Ngày 14/3/2022 là tròn 34 năm Trung Quốc giết hại 64 người Việt trên đảo Gạc Ma – sự kiện theo chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm là “một cuộc thảm sát hèn hạ”.
Sự kiện Gạc Ma được tóm tắt như sau: Ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho tàu hộ vệ tên lửa và binh lính tấn công, xâm chiếm cụm đá Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao trên quần đảo Trường Sa. Phía Trung Quốc bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605; thảm sát 64 sĩ quan, quân nhân Việt Nam và chiếm bãi đá Gạc Ma từ đó.
“Một cuộc thảm sát hèn hạ”
Năm 2016, ông Lê Kế Lâm – chuẩn đô đốc, kể lại diễn biến cuộc thảm sát trên Zing. Năm 1988, ông Lâm là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, nắm được rõ mọi diễn biến ở Trường Sa. Ngày 14/3/1988, đơn vị công binh hải quân Việt Nam trên Đá Gạc Ma có 48 quân nhân, được cử tới để xây một trạm quan sát.
Sáng hôm đó, lính Trung Quốc đổ bộ lên Đá Gạc Ma. Quân Trung Quốc xông tới nhổ cờ Việt Nam ném xuống đất. Hai quân nhân Việt Nam kháng cự quyết liệt. Ông Lâm được báo cáo, họ đã bị tấn công bằng dao.
Lính Trung Quốc tràn lên đảo đá Gạc Ma, nổ súng, tàn sát man rợ các quân nhân người Việt. Ngoài biển có một số tàu chiến Trung Quốc neo đậu ở khoảng cách 5-6 km. Gần đó cũng có hai tàu vận tải Việt Nam, số hiệu HQ 604 và HQ 605, chỉ khoảng 400 tấn. Trên tàu không có vũ khí gì đáng kể, chỉ có một số khẩu súng 12,7mm. Tàu hải quân Trung Quốc đã dùng pháo bắn chìm hai tàu Việt Nam. 64 người Việt bị quân Trung Quốc giết.
Báo Trung Quốc thời đó ca ngợi ầm ĩ rằng đây là chiến thắng của hải quân nước nhà, nhưng theo ông Lâm, đó chỉ là một cuộc thảm sát hèn hạ.
Ông Lâm còn kể một chuyện nữa: Nhận tin trong căm phẫn, có ý kiến đề xuất Việt Nam điều tàu chiến ở Bãi Tiên Nữ và Bãi Thuyền Chài tới Gạc Ma.
Tư lệnh Giáp Văn Cương đã ra lệnh triển khai hai tàu chiến, nhưng hai tàu chiến của Việt Nam khi ấy chỉ có pháo và ngư lôi, không có tên lửa như tàu Trung Quốc. Sau 30 phút, tư lệnh Cương suy nghĩ lại, hủy lệnh để tránh một cuộc đổ máu lớn và trận chiến không cân sức.
Tại sao Trung Quốc ra tay ở Gạc Ma?
Phân tích của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà trên VnExpress năm 2016 phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Theo ông Hà, gần 10 năm từ cuộc chiến biên giới với Trung Quốc khiến Việt Nam đã hao tổn không nhỏ nhân lực, vật lực.
Năm 1988 là đỉnh điểm khó khăn của Việt Nam, khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng. Liên Xô là nước ủng hộ Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, cải tổ. Trung Quốc biết được nếu họ có hành động quân sự ở Trường Sa thì Liên Xô cũng không can thiệp. Chính vì thế, Trung Quốc ra tay đánh chiếm bãi đá Gạc Ma, thẳng tay tàn sát 64 người Việt.
Trong một góc nhìn về sự kiện này, GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liège, Bỉ) cho biết, Trung Quốc lựa chọn Gạc Ma vì muốn có một pháo đài ở trung tâm biển Đông. Họ biết đánh được Gạc Ma thì sẽ chiếm được luôn, vì khi đó quân đội Việt Nam không có tàu chiến hiện đại và đủ sức lấy lại. Cùng quan điểm, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) nhận định: Việc Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Gạc Ma là một bước đi cụ thể cho dã tâm đường lưỡi bò trên biển Đông.
Cả GS Hưng và nguyên Chủ tịch Ngữ đều cho rằng, sự kiện lịch sử như Gạc Ma cho đến nay rất nhiều người không biết đến là điều đau xót.