một gia tài lên đến 100 tỷ. Có thể, chúng không biết được 100 tỷ ấy là con số lớn đến chừng nào.

Mái ấm Thiên Thần của ông Hiệp được cấp giấy phép từ năm 2010. Ông là một tấm gương sáng của Quận 9; với rất nhiều hành động đẹp và nghĩa cử nhân văn.

Hàng ngày ông đưa đón các con 4 bận. Khi được hỏi: Tại sao không để các con học bán trú, ông nói sợ chất lượng thực phẩm không đảm bảo và tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Số tiền ăn bán trú có thể cho các con đi học thêm mấy thứ khác đáng tiền hơn như trượt patin, bơi lội…
Sắp xếp chỗ ngủ trưa cho các con xong, ông nhẹ nhàng ngả lưng ngay lối đi. Một đứa cũng khẽ khàng đến bên nằm cạnh ba.
“Chúng nó bất hạnh đủ rồi, ráng làm cái gì để giúp tụi nó” ông Hiệp cười nói.
Những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được phát triển cả thể chất và tinh thần dưới mái nhà của gia đình ông Hiệp.

Video xem thêm: