Ảnh minh họa cách ghi chú bằng tay theo phương pháp Cornell. |
Ngày nay máy tính và điện thoại trở thành phương tiện ghi chú nhanh và hiệu quả, nhưng việc có một cuốn sổ tay và ghi chép bằng tay thì có lợi cho trí nhớ của chúng ta hơn.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện việc gõ bàn phím sẽ không cần quá trình xử lý thông tin. Vì vậy họ gọi đây là cách chép không tạo ghi nhớ. Ngược lại, ghi chép bằng tay liên quan đến sự tham gia của một loạt phản xạ nhận thức như: Tóm tắt, diễn giải, sắp xếp, lập sơ đồ, khái niệm và từ vựng – đó là quá trình vận dụng chuyển đổi thông tin, vì thế não hiểu vấn đề sâu sắc hơn.
Khi viết tay, bạn sẽ suy ngẫm, nghiên cứu và chia sẻ với đối tác hoặc bạn học cùng. Đây cũng là một cách nghiên cứu hiệu quả vì khi trao đổi, xử lý thông tin những ghi chép trên sẽ được củng cố thêm.
Ghi chép được hình thành từ những năm đầu đi học
Ghi chép tốt phụ thuộc vào sự trôi chảy của bàn tay, nghĩa là kết hợp hài hòa giữa tốc độ giảng, đọc và tốc độ ghi chép. Nếu nội dung truyền đạt càng logic, rõ ràng thì bạn càng ghi chép dễ dàng, sạch sẽ, gọn gàng.
Việc viết tay thông thường bắt đầu từ lớp 2. Qua những hoạt động đọc viết, bàn tay ngày càng thông thạo và không gian của bộ nhớ được phân bổ cho nhu cầu nhận thức và ghi chép.
Bước chuyển từ lớp 3 lên lớp 4 là một sự nhảy vọt cho các học sinh nhỏ tuổi. Kiến thức các môn khoa học, toán học, xã hội học và ngoại ngữ nhiều dần lên làm cho trẻ em ngày càng có nhu cầu chuyển sang phương thức ghi chép hiệu quả để hiểu được lượng lớn thông tin.
Càng cần sự hiểu biết và ghi nhớ sâu sắc thì những ghi chú viết tay lại càng cần thiết và quan trọng, nó tồn tại theo thời gian.
Một số cách ghi chép đơn giản giúp chúng ta dễ nhớ hơn
Trong lĩnh vực báo chí, giảng dạy, kiến trúc, kỹ thuật, thời trang…viết lách là phương thức chính để hành nghề. Họ hiểu được lợi ích và tầm quan trọng của việc viết tay và phác thảo ý tưởng. Trong tình huống này máy tính không thể hỗ trợ tốt được. Bởi vì viết tay cho phép bạn ghi thông tin chi tiết, nguyên bản và dễ quan sát hơn.
Có nhiều cách viết khác nhau, trong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu đến độc giả hai phương pháp ghi chép đơn giản, khoa học và rất dễ nhớ dưới đây:
Ghi chép bằng tay qua mẫu Cornell:
Phương pháp Cornell do giáo sư Walter Pauk thuộc trường đại học Cornell phát minh. Đây là hình mẫu được sử dụng rộng rãi để ghi chép nội dung bài giảng. Việc sử dụng mẫu Cornell có thể giúp bạn trình bày một cách tích cực, sáng tạo, bạn có thể hiểu và thuộc ngay trong lúc viết. Nhờ thế nó cải thiện kỹ năng học tập, giúp bạn đạt kết quả tốt nhất.
Mẫu Cornell: Ghi chép bằng tay |
Trong trang giấy bạn chia làm 4 phần: Phần trên cùng là tiêu đề của buổi học. Phần lề phải dành nhiều diện tích nhất để bạn ghi chép nội dung chi tiết bài học. Phần lề trái nhỏ hơn để ghi: Ý chính của bài, những câu hỏi liên quan để làm rõ hơn nội dung bài giảng, hay ghi những khái niệm trong bài. Phần cuối cùng của trang là tóm tắt toàn bộ nội dung của bài học.
Phương pháp ghi nhớ thông qua bản đồ tư duy:
Bộ não ghi nhớ thông qua chụp hình ảnh. Nếu chúng ta ghi chép bằng chữ thì não sẽ phải qua một bước: Chuyển chữ thành hình ảnh rồi ghi nhớ chúng. Khi chúng ta sử dụng bản đồ tư duy là chúng ta vẽ hình ảnh và não sẽ nhớ hình ảnh luôn mà không cần bước chuyển trung gian (hình ảnh có giá trị tương đương cả nghìn từ và giúp ta sử dụng tốt trí tưởng tượng).
Cách ghi chép thông qua bản đồ tư duy: Ý chính sẽ ở trung tâm, ý càng quan trọng thì sẽ nằm vị trí càng gần với trung tâm. Nối các ý quan trọng với với trung tâm (các nhánh cấp 2, 3 làm rõ hơn các ý quan trọng). Khi nối các ý ta nên sử dụng những đường cong hơn là đường thẳng, giống như các nhánh cây có tổ chức, như vậy sẽ lôi cuốn và thu hút được sự chú ý của mắt hơn.
Hình ảnh minh họa Bản đồ tư duy |
Bạn nên sử dụng màu sắc vì màu sắc kích thích não như đối với hình ảnh. Màu sắc mang đến cho bản đồ tư duy những rung động cộng hưởng, đem lại sức sống, năng lượng sáng tạo vô tận.
Bản đồ tư duy là công cụ hữu ích giúp ghi nhớ nhanh, thuộc bài ngay tại lớp, quan trọng là giúp việc ghi chép đột phá, tiết kiệm thời gian. Mọi thông tin chỉ thể hiện trên một trang giấy, cho ta bức tranh toàn cảnh lượng kiến thức của môn học.
Tony Buzan – cha đẻ của Bản đồ tư duy khuyên bạn ghi ra tất cả ý tưởng dù là ngẫu nhiên, điên rồ hay ngớ ngẩn. Chính những ý tưởng này sẽ kích hoạt tiềm năng sáng tạo vô tận bên trong mỗi người.