Tháng 6 hàng năm là thời điểm nóng nhất của khu vực phía Bắc. Nhiệt độ ở một số nơi chạm ngưỡng 40 độ C. Để giúp cơ thể chống chọi với cái nóng, bạn có nhiều lựa chọn về thực phẩm để giảm nhiệt. Thạch đen là một trong những thức ăn có tác dụng giúp cơ thể bổ sung năng lượng; thanh nhiệt và còn ngon miệng nữa.
Thạch đen hay còn gọi là thạch sương sáo, là một thức quà yêu thích của nhiều người. Nó được bán ở các chợ vùng quê, cho đến những siêu thị ở các thành phố lớn. Bạn có thể tự chế biến hoặc mua sản phẩm đã chế biến sẵn. Thạch đen có tính mát, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp…
Tóm tắt nội dung
Cây sương sáo, nguyên liệu để chế biến thạch đen
Cây sương sáo còn được biết đến với cái tên gọi khác như cây thạch đen, cây thủy cẩm. Sương sáo là nguyên liệu làm ra thạch đen; là loại thức ăn khá quen thuộc với tất cả mọi người bởi tác dụng làm mát cơ thể. Thạch đen dễ nấu và làm thức uống giải nhiệt mùa hè; bên cạnh đó còn hỗ trợ chữa trị bệnh như một loài thảo dược.
Cây sương sáo là một loại cây dây leo, thân thảo; nó cao khoảng 40cm đến 60cm. Cây không phân nhánh nhiều, lá sương sáo nhìn như trà xanh. Lá sương sáo mọc đối xứng với nhau tương đối dày, có hình dạng như hình trứng và bên ngoài lá có răng cưa, cuống lá có chiều dài 1 đến 2cm.
Trên phần ngọn cây có những chùm hoa có cuống khá dài và nó thường nở hoa vào các mùa thu, đông. Quả sương sáo hơi nhẵn và khá thuôn có chiều dài khoảng 0,07mm.
Những vùng trồng cây sương sáo, nguyên liệu làm thạch đen nổi tiếng
Trên thị trường có nhiều loại thạch đen; nhưng ngon và nổi tiếng vẫn là thạch được làm từ cây sương sáo được trồng ở vùng Thạch An – Cao Bằng; và Tràng Định – Lạng Sơn. Vùng đất được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng lại phù hợp sự phát triển của cây sương sáo.
Với gần 100 ha chuyên canh cây sương sáo, xã Đức Thông là địa phương có diện tích trồng loại cây này lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Tại Lạng Sơn, huyện biên giới Tràng Định là nơi có diện tích trồng cây sương sáo nhiều; đó cũng là cây trồng truyền thống của người dân trong huyện. Với diện tích trồng hàng năm luôn được duy trì ổn định từ 1.300 – 2.000 ha.
Cây sương sáo ưa ánh sáng và đất ẩm, nhưng là nơi thoát nước tốt. Chính vì thế người dân hay trồng ở sườn đồi dốc nhẹ, đất ven suối loại đất pha cát. Nó thường được trồng trên đất trồng ngô, lúa đã bỏ hoang khoảng 2,3 năm. Nếu chăm bón tốt thu được 2 vụ trong một năm; vào khoảng tháng 6 và tháng 10 khi cây chuẩn bị ra hoa.
Cây sương sáo cũng được trồng rải rác khắp nơi trên cả nước. Khu vực miền Nam cây sương sáo được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.
Cách chế biến thạch đen
Chế biến thạch đen từ lá sương sáo có hai cách là chế biến tươi và khô. Mucnews sẽ vào bếp cùng bạn thực hiện:
Cách nấu lá sương sáo tươi
Chuẩn bị:
1kg lá sương sáo tươi với 10 lít nước lọc.
Cách nấu:
Hái những lá tươi, mang đi rửa sạch và nấu với 8 lít nước. Thạch đen sẽ ngon hơn khi cho vào 2 thìa canh nước tro.
Đun cho đến khi nước sôi và có chất dịch nhầy thì tắt bếp lọc lấy nước. Cho 2 lít nước còn lại hòa với 2 thìa bột gạo hoặc bột sắn dây; rồi cho vào nước thạch đen đã lọc ở bên trên. Tất cả hỗn hợp này được đun nhỏ lửa tầm 2 tiếng là có thể dùng được.
Cách nấu lá sương sáo khô
Thông thường những vùng trồng nguyên liệu sương sáo sau khi thu hoạch xong; họ phơi khô và được chế biến thành dạng bột đóng trong các túi nhỏ. Khối lượng từ 10g đến 50g có hướng dẫn cách dùng chi tiết.
Chúng ta chỉ cần mua về và chế biến theo hướng dẫn; đơn giản, sạch sẽ mà lại chủ động được thời gian sử dụng. Thạch đen được ăn cùng với các món chè trong những ngày hè nóng nực, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Thị trường rộng mở cho thạch đen
Hiện nay thạch đen đã được định hướng xuất khẩu chính ngạch; mang lại cơ hội lớn cho bà con vùng trồng. Bên cạnh đó thị trường trong nước cũng là địa bàn tiêu thụ truyền thống và đang có sự tăng trưởng. Đó là động lực bền vững; để người dân trồng sương sáo đặc biệt là ở vùng núi biên cương yên tâm, gắn bó với loại cây nông nghiệp và cho hiệu quả kinh tế tốt.
Xem thêm: