Việc thiếu vitamin D thường đi kèm với các triệu chứng và bệnh thường bị coi là “tuổi già”. Mức độ bổ sung trùng khớp với việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về thể chất và tinh thần suy nhược.

Vốn hoạt động giống như hormone hơn là vitamin, vitamin D đóng vai trò quan trọng và có thể ảnh hưởng đến mọi thứ từ nhận thức đến ung thư. Một trong số các vai trò của vitamin D là giúp kiểm soát lượng canxi và phosphate trong cơ thể.

Những triệu chứng đôi khi có vẻ là suy giảm nhanh chóng về thể chất và nhận thức liên quan đến lão hóa có thể thực sự là do thiếu vitamin D. Những ý kiến ủng hộ thì cho rằng có thể bổ sung vitamin D để cơ thể không bị thiếu. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, bệnh tự miễn dịch và trầm cảm. Phần lớn dân số trên toàn thế giới bị thiếu vitamin D.

Có một danh sách các triệu chứng không rõ ràng do thiếu vitamin D – như mệt mỏi, suy nhược, “sương mù não” và lo lắng kèm theo nhiều bệnh tật. Cũng có thể tình trạng thiếu vitamin D đang rình rập mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Cách duy nhất để biết chắc chắn liệu mức vitamin D của bạn có thấp hay không là xét nghiệm, nhưng xét nghiệm không phải lúc nào cũng được bảo hiểm chi trả. Nhưng xét nghiệm cũng không thể đưa ra giá trị tính toán cụ thể hay mức vitamin D như thế nào là cần thiết để giúp ích cho những người muốn tự bảo vệ mình trước các bệnh do thiếu vitamin D.

Nghiên cứu cũng không thể đưa ra con số rõ ràng về lượng vitamin D chúng ta cần bao nhiêu là đủ và liệu có bất kỳ rủi ro nào xảy ra do hấp thu quá nhiều vitamin D không. Tình huống đó gây bối rối cho bệnh nhân và thậm chí cả bác sĩ cũng có thể bị tê liệt phân tích (không thể đưa ra quyết định). Nhưng có những phát hiện cụ thể có thể áp dụng được—đặc biệt là đối với người cao tuổi—cho thấy việc bổ sung vitamin D sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.

Hiểu về mức vitamin D

Bước đầu tiên là hãy kiểm tra thay vì đoán mức vitamin D của bạn.

Vitamin D được tổng hợp trên da và một lượng ít hơn thì được hấp thụ qua thức ăn. Sau đó vitamin D được gửi đến gan để chuyển đổi thành 25-hydroxycholecalciferol, hay còn gọi là 25-hydroxyvitamin D, hoặc 25 (OH)D. Đây là chất mà xét nghiệm sẽ đo.

Chính xác cần bao nhiêu 25 (OH)D có trong máu là vấn đề cần tranh luận.

GrassrootsHealth là một tổ chức nghiên cứu sức khỏe cộng đồng phi lợi nhuận gồm 48 nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo rằng mọi người ở mọi lứa tuổi cần đạt được và duy trì mức huyết thanh 25(OH)D trong khoảng 40–60 nanogam/ml (ng/ ml) để có sức khỏe tối ưu. Một báo cáo năm 2017 trên tạp chí Nature Reviews Endocrinology cho biết mặc dù có nhiều khuyến nghị khác nhau từ các tổ chức y tế, nhưng tất cả đều đồng ý rằng nên tránh mức huyết thanh 25(OH)D dưới 10 ng/ml ở mọi lứa tuổi. Một số chuyên gia cho rằng 25 ng/ml là bình thường, trong khi số khác cho rằng chỉ số này quá thấp.

