Nóng: 2 người đi đường ở Hà Nội bị sét đánh tử vong; Nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam tăng rất mạnh; thanh long 2.000 đồng/kg, khó bán phải đổ bỏ đầy đồng.

Hà Nội – 2 người đi đường bị sét đánh tử vong

Sáng nay chủ tịch xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) thông tin với Zing về vụ 2 người đi xe máy bị sét đánh tử vong trên đường.

Cụ thể, anh Đ.H.L. (28 tuổi) chở theo chị L.T.N. (18 tuổi, cùng trú tại Tuyên Quang) đi hướng Văn Giang (Hưng Yên) – quốc lộ 5 (Gia Lâm, Hà Nội).

“Tới khu vực gần khu đô thị Vinhomes Ocean Park, họ bị sét đánh tử vong tại chỗ. Bước đầu nhận định 2 người này đang trên đường về quê do mang theo cả vali và khá nhiều đồ đạc”, Chủ tịch xã Kiêu Kỵ cho biết.

Hiện trường vụ tai nạn (ảnh chụp màn hình báo Zing).

Cơ quan chức năng huyện Gia Lâm đã khám nghiệm hiện trường và tìm người nhà để làm thủ tục hậu sự cho 2 nạn nhân (Đọc toàn bản tin trên báo Zing).

Đề nghị điều thêm quân y về 2 tỉnh miền Tây

Theo Chính phủ, Tiền Giang và Kiên Giang đang có nhiều xã, phường, thị trấn chuyển từ “xanh”, “cam” thành “đỏ”. Hai tỉnh này được yêu cầu chậm nhất 30/9 kiểm soát dịch.

Bộ trưởng Y tế đã đề nghị quân đội chi viện nhân lực cho 2 tỉnh này.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét tiếp tục bố trí cử lực lượng y tế cùng Bộ Y tế để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của Tiền Giang, Kiên Giang” – Bộ trưởng Y tế nói (Đọc toàn bản tin trên báo Zing).

Thanh long 2.000 đồng/kg, đổ bỏ đầy đồng

Báo Tuổi Trẻ liệt kê tình trạng ứ đọng lương thực phẩm ở các tỉnh miền Trung, Nam bộ; cụ thể: Đồng Nai dư 200.000 gà lông trắng, 80.000 vịt, 6.000 dê, thủy sản 1.000 tấn. Đắk Lắk có 12.000 tấn bơ booth sắp thu hoạch, còn khoảng 30.000 tấn sầu riêng.

Đại diện Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết giá thanh long hiện chỉ còn 2.000 – 6.000 đồng/kg, loại đẹp có thể hơn 10.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán nên nhiều nông dân đổ bỏ trên đồng.

Ngoài ra, mỗi ngày Bình Dương tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Việc hàng hóa bị tắc nghẽn ở các khâu thu mua, trung chuyển càng làm nổi cộm tình trạng “người nuôi trồng thì bán không được nhưng người tiêu dùng mua phải giá cao” (Đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ).

Nông sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam tăng rất mạnh

Theo Bộ NN& PT NT, 8 tháng năm nay, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước khoảng 28,8 tỷ USD; tăng trên 44% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%

Đáng chú ý, Campuchia bất ngờ trở thành thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần. Trong đó, mặt hàng điều của Campuchia chiếm 72,2% giá trị. Đứng thứ hai là Mỹ với kim ngạch xuất khẩu là 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3% thị phần.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn thứ 3; chiếm chiếm 7,3% tổng giá trị nhập khẩu nông sản 8 tháng năm 2021 của nước ta. Tính ra, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Trung Quốc xuất sang Việt Nam tăng đến 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái (Đọc toàn bản tin trên báo Vietnamnet).

Miền Bắc có thể đón rét sớm

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia; khoảng cuối tháng này, miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh; rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm có thể xảy ra sớm.

Ảnh minh họa (chụp màn hình trang Afamily).

Cụ thể, không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2021. Không khí lạnh có xu hướng gia tăng tần suất trong các tháng chính Đông. Rét đậm, rét hại trong mùa Đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 2/2022 (Đọc toàn bản tin trên báo Dân Trí).