Sau nhiều năm vất vả kiếm việc với tấm bằng Cao đẳng, anh Sinh về quê khởi nghiệp bằng công việc nuôi vịt Cổ Lũng. Đến nay, mô hình nông nghiệp này đã thành công, mang lại thu nhập trăm triệu cho chàng trai 8x.

Gác tấm bằng Cao đẳng, về quê… chăn vịt

Anh Hà Văn Sinh (trú tại bản La Ca, xã Cổ Lũng, tỉnh Thanh Hóa) tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm vào năm 2005. Tuy nhiên, dù đã loay hoay nhiều năm nhưng anh Sinh vẫn không kiếm được công việc ổn định.

Sau đó, anh kể, một lần dẫn khách về quê trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, khách được ăn món vịt Cổ Lũng quê anh và khen rất ngon. Lúc này anh Sinh chợt nhận ra đây chính là hướng đi của mình và quyết định về quê… chăn nuôi vịt.

Quyết định của anh Sinh vấp phải nhiều phản đối từ gia đình, người thân bởi ở mảnh đất miền núi như quê anh, có được tấm bằng cao đẳng là niềm mơ ước. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì với lựa chọn của mình.

Khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh Sinh phải đến các nhà dân trong bản tìm đúng loài vịt Cổ Lũng chưa bị lai tạp, sau đó đem về chăn nuôi sinh sản và nhân đàn. Sau lứa đầu tiên, anh Sinh tiếp tục lựa chọn những con giống khỏe mạnh nhất, cho đẻ rồi ấp nhân giống, số còn lại thì đem bán.

Nhờ áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình anh Sinh phát triển tốt, chúng sinh sôi từ hàng trăm đến hàng nghìn con. Những lứa vịt đầu tiên xuất chuồng được thương lái mua với giá trung bình 180.000 đồng/con.

Để đảm bảo lúc nào cũng có hàng bán, anh Sinh nuôi gối lứa, mỗi năm nuôi tầm 5 – 6 lứa. Sau khi trừ hết chi phí, anh Sinh cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng/năm.

Ở xã Cổ Lũng, ngoài anh Sinh còn có anh Lục Văn Nam khởi nghiệp từ nghề chăn vịt với 40 triệu đồng tiền vốn từ vay người thân. Sau 5 năm gắn bó với nghề, hiện anh Nam sở hữu một đàn vịt hơn 1000 con. Mỗi ngày anh xuất đi các nhà hàng, khu du lịch từ 20 – 30 con.

Thành lập Hợp tác xã, giúp bà con phát triển kinh tế

Dân Trí đưa tin, năm 2017, anh Sinh thành lập Hợp tác xã chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên, nuôi từ 2000 đến 2500 con vịt. Hợp tác xã có một quy trình nghiêm ngặt cho việc chọn giống, vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn, tiêm phòng, trị bệnh…

Anh Sinh cũng chính là người bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong hợp tác xã. Mấy năm gần đây, du lịch ở Pù Luông (Thanh Hóa) phát triển, nhiều resort, nhà hàng, khu du lịch được thành lập thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Hiện thu nhập của mỗi thành viên trong hợp tác xã trung bình đạt 100-150 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, vịt bán được tương đối ổn định, giá dao động 100.000 – 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi từ 50-60%.

Hiện, mỗi thành viên trong hợp tác xã chăn nuôi vịt Cổ Lũng có thu nhập trung bình đạt từ 100-150 triệu đồng mỗi năm. Mấy năm trở lại đây, không chỉ các hộ dân ở xã Cổ Lũng mà các xã lân cận như Lũng Niêm, Thành Sơn, Thành Lâm cũng đến mua giống vịt Cổ Lũng về chăn nuôi, kiếm thu nhập.

(Ảnh chụp màn hình: Dân Trí)