Thiếu vitamin D khiến quá trình lão hóa trở nên phức tạp, một phần là vì khi chúng ta già đi thì việc tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời trở nên khó khăn hơn. Lượng vitamin D hấp thụ từ thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, sữa, trứng, thịt lợn và gan bò cũng thấp hơn khi về già. Chúng ta biết rằng hầu hết người lớn tuổi đều bị thiếu chất và việc giải quyết vấn đề này đã trở thành một trở ngại y tế.

Vấn đề cũng trở nên phức tạp đến mức gây tranh cãi khi giới nghiên cứu cứ cho ra những tiêu đề mới và khó hiểu sau vài tháng. Ngay cả khi lướt qua các bài báo không ghi ngày tháng trên trang web của Y Lão Ngày nay (Today’s Geriatric Medicine) thì bạn cũng không giải quyết được các câu hỏi về lợi ích của vitamin D, ai nên dùng và liều lượng bao nhiêu.

Ngoài ra, số lượng các câu chuyện về nguy cơ và độc tính của vitamin D dường như không tương xứng với rủi ro thực tế. Có một nhóm nhỏ những người không chịu bổ sung vitamin D và đó là lý do tại sao mức độ vitamin D nên được bác sĩ theo dõi bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Bao nhiêu vitamin D thì đủ?

Lần gần đây nhất, Viện Y học (Institute of Medicine) đã đưa ra tiêu chuẩn vào năm 2019 về liều vitamin D tối đa chấp nhận được là 4,000 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày, trong khi Hiệp hội Nội tiết cùng thời điểm đó khuyến nghị tối đa là 10,000 IU mỗi ngày.

Khuyến nghị của Viện Y tế Quốc gia là 600 IU/ngày cho những người từ 51 đến 70 tuổi và 800 IU/ngày cho những người trên 70 tuổi nhưng không quá 4,000 IU/ngày. Nhưng liệu lượng bổ sung này có cho phép bệnh nhân đạt được mức huyết thanh 25 ng/ml hay không thì tùy từng trường hợp. The Epoch Times gần đây đã đưa tin về xu hướng sử dụng vitamin D liều cao hơn cho các bệnh nan y và nghiên cứu cho thấy rằng có những lợi ích khi đạt được mức từ 40 đến 60 ng/ml.

Liều lượng là nghệ thuật hơn là khoa học, theo như một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Da liễu-Nội tiết đã lưu ý. Một trong những mục tiêu của nghiên cứu này là đạt mức huyết thanh trung bình là 40 ng/ml trong số 3,882 người tham gia. Một mục tiêu khác là nghiên cứu kỹ lưỡng độc tính của Vitamin D.

Những người tham gia nghiên cứu ban đầu đã dùng trung bình 2,100 IU vitamin D mỗi ngày với nồng độ huyết thanh trung bình là 35 ng/ml. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cần 6,000 đến 7,000 IU (tùy thuộc vào cân nặng) để đạt được mức vitamin D là 40 ng/ml. Khi kết thúc nghiên cứu, nồng độ trung bình huyết thanh của tất cả những người tham gia là 51 ng/ml. Lượng vitamin D hấp thụ lên tới 15,000 IU/ngày được cho là an toàn trong nghiên cứu này.

Một chuyên gia chăm sóc tích hợp chính là bác sĩ Ellie Campbell nói với The Epoch Times rằng mức độ bà đưa ra là ở mức dưới 20 ng/ml khi bà kiểm tra lần đầu tiên vào năm 2006 và bà đã phải mất 1.6 triệu IU vitamin D để đạt được mức huyết thanh trên 50 ng /ml. Từ đó bà nhận thấy rằng cần 5,000 IU mỗi ngày để giữ được mức huyết thanh đó.

Nhiều bệnh nhân không biết về mức độ vitamin D của họ và điều khiến bác sĩ Campbell thất vọng là các phòng thí nghiệm báo cáo mức 25 ng/ml và 30 ng/ml là “bình thường”.

Bác sĩ Campbell cho biết: “Mức huyết thành bình thường được xác định bằng biểu đồ phân tán của 100 mẫu vật cuối cùng hoặc hơn. Họ không báo cáo tối ưu.”

