9 bài giảng của Sư Phụ Lý Hồng Chí đối với học viên Pháp Luân Công (PLC) là cực kỳ quan trọng, là Pháp lý của vũ trụ được triển hiện bằng ngôn ngữ bề mặt nhất.
Chị Bảo Ngọc – một học viên lâu năm ở Hà Nội cho biết: “Mặc dù các bài giảng có thể tải miễn phí cùng các video, audio tại trang chủ: vi.falundafa.org nhưng nhiều người vì nhiệt tình cộng thiếu hiểu biết vẫn cắt ghép đăng tải trên youtube. Điều này là không đúng; những video này mọi người cũng không nên học theo; vì không đảm bảo được chuẩn âm và năng lượng như bản gốc”.
Vậy mà những video đăng trên youtube này vẫn có tương tác tốt, với hàng chục ngàn lượt truy cập!
- 9 Bài Giảng Của Sư Phụ Lý Hồng Chí Về Pháp Luân Công.doc .pdf Tải xuống miễn phí!
- Đây là trang chủ để tải 9 bài giảng Pháp Luân Đại Pháp của Sư Phụ Lý Hồng Chí dưới dạng MP3.
Tóm tắt nội dung
Phỏng vấn học viên PLC về 9 bài giảng của Sư Phụ Lý Hồng Chí
Đối với các học viên PLC cuốn Chuyển Pháp Luân (CPL) là một cuốn sách vô giá. Họ chia sẻ những trải nghiệm của mình đượm đam mê và đầy tự hào!
Bài giảng thứ nhất
Đây là bài giảng đầu tiên trong 9 bài giảng trong cuốn CPL. Đã có rất nhiều người chia sẻ rằng, chỉ mới bắt đầu đọc bài giảng thứ nhất thôi thì bản thân họ đã có nhiều thay đổi về nhân sinh quan.
Anh Nguyễn Hân làm kinh doanh ở Thái Nguyên – tu luyện PLC đã nhiều năm chia sẻ: “Khi đọc mục: “Chân – Thiện – Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu” trong bài giảng thứ nhất, mình đã rất chấn động. Công việc của mình là kinh doanh; nên mình lại càng cần phải thực hành theo 3 chữ Chân – Thiện – Nhẫn này hơn”.
Anh Hân cũng nói thêm rằng: nếu mọi người đều học Pháp này và hành xử theo Chân -Thiện- Nhẫn thì xã hội sẽ thay đổi; và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Anh cũng hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa biết đến Pháp.
Bài giảng thứ hai
Về những điều kỳ diệu trải nghiệm khi tu luyện PLC, bác Thùy Linh – giáo viên về hưu sống ở Bắc Ninh kể: Trước khi đến với Pháp môn bác cũng đã từng tu tập đủ thứ. Sau khi học PLC không lâu; trong một lần đọc Bài giảng thứ 2, Sư Phụ giảng phần khai thiên mục, thì bác cảm thấy như trước mắt mình có muôn vàn đốm sáng…
Trong quá trình tu luyện cùng với việc luôn nghiêm khắc yêu cầu bản thân hành xử theo các Pháp lý trong 9 bài giảng; một thời gian sau bác có thể thấy được sinh mệnh ở đằng sau rất nhiều đồ vật. Bác kể: Một lần chiếc nồi cơm điện nhà bác bị hỏng; ông chồng bác nói có lẽ cũng đã đến lúc cần phải thay nồi cơm điện rồi; và để chiếc nồi vào một góc chờ đem bỏ đi.
Đến giờ nấu cơm trưa bác xuống bếp, thì nghe thấy tiếng nỉ non ở trong góc bếp. Nhìn về phía đó thì thấy cái nồi cơm điện cũ đang khóc lóc, than thân trách phận. Bác ngạc nhiên sững sờ: “ôi trời! mình có nhìn nhầm không đây? Sao mình lại có thể nghe được cái nồi cơm khóc nhỉ?”
