Nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo trước bờ vực thảm họa, theo Business Insider. Điều đó khả năng sẽ có tác động trên phạm vi toàn cầu.
Bài báo cho biết, trong nhiều thập niên, Trung Quốc dựa vào nguồn lao động giá rẻ và nguồn vốn do các ngân hàng quốc doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ đổ tiền vào các dự án phát triển chung cư khổng lồ, nhà máy, cầu đường và các dự án khác. Tuy nhiên, phần lớn người dân Trung Quốc thiếu thu nhập cần thiết để tiêu dùng.
Hậu quả là, Bắc Kinh bị mắc kẹt trong một hệ thống là “xây dựng quá nhiều” và “nợ nần quá nhiều”. Thị trường bất động sản bùng nổ trong khi hoạt động cho vay quá dễ dãi, dẫn đến nạn đầu cơ bất động sản trở nên phổ biến.
Trong khi chính quyền Trung Quốc đang cố gắng cứu vãn bong bóng bất động sản khỏi bị đổ vỡ, thì họ phải bước vào giai đoạn giảm tốc độ tăng trưởng và “thắt lưng buộc bụng”.
Vấn đề còn tồi tệ hơn khi Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng và những người trong độ tuổi lao động đang già đi.
Trước những vấn đề này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định đóng cửa thay vì mở cửa nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. ĐCSTQ can thiệp một cách cực đoan khiến ngành công nghiệp tư nhân bị giết chết. Nó sẽ khiến nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế của Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn nhiều, theo Business Insider.
Tóm tắt nội dung
Thị trường bất động sản sụp đổ
Bắc Kinh đã đưa ra thước đo tín dụng mới được gọi là ba “lằn ranh đỏ”. Nó yêu cầu nhà phát triển bất động sản phải giữ nhiều tiền mặt hơn để họ có thể trang trải các khoản nợ. Evergrande không thể huy động đủ tiền nên đang bên bờ vực phá sản. Đầu tháng 10, Fantasia Holdings, một nhà phát triển bất động sản cao cấp, đã vỡ nợ với khoản thanh toán trái phiếu trị giá 206 triệu USD.
Các nhà đầu tư trên khắp thế giới vẫn chưa biết khi nào chính phủ Trung Quốc sẽ cho ngừng cuộc “đổ máu” trên thị trường bất động sản. Họ cần tin rằng chính phủ Trung Quốc có thể tìm ra cách tái cơ cấu các nhà phát triển bất động sản mà không gây ra sự sụp đổ bất ngờ cho lĩnh vực này.
Người tiêu dùng cần có niềm tin rằng việc mua nhà bằng tiền mặt trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng là một động thái thông minh, với kỳ vọng rằng giá trị bất động sản sẽ tiếp tục tăng. Điều đó có thể kích hoạt giá trị bất động sản lao dốc và khiến các ngân hàng Trung Quốc và cả thế giới (các nhà đầu tư ôm nợ) lâm vào cảnh hỗn loạn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đột ngột
Năm 2021 giá điện đã tăng hơn gấp đôi do ngành công nghiệp ngừng hoạt động do đại dịch và nhu cầu hàng hóa tăng vọt. Các kho dự trữ than trong nước của Trung Quốc đã giảm do làn sóng đóng cửa mỏ trước đó của chính phủ.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu than từ Úc (để trả đũa việc Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của Covid-19).
Các nhà máy ở 20/30 tỉnh của Trung Quốc đã bị mất điện. Các công ty Tesla và Apple cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của họ.
Business Insider cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Nếu ông Tập đang bắt đầu một cuộc giành giật quyền lực, sẽ rất khó để chiến thắng mà không có điện”, bài báo viết.
Suy thoái Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu
Trung Quốc không có lựa chọn thực sự nào ngoài việc tăng trưởng chậm lại, theo Business Insider. Nó như một cái “hãm phanh” đối với nền kinh tế toàn cầu và làm suy giảm các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Suy thoái của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước láng giềng châu Á – Hàn Quốc và Đài Loan; và các nhà cung cấp năng lượng, hàng hóa như Nga và Na Uy.
Toàn thế giới sẽ cảm nhận được ảnh hưởng từ sự suy thoái của Trung Quốc. Hơn nữa, hậu quả kinh tế gần như chắc chắn sẽ đi kèm với biến động xã hội.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đại đã đầy rẫy những mâu thuẫn. Nó kết hợp quản lý xã hội chủ nghĩa với một khu vực tư nhân năng động. Nó đã tạo ra một bong bóng nợ lớn không thể nổ. Nếu điều đó xảy ra, rất có thể nó sẽ dấn tới sự sụp đổ của trật tự kinh tế toàn cầu; và cũng có nguy cơ làm tan vỡ hòa bình toàn cầu, theo Business Insider.