Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Bến Tre) bị một tai nạn năm 5 tuổi. Kể từ đó em phải dùng nạng đi lại. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, cô bé ngày nào giờ đã thành sinh viên năm nhất trường đại học Tôn Đức Thắng. Dù mất đi một chân, nhưng lòng quyết tâm đã giúp em bước đi mạnh mẽ trong cuộc đời.
Tóm tắt nội dung
Vì sao Nhung phải đi lại bằng nạng gỗ?
Nói về hoàn cảnh của mình, Cẩm Nhung chia sẻ với Dân trí: “Em sinh ra và lớn lên tại Bến Tre. Năm lên 5 tuổi, trong một lần vui chơi cùng người thân, em đã bị trượt chân ngã do đường trơn bởi trời mưa. Em bị gãy xương bên chân phải”.
Sau đó, Nhung phải nằm điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau. Những tưởng chân đã khỏi, em được xuất viện về nhà đi lại bình thường. Nhưng không may một thời gian sau, chỗ xương gãy tiến triển xấu đi. Bác sĩ nói rằng xương chân của Nhung có vấn đề không tốt phải tháo khớp ngay, nếu không sẽ hoại tử cả chân.
Từ đó, Nhung phải đi lại bằng nạng. Chiếc nạng gỗ trở thành người bạn cùng em đi qua năm tháng khó khăn để trưởng thành.
Động lực nào giúp em vượt qua khó khăn?
Đối với em, khó khăn lớn nhất chính là không thể tự đi bộ xa được và phải mang vác đồ nặng. Nhờ có gia đình em mới có thể nuôi dưỡng ước mơ học tập. Hàng ngày, bố mẹ chở em trên chiếc xe đạp cũ đến trường.
Em nói rằng ông bà và bố mẹ là động lực lớn nhất giúp em vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách. Gia đình đã luôn bên em, động viên em học hành. Bạn bè và thầy cô cũng giúp đỡ em rất nhiều. Vì thế em tự nhủ với mình phải cố gắng để không phụ lòng nhiều người đã yêu thương em.
Cứ như thế, năm tháng trôi qua, cô bé ngày nào giờ đã thành sinh viên năm nhất trường đại học Tôn Đức Thắng.
“Không có gì là khó cả, chỉ cần đủ quyết tâm”
Nhung học khoa Mỹ thuật công nghiệp của trường đại học Tôn Đức Thắng. Vì sao em chọn ngành này?
“Lúc nhỏ em hay nghịch vẽ và cũng thích vẽ. Những lí do khác khiến em chọn ngành học là thích hợp với em, thuận tiện trong việc đi lại. Và em mong muốn được làm việc trong môi trường văn phòng sau khi tốt nghiệp. Nhưng theo học rồi em hiểu được rằng, khi vẽ dường như em quên đi những điều không trọn vẹn về mặt thể xác; để thỏa sức sáng tạo trong thế giới đầy sắc màu”.
Nhắc đến năm đầu tiên học xa nhà, Nhung kể rằng lên đại học em quen biết những người bạn mới, mọi người đã giúp đỡ em. Em cũng được trải nghiệm cùng thầy cô và các bạn đến những nơi như Bảo tàng Mỹ thuật và Thảo Cầm Viên để nghiên cứu, học kí họa thực tế…Em cảm thấy mình may mắn vì luôn được quan tâm.
Cô sinh viên năm nhất cũng biết rằng, mọi thứ chỉ mới bắt đầu; nhưng em tin “Không có gì là khó cả, chỉ cần đủ quyết tâm, bản thân biết cố gắng; mang trong mình một niềm tin, sự vui vẻ thì khó khăn lớn cũng sẽ được giải quyết”.
Dù mất đi một chân, lòng quyết tâm đã dẫn em bước đi mạnh mẽ trong cuộc đời!
Ảnh chụp màn hình báo Dân trí
Xem thêm:
- Học bổng 1 tỷ đồng của cô bé nhặt ve chai nuôi gia đình
- Một cô gái trẻ đẹp làm việc nặng nhọc tại công trường xây dựng; động lực của cô ấy là gì?
- Dàn nhạc những người phụ nữ mù đầy cảm hứng của Ai Cập