Rồi bác chợt nhớ tới bài giảng thứ hai trong cuốn CPL. Thì ra đây chính là những công năng mà Sư Phụ Lý Hồng Chí đã nói đến trong bài giảng. Bác vô cùng chấn động và thực sự tin những gì Sư Phụ giảng đều là sự thật.
Bài giảng thứ ba
Chị Thúy Vân – người Quy Nhơn chia sẻ: Mình từ nhỏ đã đã mồ côi cha mẹ ở với bà. Sau này lớn lên mình cũng nỗ lực phấn đấu rồi cũng có công ăn việc làm ổn định. Nhưng trong chuyện tình duyên thì lại trắc trở muôn phần. Nhiều lúc mình cũng ao ước có một cuộc sống hạnh phúc như bao người phụ nữ khác. Cái cảm giác cô đơn luôn bao vây lấy mình.
Nhưng kể từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (PLC) tư tưởng của mình đã thay đổi rất nhiều. Mình nhớ, lần đầu tiên khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân; đọc đến phần “Tôi đối xử với các học viên đều như đệ tử” ở trong bài giảng thứ ba; trong lòng mình đã trào dâng một cảm giác vô cùng hạnh phúc.
Kể từ đó, mình không còn cảm thấy cô đơn buồn chán nữa; mà thay vào đó là một cảm giác ấm áp như có sự chở che của một người cha – một tình cảm thiêng liêng mà mình đã từng thiếu thốn. Mình đã bật khóc vì xúc động.
Sư Phụ tốt quá, Người cho mình Pháp tốt như vậy mà không đòi hỏi sự báo đáp. Đắc được Pháp này với mình thật là may mắn và hạnh phúc. Mình sẽ cố gắng tu luyện thật tốt để không phụ tấm lòng của Sư Phụ.
Bài giảng thứ tư
Có nhiều người nói rằng lần đầu tiên đọc cuốn sách CPL của Sư Phụ Lý Hồng Chí; đọc đến bài 4 đã cho họ một cách nhìn nhận đặc biệt sâu sắc về cách ứng xử trong cuộc sống.
Anh Văn Tiến – dân miền Tây chia sẻ một cách rất dung dị: Mèng ơi, mình ham vui, hơi vô trách nhiệm với vợ con (cười). Suốt ngày lo nhậu nhẹt rồi khi say xỉn về quậy tưng hết cả lên. Vợ con mình nhiều phen bị mình làm cho phát sợ lên đấy.
Ấy thế mà kể từ khi mình bước vào tu luyện mình đã hoàn toàn thay đổi. Đặc biệt là ở bài giảng thứ tư, Sư Phụ có giảng về “mất và được” và quá trình “chuyển hóa nghiệp lực”. Khi đọc mình giật mình tỉnh ngộ, từ đó về sau không còn rượu chè say xỉn; cũng không còn to tiếng nạt đánh vợ con nữa.
Nhiều lúc làm không vừa ý cô ấy cái gì thì cô ấy mắng mình, thì mình cũng chỉ im im không cãi lại (cười). Văn Tiến tâm sự – Tu Đại Pháp giúp mình biết nhẫn nhịn và nghĩ cho người khác nhiều hơn.
Bài giảng thứ năm
Ở bài giảng này Sư Phụ Lý Hồng Chí có giảng về mục “Tính mệnh song tu”; có rất nhiều học viên đã chứng thực được sự kỳ diệu khi tu luyện Đại Pháp.
Bà Ngân (78 tuổi) ở Bắc Giang tâm sự: Bà biết đến môn này là nhờ cô em dâu vào khoảng 5 năm trước; lúc đó bà có tuổi nên thân thể yếu và da dẻ rất xấu. Nhưng kể từ khi bà tu luyện, bà thường xuyên luyện 5 bài Công Pháp cũng như luôn hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn mà Sư phụ dạy trong cuộc sống hàng ngày.
