Các tàu Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông nhiều hơn sau 5 năm kể từ ngày tòa án quốc tế ra Phán quyết bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh trong khu vực.

Hãng tin Reuters hôm 9/7 có bài báo chỉ ra vấn đề này khi ngày kỷ niệm 5 năm Phán quyết Biển Đông đang tới gần.

Vào ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết lịch sử, bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách đường lưỡi của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này được đưa ra sau đơn kiện của chính phủ Philippines vào năm 2013.

Yêu sách đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Yêu sách đường lưỡi bò vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc ngày càng ngang ngược ở Biển Đông

Trung Quốc không công nhận Phán quyết Biển Đông. Họ ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Biển Đông. Không chỉ thế, các tàu Trung Quốc còn ngang nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, trong đó có Việt Nam, Philippines.

Ví dụ, hồi tháng 10/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống một tàu khảo sát của nước này xâm nhập vào vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, chỉ cách đất liền Việt Nam 70 hải lý.

Hay như vào tháng 3/2021, hơn 200 tàu Trung Quốc đã tiến sát đảo Sinh Tồn Đông thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh đang dùng thủ đoạn “lấy thịt đè người”, từ đó dần dần đẩy ngư dân Việt Nam ra khỏi Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu Việt Nam (ảnh: Reuters).
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu Việt Nam (ảnh: Reuters).

Một ví dụ khác, vào tháng 4/2021, hai tàu tên lửa Trung Quốc đã truy đuổi 1 tàu dân sự Philippines vào sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tàu Trung Quốc chỉ quay đi sau khi tiến vào rất gần đất liền của Phillippines.

Trung Quốc cũng tự ban cho mình quyền ra lệnh ở Biển Đông. Ví dụ như lệnh cấm đánh bắt vào mùa hè; luật cho phép Trung Quốc nã súng vào các tàu bị cáo buộc là xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh…

Nỗi sợ của ngư dân trên Biển Đông

Ông Randy Megu, ngư dân Philippines, đã chia sẻ với Reuters về nỗi sợ của ông đối với các tàu Trung Quốc.

Ông Megu cho biết, ông thường không ngại những cơn bão nổi lên ở Biển Đông. Nhưng ông có một nỗi sợ hãi lớn hơn: Nhìn thấy một tàu thực thi hàng hải của Trung Quốc ở đằng chân trời.

Ảnh chụp màn hình video về một cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông đăng trên Youtube.
Ảnh chụp màn hình video về một cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông đăng trên Youtube.

Ông cho biết các ngư dân khác đã báo cáo về việc họ bị tàu Trung Quốc đâm, hoặc bị phun vòi rồng khi đang đánh bắt tại vùng biển mà họ coi là ngư trường lịch sử của họ.

Một ngư dân khác có tên Christopher de Vera, 51 tuổi, than thở: “Bây giờ, cứ như thể chúng tôi là những kẻ ăn trộm từ sân sau của chính mình vậy”.

Người Philippines muốn chính phủ hành động

“Dữ liệu ở đây rất rõ ràng”, ông Greg Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho biết. “Các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc và lực lượng dân quân đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhiều hơn so với 5 năm trước.”

Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 7 năm 2020 cho thấy 70% người dân Philippines muốn chính phủ khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông. Nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte xem nhẹ Phán quyết Biển Đông để tăng cường quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống Duterte Philippines có thể “vỡ mộng” chính sách thân Trung Quốc
Tổng thống Duterte Philippines có thể “vỡ mộng” chính sách thân Trung Quốc (ảnh ghép minh họa từ CNA).

Bắc Kinh cam kết với ông Duterte là Trung Quốc sẽ rót vốn đầu tư vào Philippines. Nhưng đại đa số các khoản đầu tư mà họ hứa hẹn đều chưa trở thành hiện thực. Trong khi đó, nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống Duterte sẽ kết thúc vào năm sau.

Luận điệu của chính quyền Trung Quốc

Hôm thứ Sáu (9/7), Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng Bắc Kinh không chấp nhận Phán quyết Biển Đông; cũng như bất kỳ tuyên bố hay hành động nào dựa trên Phán quyết này.

Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông hiện giờ là phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng các tàu này không phải tuân theo lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm của Trung Quốc, kéo dài đến ngày 16/8.