5 phong tục dân gian ngày tết Trung thu
Đèn lồng lung linh vào mỗi dịp Trung thu (ảnh: Pixabay).

Chơi đèn

Hình ảnh những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép, đèn cầy… nhiều màu sắc rực rỡ dưới ánh trăng vàng là thứ không thể thiếu trong ngày tết Trung thu.

Đèn lồng được làm thủ công từ tre, giấy gió … cho trẻ em chơi tết Trung thu với vô số hình dáng xinh đẹp như bông hoa, cá, gấu … Với người Việt Nam, đèn lồng biểu tượng của ấm no, hạnh phúc.

Ngày rằm tháng 8, người dân Trung Hoa treo đèn lồng trước cửa nhà, tượng trưng cho sự may mắn, bình an. Hay đèn lồng được dán giấy xung quanh thắp nến ở giữa, viết lời ước nguyện vào đèn, thả lên trời. Dưới ánh trăng vàng đêm Trung thu, ánh sáng rực cả bầu trời tựa như các ngôi sao lấp lánh mang theo lời thỉnh cầu tới các vị thần linh.

Một số nơi làm dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những lời cầu nguyện vào thì trả trôi bờ sông mang theo lời nguyện ước.

5 phong tục dân gian ngày tết Trung thu
Trăng rằm tháng 8 (ảnh: Pixabay).

Ngắm trăng (thưởng nguyệt)

Ngày rằm tháng 8 là lúc khí hậu mát mẻ, cảnh trời đất đẹp, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật về đêm. Mọi người có thể thảnh thơi ngắm cảnh, thưởng nguyệt, hòa mình vào đất trời. Đối với một số người, khoảnh khắc trăng lên vô cùng thiêng liêng do ánh trăng là biểu hiện của sum vầy, đoàn viên.

Các gia đình quây quần cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng rằm và kể cho con cháu của mình truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ của Trung Hoa hay chuyện chú Cuội ngồi gốc cây đa của người Việt.

5 phong tục dân gian ngày tết Trung thu
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Hanoimoi

Phá cỗ

Mỗi dịp Trung thu đến, các gia đình đều bày cỗ, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt như bánh trung thu, thị, bưởi, dưa hấu, kẹo… với những màu sắc sặc sỡ và được trang trí theo sở thích của mỗi nhà. Mâm cỗ ngày rằm tháng 8 là để cúng trăng, tế trời đất cùng cầu mong cuộc sống bình an, tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên.

Khi ánh trăng tròn, sáng vằng vặc là lúc mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của tết Trung thu.

Múa Sư tử (múa Lân)

5 phong tục truyền thống ngày tết Trung thu
Múa lân tại Tràng An (Ninh Bình).

Con Lân tượng trưng cho điềm lành, may mắn và thịnh vượng. Do đó, múa Lân đêm Trung thu là ước mong cho những điều tốt đến với mọi nhà.

Múa Sư tử thường được tổ chức vào đêm 14 hoặc 15 với những tiếng trống nhộn nhịp. Đám múa Lân thường gồm một người đội chiếc đầu, một người cầm đuôi dài bằng vải màu vàng hoặc đỏ phất phất theo nhịp múa của Lân. Ngoài ra còn có đèn màu, cờ ngũ sắc, thanh la, có người cầm côn đi theo bảo vệ đầu Lân.

Bánh Trung thu

5 phong tục dân gian ngày tết Trung thu
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên trang Monngontv

Dường như bánh trung thu đã trở thành một thức bánh trượng trưng cho sự đoàn viên, không thể thiếu để cúng trăng và người đã khuất vào mỗi mùa trung thu.

Bánh trung thu thường có hình dáng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình. Phía trên mặt bánh vẽ một vòng tròn ngay trung tâm giống như vầng trăng chiếu sáng.

Bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình, miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc, hòa thuận.