Sư Phụ đã dạy đây là công pháp “tính mệnh song tu” nên sẽ giúp cho thân thể trẻ trung, khỏe mạnh. Sau thời gian tu luyện khoảng 2 năm thôi; mà bạn bè, người thân đều ngạc nhiên thấy bà trẻ hơn và khỏe hơn xưa rất nhiều. Nếu là người lần đầu mới gặp bà, thì họ còn hỏi “bác đã đến 60 tuổi chưa” (cười)! Tu luyện Đại Pháp thật tuyệt vời mọi người ạ!
Bài giảng thứ sáu
Trong bài 6, Sư Phụ Lý Hồng Chí có giảng người tu luyện Đại Pháp thì “Tâm nhất định phải chính”; về phần này những học viên PLC đều có những trải nghiệm thực tế.
Ông Thanh Bình (71 tuổi) ở Tuyên Quang chia sẻ: Bà nhà ông trước bị nhiều bênh mãn tính; mặc dù bà là bác sĩ nhưng cũng không sao trị khỏi bệnh. Sau đó, được một bà bạn đồng nghiệp giới thiệu vào tu luyện, sau một thời gian ngắn mà bệnh tật bà tiêu hết. Khi thấy bà cải biến cả về sức và tâm tính thì ông cũng bước vào tu luyện; và được hưởng lợi ích rất nhiều về sức khỏe, bỏ được cái nóng tính gia trưởng.
Ông kể thêm: bà nhà ông tu được hơn một năm thì không còn bệnh tật gì nữa; thế nhưng sau đó có môt lần đang nấu cơm, thì bỗng bà lại bị hiện tượng bệnh ngày xưa (tiền đình). Lúc đó, bà lo lắng định lấy thuốc uống; thì ông liền nhớ trong bài 6 Sư Phụ có giảng là “tâm nhất định phải chính”, thử xem mình có tin lời Sư phụ dạy không. Ông nói với bà: “giờ bà mà uống thuốc thì vậy là bà không tin Sư Phụ đang giúp bà tiêu nghiệp rồi”.
Bà Thuận ( 67 tuổi – vợ ông Bình ) cười, nói thêm: Thật ra lúc đó bà bị trạng thái giống mắc bệnh ngày trước cũng hơi lo lắng. Nhưng nghe ông nhắc nhở cần tín Sư tín Pháp; nên bà không lo lắng nữa, thành tâm nhẩm niệm 9 chữ chân ngôn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo Chân-Thiện-Nhẫn hảo. Thật kỳ diệu, sau khoảng 15 phút thì không còn hiện tượng đó nữa.
Bài giảng thứ bảy
Nhiều học viên – đặc biệt là các học viên trẻ tuổi chia sẻ khi đọc đến bài 7; đã giúp họ thay đổi về lối sống cũng như bỏ được nhiều tâm tính không tốt.
Hiền Nga (36 tuổi) ở Lạng Sơn tâm sự: Mình là giáo viên cấp 3, trước thời sinh viên mình từng là bí thư Đoàn; nên cái tâm tranh đấu, hiếu thắng, tật đố của mình rất mạnh. Mình luôn muốn mình ở vị trí nhất, kém người khác là mình thấy vô cùng khó chịu. Sau này ra trường công tác mình vẫn luôn có suy nghĩ như vậy. Nên trong cuộc sống nhiều lúc rất mệt mỏi.
May mắn cho mình, cách đây hơn 1 năm một phụ huynh lớp mình chủ nhiệm; đã tặng mình cuốn sách CPL. Lần đầu tiên khi mình đọc các bài giảng của cuốn sách; đặc biệt là Bài giảng thứ bảy, phần “Tâm tật đố” khiến mình chấn động quá lớn.
