Những thói quen thường được hình thành từ thời thơ ấu và đi theo suốt cuộc đời chúng ta. Chính thói quen tốt là động lực lớn dẫn đến thành công.
Nhà giáo dục nổi tiếng Ye Shengtao từng nói “Giáo dục là gì? Nói một cách dễ hiểu giáo dục là phát triển thói quen học tập tốt. Giáo dục là sự trau dồi các thói quen”.
Là cha mẹ chúng ta nên chú ý đến những thói quen tốt nào cho con cái?
Thói quen tự lập
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên để trẻ làm những việc mà trẻ có thể làm; tạo cơ hội cho con hòa nhập và khám phá bản thân.
Ví dụ: Khi con hơn 1 tuổi, cho con tự xúc ăn. Khi con chập chững biết đi, cứ để con tự ngã tự đứng dậy. Khi lớn lên, con phải tự mặc quần áo và theo cha mẹ làm việc nhà.
Nếu cha mẹ chỉ biết chiều chuộng, chăm lo mọi thứ, mọi lúc trong cuộc sống cho con cái; là đã tước đi cơ hội tự làm của chúng.
Kết quả chúng lớn lên thành một đứa bé khổng lồ; không có tư duy độc lập, không kỹ năng sống hay còn gọi là không có kỹ năng sinh tồn.
Khả năng thực hành và khả năng tư duy của trẻ sẽ được rèn luyện trong quá trình hành động. Cha mẹ yêu thương con cái, nên có những kế hoạch dạy con kỹ năng làm việc phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
Học cách tự kỷ luật
Ngày nay, xa lộ thông tin trên internet là điều kiện thuận lợi tiếp cận với kho kiến thức khổng lồ; giao tiếp nhiều chiều giữa các tổ chức và người tiêu dùng. Thuận lợi là thúc đầy xã hội phát triển, giao thương nhanh chóng.
Tuy nhiên mặt tiêu cực cũng nhiều: như những thông tin chưa được kiểm chứng đã lan truyền rất nhanh; ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của con người. Đặc biệt nếu tính tự giác kém, giới trẻ sẽ đắm chìm trong internet và mất kiểm soát bản thân.
Rèn luyện tính tự giác ở trẻ là yêu cầu hướng dẫn trẻ quản lý thời gian; và thói quen sử dụng thời gian hiệu quả. Cha mẹ có thể dạy trẻ làm việc theo kế hoạch có sẵn.
Thói quen lập kế hoạch
Có kế hoạch, chúng ta mới có thể tự sắp xếp thời gian và hoàn thành đầy đủ mục tiêu của mình. Không có kế hoạch, thì hành động hỗn loạn; khó có được sự tôn trọng của người khác.
Trước tiên, cha mẹ có thể lên lịch cho con, dặn con đi học về vào buổi tối, làm bài và chơi khi nào; có thể sắp xếp thời gian biểu cho ngày hôm sau trước khi đi ngủ; và ghi tất cả các mục cần học vào ghi chú, đặt nó ở đầu giường của trẻ … Chắc chắn trẻ sẽ hình thành thói quen làm việc theo kế hoạch. Kế tiếp dạy trẻ chủ động tự lập kế hoạch thời gian biểu.
Xây dựng thói quen đọc sách
Việc hình thành thói quen đọc sách, được ví như sức mạnh của “nước chảy đá mòn”. Khi trẻ đọc nhiều hơn sẽ có kiến thức rộng và dễ thành công hơn.
Trên thực tế, có thể thấy ngay từ bậc tiểu học, những đứa trẻ thích đọc rõ ràng sẽ có lợi thế hơn những đứa trẻ khác. Chúng ít áp lực hơn trong việc học ngoại ngữ, và có kỹ năng đọc hiểu tốt hơn trong các khóa học khác so với những trẻ không thích đọc.
Ban đầu, cha mẹ có thể đọc những câu chuyện cổ tích ngắn cho con trước khi ngủ, dần dần bé sẽ hứng thú với những câu chuyện hay, rồi tự mình đọc sách. Tuy nhiên lựa chọn loại sách nào phù hợp với lứa tuổi và mang tính giáo dục; thì cha mẹ là người rất quan trọng trong việc định hướng.
Thói quen suy nghĩ
Người tư duy tốt, có thể dễ dàng nắm bắt được bản chất của sự việc; và giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.
Làm thế nào để trau dồi khả năng tư duy của trẻ? Trước hết phải trau dồi cho trẻ học cách đặt câu hỏi; sau đó cùng nhau tìm ra câu trả lời hoặc đưa ra giải pháp cho một vấn đề nào đó.
Đến một giai đoạn, có cả trăm câu hỏi vì sao của trẻ; hễ bắt gặp chuyện gì thì luôn hỏi tại sao, tại sao và tại sao.
Đừng cảm thấy trẻ quá ồn ào, đây là thời điểm tốt nhất để trau dồi khả năng tư duy của trẻ. Chúng ta có thể cùng con đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc.
Trau dồi trí tưởng tượng
Theo một cách nào đó, trí tưởng tượng là sự sáng tạo, khả năng đổi mới. Nhà văn viết mà không có trí tưởng tượng thì bài viết nhàm chán, tẻ nhạt. Công nghệ mà không có trí tưởng tượng thì không thể tạo ra sản phẩm mới. Trí tưởng tượng rất quan trọng đối với tương lai của mỗi cá nhân, đất nước và dân tộc.
Nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ là tôn trọng trẻ em, cho chúng không gian và sự tự do. Trẻ sẽ có cơ hội để phát huy khả năng, tiềm năng của bản thân.
Đừng luôn kể cho con bạn nghe một câu chuyện, hãy để chúng nhìn thấy nhiều khía cạnh của sự vật và lắng nghe những âm thanh khác nhau.
Giai đoạn quan trọng để trau dồi những thói quen tốt là ở giai đoạn mầm non và tiểu học. Nó là tiền đề bổ sung cho cấp trung học cơ sở.
Trẻ càng nhỏ thì tính hấp thu càng mạnh. Các thói quen của trẻ được hình thành theo yêu cầu của cha mẹ và giáo viên đồng thời chúng cũng bắt chước rất nhanh. Để rèn luyện thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ cũng phải tự rèn luyện và làm gương cho trẻ. Như thế, hiệu quả sẽ nhanh và ít tốn công sức hơn.