Ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn so với các loại ung thư khác. Các bác sĩ Nhật Bản cảnh báo rằng việc bỏ thuốc lá và duy trì ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ có thể phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả.
Vào ngày 10/03, vận động viên hàng đầu của đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia Nhật Bản, Naonobu Fujii, qua đời ở tuổi 31 vì bệnh ung thư dạ dày. Tin tức này khiến người hâm mộ bóng chuyền Nhật Bản đau buồn.
Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở nam giới Nhật Bản và là nguyên nhân gây tử vong thứ tư đối với phụ nữ Nhật Bản, với 28,043 và 14,888 ca tử vong được báo cáo lần lượt vào năm 2019. Các bác sĩ Nhật Bản cảnh báo rằng việc bỏ thuốc lá và duy trì ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ có thể phòng ngừa ung thư dạ dày hiệu quả.
Tại Hoa Kỳ, đã có hơn 26,000 ca ung thư dạ dày mới, với hơn 10,000 ca tử vong vào năm 2022.
Có nhiều loại ung thư dạ dày, chẳng hạn như ung thư biểu mô tuyến, ung thư bạch huyết và ung thư sarcoma ác tính. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh ung thư dạ dày là do ung thư biểu mô tuyến vốn là một khối u ác tính được hình thành từ các tế bào tuyến niêm mạc dạ dày.
Tiến sĩ Junko Tokunaga là giáo sư y khoa tại Viện Khoa học Y tế của Đại học Tokyo nói với The Epoch Times rằng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày. Vào thời điểm nhiều bệnh nhân được chẩn đoán, các tế bào ung thư dạ dày đã lan sang các cơ quan và mô khác, gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn ở giai đoạn giữa và cuối.
Trên lâm sàng, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng sau:
- Ăn mất ngon
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Khó chịu hoặc đau bụng
- Cảm thấy no sớm
- Khó nuốt
- Thiếu máu
- Nôn mửa
- Phân có máu
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày:
1. Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn.
2. Giới tính: Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam giới cao hơn đáng kể so với nữ giới.
3. Lịch sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
4. Dân tộc: Ung thư dạ dày phổ biến ở người Á châu hơn người Âu châu và Mỹ châu.
5. Cách ăn uống: Thực phẩm ngâm, tẩm muối và hun khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trái cây và rau quả tươi có thể làm giảm rủi ro mắc bệnh.
6. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori: Loại vi khuẩn này gây viêm và loét dạ dày, làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
7. Sưng và kích ứng ở dạ dày: Phẫu thuật dạ dày trước đây hoặc mắc các bệnh như thiếu máu và viêm dạ dày mãn tính có thể dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn.
8. Bệnh nghề nghiệp: Nguy cơ ung thư dạ dày tăng lên khi tiếp xúc với một số hóa chất và bụi tại nơi làm việc.
9. Béo phì: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới thừa cân có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Tuy nhiên, không có mối tương quan giữa béo phì ở phụ nữ và ung thư dạ dày.
Việc ăn uống lành mạnh và kiểm tra thường xuyên là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe dạ dày.
Phòng ngừa ung thư dạ dày
Wang Yingwei là giám đốc Sở Y tế Quốc gia Đài Loan, khuyến nghị hai cách để bảo vệ sức khỏe dạ dày.
Duy trì lối sống lành mạnh
- Tránh thức ăn và nước bẩn, rửa tay trước và sau bữa ăn.
- Giảm thiểu thực phẩm nướng, hun khói, ngâm chua, cay và mặn.
- Bỏ hút thuốc và giảm uống rượu.
- Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi vào bữa ăn hàng ngày. Việc ăn ba phần rau và hai phần trái cây hàng ngày rất được khuyến khích.
Điều trị sớm
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào, chẳng hạn như đau dạ dày kéo dài, đầy bụng, khó tiêu, ăn không ngon, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày do tiền sử gia đình mắc bệnh dạ dày, hãy thảo luận điều này với bác sĩ cũng như có thể xét nghiệm vi khuẩn helicobacter pylori vốn là loại vi khuẩn có phác đồ điều trị cụ thể.