Mình chợt bừng tỉnh nhận ra, chính cái tâm tật đố này; đã khiến mình luôn cảm thấy bất mãn, khó chịu với người khác. Và nó khiến mình chưa bao giờ biết và cảm nhận được thế nào là bình yên.
Ôi! Thật là quá may mắn cho mình khi biết đến môn này. Kể từ đó đến nay, mình đã từ bỏ cái tâm xấu xa này; cố gắng hoàn thiện bản thân chiểu theo Pháp để có thể truyền tải điều tốt đẹp nhất mình học từ Đại Pháp cho học trò của mình.
Bài giảng thứ tám
Phần cuối bài 8, Sư Phụ Lý Hồng Chí có giảng về “tu khẩu”. Về vấn đề này, có rất nhiều chia sẻ của các học viên.
Cô Lan 45 tuổi làm kế toán ở Thanh Hóa chia sẻ: Ngày trước khi chưa tu luyện Pháp Luân Công, mình là người rất nóng tính. Khi khách hàng hay đồng nghiệp làm mình không vừa lòng là mình liền nói những lời rất khó nghe. Đôi khi còn khiến họ mất mặt (dẫn đến có nhiều hợp đồng bị đối tác từ chối).
Sau này, khi tình cờ xem trên mạng thấy bảo tốt mình tự tìm hiểu, tự học… Mình đã vô cùng xúc động về những gì Sư Phụ dạy trong sách. Đặc biệt đọc phần “Tu khẩu” ở bài 8 đã khiến mình giật mình tỉnh ngộ.
Không ngờ trước đây mình đã làm tổn thương quá nhiều người bằng lời nói vô tâm; và cũng tự hủy hoại bao phúc đức của mình vì không biết “tu khẩu”. Giờ mình đọc 9 bài giảng hàng ngày để thay đổi tâm tính. Khách hàng và đồng nghiệp của mình đều ngạc nhiên về sự thay đổi của mình. Họ không còn gọi mình là Lan “chằn tinh” nữa rồi (cười).
Bài giảng thứ chín
Thanh Hải 25 tuổi (miền Nam) chia sẻ: Mình mới ra trường được 2 năm, cũng vừa mới ổn định công việc. Mẹ mình (60 tuổi) tu Pháp Luân Công đã được gần 7 năm. Mình thấy mẹ thay đổi rất nhiều kể từ khi tu luyện. Mẹ không những khỏe mạnh mà tâm tính lúc nào cũng ôn hòa, nhẫn nhịn.
Khi còn ở nhà mẹ thường đọc các bài giảng trong cuốn CPL cho mình nghe. Khi nghe phần “Tâm đại nhẫn” trong bài giảng thứ chín mình thấy rất ấn tượng. Mẹ cũng luôn khuyên mình hãy học Pháp và thực hành theo lời Sư Phụ dạy.
Giờ mình đã đi làm va chạm với nhiều vấn đề; mình lại càng hiểu cần phải có Pháp trong tâm. Nhiều lúc công việc áp lực khiến mình muốn “bùng nổ”; nhưng hình ảnh vị tướng quân Hàn Tín chịu nhục chui háng; được giảng trong phần “Tâm đại nhẫn” của bài 9 trong cuốn CPL lại khiến mình tỉnh ngộ.
Mình thấy Pháp này tốt lắm. Mình hy vọng sẽ có nhiều người – đặc biệt là các bạn trẻ như mình có cơ duyên may mắn đọc được cuốn sách quý giá này.
Trong quá trình làm tin nhóm phóng viên chúng tôi đã “đau đầu” khi nhận được những thông tin hoàn toàn tương phản với những tuyên truyền một chiều của các kênh thân Trung Quốc nhan nhản trên internet…
Chia sẻ từ những trải nghiệm thực tế của các học viên PLC về 9 bài giảng của Sư Phụ Lý Hồng Chí gợi mở cho chúng ta một cái nhìn rất khác về Pháp môn này!