Có những buổi chiều cuối năm, gió heo may nhẹ lướt qua hiên nhà, mẹ ngồi gói bánh chưng, còn cha lặng lẽ chải lại chiếc áo the cũ, rồi cẩn thận xếp chiếc khăn xếp đã hơi bạc màu. Đó là những hình ảnh tuổi thơ mà tôi chẳng thể nào quên – giản dị, lặng lẽ, mà chứa đựng cả một miền ký ức sâu thẳm về cha, về ông, và về những người đàn ông quê tôi – mộc mạc, đôn hậu, mà đầy cốt cách.

Áo the, khăn xếp – Một dáng hình đã xa

Ngày xưa, ở những làng quê Bắc Bộ, mỗi dịp Tết đến xuân về hay hội làng khai hội, người ta lại thấy các cụ ông, các bác trung niên mặc áo the, đầu đội khăn xếp, chân đi guốc mộc, tay cầm quạt giấy – dáng đi thong dong, mắt nhìn xa xăm. Không ai bảo ai, chỉ cần thấy bóng dáng ấy là lòng đã dâng lên niềm kính trọng. Vì đó là hình ảnh của lễ nghĩa, của truyền thống, của cội nguồn.

“Trai làng khăn xếp áo the,
Dắt tay em gái đi nghe hát chèo.”

Áo dài truyền thống không phải để khoe giàu sang, mà là để giữ nề nếp. Áo the thường là màu đen hoặc nâu sẫm, dài chấm gối, vải mỏng nhưng mát, mặc ngoài áo dài trắng hay gấm. Khăn xếp đội đầu thì gọn ghẽ, từng vòng như nếp sống chỉn chu của người xưa. Người ta mặc nó khi đi lễ đình, cưới hỏi, giỗ chạp, thậm chí cả khi đi thi – như một thứ “lễ phục” riêng của người đàn ông Việt.

Cha tôi từng bảo: “Mặc áo the, đội khăn xếp là mặc vào người cả một lối sống – biết trên biết dưới, biết kính trên nhường dưới, và biết tôn trọng chính mình.”

Áo the, khăn xếp – Bóng cha trong tà áo cũ

Áo the khăn xếp
Ảnh minh họa (Nguồn : internet)

Tôi vẫn còn nhớ như in cái Tết năm ấy, cha tôi đã cẩn thận giặt chiếc áo the đen đã cũ, phơi ở hiên nhà rồi cất vào rương gỗ. Hỏi cha sao không mặc nữa, ông chỉ cười: “Giờ ít ai mặc rồi con ạ, nhưng cha giữ để sau này cháu biết ông nó đã từng là người thế nào.”

Lúc ấy, tôi chưa hiểu hết. Chỉ đến khi cha mất, tôi lặng mở rương; lấy chiếc áo the cũ mà ông từng cất giữ như báu vật. Vải đã sờn vai, nhưng hương trầm ngày Tết vẫn phảng phất đâu đó, như tiếng thì thầm từ quá khứ vọng về.

“Còn đâu áo the khăn xếp,
Giữa đời vội vã áo sơ mi…”

Chiếc áo ấy, chiếc khăn ấy; không còn là đồ vật; mà là di cảo của một thời đã qua – nơi cha tôi và bao người đàn ông quê Việt từng sống thanh tao; sống có tôn ti, có nghĩa khí và giàu đạo lý.

Giữ lại hồn xưa

Ngày nay, giữa phố phường ồn ã, người ta mặc vest, sơ mi, comple – chỉn chu và hiện đại. Nhưng vẫn có những dịp đặc biệt; ta bắt gặp dáng ông đồ ngồi viết câu đối đỏ đầu xuân; áo the chỉnh tề, khăn xếp trên đầu; tay cầm bút lông nghiêng mình trên giấy điệp. Và lòng bỗng lặng lại. Đó là lúc ta nhận ra: áo dài truyền thống không mất đi – nó chỉ lui về một góc trầm lắng trong hồn dân tộc, chờ dịp sống lại.

Tôi từng thấy một chú rể ở miền Bắc chọn mặc áo dài truyền thống trong lễ cưới – vừa trang nghiêm, vừa đầy tự hào. Cô dâu mặc áo dài đỏ; tay trong tay chú rể, như thể hai thế hệ cùng nối lại sợi dây xưa. Cảm động biết bao khi những người trẻ hôm nay vẫn muốn chạm tay vào hồn cốt ông cha.

Lời nhắn gửi

Có thể một ngày nào đó, khăn xếp sẽ chỉ còn trong viện bảo tàng; áo the sẽ chỉ thấy trong tranh vẽ. Nhưng tôi tin: chừng nào còn người Việt nào nhớ;còn một đứa trẻ tò mò hỏi ông: “Ngày xưa ông mặc gì đi chúc Tết?”, thì hồn xưa ấy vẫn còn – sống trong từng câu chuyện kể, từng kỷ vật giữ gìn.

“Áo the, khăn xếp không là thứ để mặc,
Mà là điều để nhắc ta sống sao cho phải đạo, phải tình.”

Nếu có thể, xin bạn – dù chỉ một lần – khoác lên mình chiếc áo the ngày đầu xuân; hay đội nhẹ chiếc khăn xếp trong một dịp giỗ tổ. Không phải để ai ngắm nhìn, mà là để tự nhắc mình: ta là người Việt, ta có cội nguồn.