Nói cách khác, không có cơ sở khoa học tốt để đưa ra bất kỳ tuyên bố cụ thể nào về mức 25(OH)D lý tưởng. Những gì chúng ta biết là bệnh tật phát sinh khi nồng độ huyết thanh này quá thấp và những người có nồng độ cao hơn thì sẽ tốt hơn.

Có ít nhất bốn lý do khiến người cao tuổi nên cân nhắc bổ sung vitamin D.

1. Vitamin D làm giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ

Một nghiên cứu mới kiểm tra thói quen bổ sung vitamin D của 12,388 người tham gia từ dữ liệu của Trung tâm Điều phối Bệnh Alzheimer Quốc gia đã liên kết việc bổ sung với tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn đáng kể. Kết quả đã được công bố trong tháng này trên tạp chí Alzheimer’s & Dementia: Chẩn đoán, đánh giá và theo dõi bệnh tật.

Trong số gần 3,000 người tham gia mắc chứng mất trí nhớ trong nghiên cứu kéo dài một thập kỷ này, 75% không có vitamin D và 25% còn lại chỉ bị phơi nhiễm cơ bản. Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy vitamin D có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 40%.

Theo nghiên cứu này, hiện có khoảng 50 triệu người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050.

Người đứng đầu nghiên cứu là giáo sư Zahinoor Ismail của Đại học Calgary và Đại học Exeter cho biết:

“Chúng ta biết rằng vitamin D có một số tác dụng trong não có thể tác động làm giảm mất trí nhớ, tuy nhiên cho đến nay nghiên cứu đã cho ra những kết quả mâu thuẫn. Phát hiện của chúng tôi đưa ra những hiểu biết quan trọng về các nhóm có thể đặc biệt nhắm tới việc bổ sung vitamin D. Nhìn chung, chúng tôi tìm thấy bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin D sớm có thể đặc biệt có lợi trước khi bắt đầu suy giảm nhận thức.”

2. Vitamin D giảm chóng mặt tái phát

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 trên tạp chí Thần kinh học cho thấy những người bổ sung vitamin D (và canxi) để đạt được mức 25(OH)D tối thiểu 20 ng/mL đã giảm khả năng tái phát các cơn chóng mặt lành tính do tư thế (BPPV) nhiều nhất. Các cơn chóng mặt lành tính do tư thế thường xảy ra khi thay đổi vị trí đầu gây ra cảm giác quay cuồng.

Được tiến hành tại Hàn Quốc, nghiên cứu này đã so sánh một nhóm 445 người dùng vitamin D với 512 người trong một nhóm quan sát không được bổ sung hoặc theo dõi nồng độ vitamin D. Nghiên cứu cho biết tỷ lệ tái phát các cơn chóng mặt lành tính do tư thế hàng năm đối với những người dùng vitamin D đã giảm 24%.

Phương pháp điều trị truyền thống bao gồm một chuyển động thể chất do bác sĩ thực hiện để di chuyển các hạt trong tai gây chóng mặt, có thể góp phần gây ra té ngã, gãy xương và chấn thương đầu.

Tiến sĩ Ji-Soo Kim của Đại học Y khoa Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc cho biết: “Kết quả của chúng tôi rất thú vị vì cho đến nay, việc đến gặp bác sĩ để được bác sĩ thực hiện các cử động đầu là cách chính mà chúng tôi điều trị chứng chóng mặt lành tính do tư thế”. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một phương pháp điều trị rẻ tiền, ít rủi ro như vitamin D và viên canxi có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng rối loạn phổ biến và thường tái phát này.”

3. Vitamin D giúp ngừa ung thư

Theo một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, khi nói đến ung thư giai đoạn cuối thì việc bổ sung vitamin D là có thể kéo dài tuổi thọ. Trong một thử nghiệm lâm sàng trên 25.871 bệnh nhân, vitamin D làm giảm nguy cơ ung thư di căn hoặc tử vong ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.

