Minh Nhật năm nay 17 tuổi. Em từng hát “Đêm mưa nhớ mẹ” trong chương trình Giọng hát Việt nhí và chinh phục được cả 3 cặp huấn luyện viên. Lý do em đi hát không giống với những bạn bè cùng trang lứa. Em có một ước mơ kiếm tiền ghép thận cho mẹ.
Nhiều người biết đến Minh Nhật (Bình Định) qua cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2018”. Cậu bé 15 tuổi ngày ấy chia sẻ về hoàn cảnh của mình khiến ai nấy đều xúc động: “Đây là con đường nhanh nhất để một đứa trẻ như em có thể kiếm tiền. Mẹ em bị suy thận từ 15 năm nay. Ước mơ của em là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng mẹ ngày càng yếu. Em sợ mẹ không chờ được”.
“Em vẫn cố gắng học thật giỏi, học lên đại học để có một nghề nghiệp ổn định song song vẫn đi hát. Chưa bao giờ em từ bỏ ước mơ có tiền để mẹ thay thận nhưng mẹ mỗi ngày một yếu, em lo lắm. Đôi lúc đang học ở trường, nghĩ tới mẹ em bỗng giật mình”.
Tóm tắt nội dung
Ước mơ kiếm đủ tiền ghép thận cho mẹ khỏe mạnh
Chị Đức (41 tuổi), mẹ của Nhật, phát hiện mắc bệnh thận sau khi sinh Nhật được 16 tháng. Năm Nhật lên 2 tuổi, chị bắt đầu chạy thận.
Một lần, có người bạn chạy thận cùng mẹ ở bệnh viện đến thăm nhà Nhật, cậu nhìn thấy người này khỏe mạnh, có thể đi được xe máy, lại nói cười vui vẻ trong khi trước đó cũng yếu như mẹ mình. Hỏi ra mới biết, bạn của mẹ đã được ghép thận. Lần gặp gỡ ấy đã thắp sáng trong trái tim cậu con trai bé bỏng một niềm hy vọng lớn lao: cố gắng kiếm đủ tiền ghép thận cho mẹ.
Nhưng chi phí thay thận tốn kém, phải làm sao để có thể tích lũy cho đủ số tiền hàng tỷ đồng? Nhật đã nghĩ đến giải thưởng của các cuộc thi âm nhạc. Được trời ban cho năng khiếu ca hát, em dùng tiếng hát của mình để nuôi dưỡng ước mơ ấy. Em đăng ký tham gia các cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ với mong muốn nhận được giải thưởng, không phải vì danh tiếng cho bản thân mà vì người mẹ thân yêu của mình.
Vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng ước mơ ghép thận cho mẹ
Chị Đức cho biết, cuối năm 2018, ba mẹ đưa em vào Sài Gòn tham dự Giọng hát Việt nhí đồng thời cũng là để khám chuyên sâu hơn cho chị. Khi bệnh tình chị trở nặng, cả gia đình quyết định ở lại Sài Gòn để điều trị lâu dài.
Kể từ đó, anh Thành (44 tuổi), ba Nhật, cũng xin nghỉ dạy để vào Sài Gòn chạy xe ôm Grab. Còn Nhật thì ngoài giờ học ở trường, vào ban đêm và những ngày cuối tuần em lấp kín thời gian biểu của mình bằng những lần đi hát; để kiếm tiền phụ gia đình trang trải cuộc sống và có chi phí thay thận cho mẹ.
Trong những buổi diễn của mình, Nhật luôn ưu tiên chọn những ca khúc viết về mẹ. Có lẽ đó là nguồn động lực lớn lao để em cất lên tiếng hát tình cảm, trầm ấm. Có những lúc chuẩn bị kiểm tra phải thức khuya học bài, dường như kiệt sức, nhưng khi bước lên sân khấu được hát những bài về mẹ khiến em không còn mệt nữa.
Minh Nhật được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, tài trợ những khóa học thanh nhạc, học nhạc cụ để trau dồi thêm sở trường ca hát. Toàn bộ những trang phục biểu diễn của em đều được tặng.
Chị Đức chia sẻ: “Trang phục hiện tại của con hầu hết được mọi người tặng. Kể cả máy chụp hình, thiết bị livestream hay đàn piano, guitar cũng do người quen mua cho vào những dịp sinh nhật, lễ Tết. Mỗi năm bố mẹ cũng thưởng con vài bộ đồ vì thành tích học tập xuất sắc nhưng con không chọn chiếc nào giá quá 500.000 đồng, mua gì cũng phải nhìn kỹ giá”.
Ba của em kể: “Khi tham gia Giọng hát Việt nhí, suy nghĩ mãi con mới chịu mua một đôi giày đã giảm giá với giá hơn 800 nghìn. Đó cũng là đôi giày con luôn mang trong suốt hơn 2 năm qua. Mấy tháng trước bị rách con mới chịu bỏ”.
Tấm lòng nhân hậu của cậu bé 16 tuổi
Số tiền nhận được từ những lần đi hát rất quan trọng đối với Minh Nhật để thực hiện ước mơ chữa bệnh cho mẹ, nhưng khi hát cho các chương trình từ thiện em đều từ chối nhận cát xê. Em nghĩ gia đình mình đã được giúp đỡ nhiều nên đây chính là dịp để em trả ơn cuộc đời.
Nhật kể: “Tết năm nay, sau khi hát ở bệnh viện Ung Bướu em cùng mọi người lên phòng các bệnh nhi để tặng quà. Chứng kiến cảnh các em phải nằm viện lâu ngày, Tết không được về quê, em nhớ lại mẹ em cũng từng như thế. Thế nên em rất thích hát cho những chương trình thiện nguyện như thế này”.
Những hôm có buổi học nhạc cụ, ba là người đón Nhật về. Vừa bước vào nhà sau cả một ngày dài, con trai ngoan ùa tới chiếc võng nơi mẹ đang nằm hôn lên má mẹ. Em kể chuyện, pha trò cho mẹ cười rồi cùng ba chuẩn bị bữa tối. Vừa đảo chảo cơm chiên thơm lừng, Minh Nhật ngân nga câu hát: “Để con gánh mẹ đừng can, Sợ khi mẹ mất muộn màng gánh ai?” rồi ngoái nhìn mẹ mỉm cười.
15 năm qua, Minh Nhật chứng kiến mẹ chạy thận, biết bao lần ngất xỉu hay trải qua những ca mổ đau đớn. Với em, niềm vui mỗi ngày không phải đi chơi, cà phê cùng bạn bè… Hạnh phúc đơn giản chỉ là mẹ sống thật lâu để nghe em đàn hát mỗi ngày.