Hội đồng Vitamin D (Vitamin D Council) đặc biệt khuyến nghị phụ nữ bị ung thư vú nên bổ sung 5.000 đến 15.000 IU vitamin D mỗi ngày và kiểm tra nồng độ để đảm bảo rằng vitamin D luôn ở mức trên 70 ng/ml. Để phòng ngừa, mức khuyến cáo là 60 ng/ml. Một số nghiên cứu cho thấy một lợi ích của vitamin D nữa là có thể giảm ung thư vú.

Vì tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, bác sĩ Campbell cho biết bà kiên quyết giữ mức vitamin D cao. Tùy thuộc vào liều lượng, vitamin D đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư vú tới 83% từ 30% tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ năm 2008.

Bác sĩ Campbell cho biết: “Không có loại thuốc nào trên thị trường có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú đến mức đó. “Mọi người nên biết về điều này.”

4. Vitamin D giảm té ngã và gãy xương

Các nghiên cứu cũ hơn cho thấy tỷ lệ té ngã giảm tới 72% ở những người có mức vitamin D cao hơn trong viện dưỡng lão. Mặt khác, một nghiên cứu gần đây và được công bố rộng rãi trên Tạp chí Y học New England đã kết luận rằng không có mối tương quan giữa vitamin D và gãy xương ở người lớn tuổi.

Những người chỉ trích nghiên cứu mà vốn có sự không nhất quán về liều lượng đó, cũng như một số nghiên cứu khác vào năm 2022, nói rằng việc bổ sung vitamin D mang lại lợi ích rõ rệt. Một trong những nghiên cứu trên Tạp chí Chuyển hóa Xương và Khoáng chất đã xem xét 28 nghiên cứu về 61.744 trường hợp và 9.767 bệnh nhân gãy xương hông và kết luận rằng nồng độ vitamin D huyết thanh thấp ở người cao tuổi có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ gãy xương hông.

Bác sĩ Campbell nói: “Chúng ta có thể giúp tạo ra sự khác biệt cho người cao tuổi trong viện dưỡng lão vì họ ít bị ngã hơn. Đây là một trong những biện pháp can thiệp rẻ nhất và dễ nhất. Nếu chúng ta tăng nồng độ vitamin D đến mức mà khoa học khuyến nghị thì các bệnh nhân sẽ là người nhận được lợi ích.”

Nghiên cứu của Tạp chí Y học New England đã nhận được nhiều sự chú ý nhưng cũng bị chỉ trích. Những người tham gia thử nghiệm ban đầu được cung cấp liều cao vitamin D và sau đó nhận được liều lượng nhỏ hơn 2.000 IU/ngày, trong khi nhóm giả dược (placebo – phương pháp điều trị y tế không sử dụng các hoạt chất của thuốc để chữa bệnh mà dựa vào niềm tin của người bệnh) được phép dùng tới 800 IU/ngày. Grassroots Health đã chỉ trích loại nghiên cứu này vì tạo sự hoài nghi và ngăn cản cản việc sử dụng thuốc tối ưu.

Nghiên cứu bổ sung phát hiện rằng nồng độ vitamin D thấp không chỉ dẫn đến té ngã nhiều hơn mà còn liên quan đến yếu cơ và đau, cũng như rối loạn dáng đi. Dữ liệu chứng minh rằng những người có mức 20 ng/ml 25(OH)D trở lên sử dụng các chi dưới tốt hơn.

Hội đồng Vitamin D giữ một danh sách cập nhật các tình trạng có thể có lợi nhờ sử dụng hormone này, cùng với các mối liên hệ với các nghiên cứu. Grassroots Health cũng có thông tin về vitamin D, xét nghiệm, mức độ và các câu chuyện chuyển đổi.

Có thể bạn quan tâm: