Trong khi các minh tinh nghệ thuật đều im lặng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền Bắc Kinh để giữ gìn sự nghiệp; thì Hoàng Minh Chí (Wee Meng Chee) lại trở thành nghệ sĩ đầu tiên lội ngược dòng và có được thành công vượt trội.
Hoàng Minh Chí và 2 siêu phẩm nổi tiếng thế giới
Hoàng Minh Chí nổi tiếng trên toàn thế giới với nghệ danh Namewee. Anh là một nghệ sĩ thu âm, nhà soạn nhạc, nhà làm phim và diễn viên hip hop người Malaysia. Anh làm chủ kênh Youtube Namewee có tới 3,17 triệu người đăng ký.
Bài hát “Glass Heart” được Hoàng Minh Chí sáng tác nhằm chế nhạo giới chức cầm quyền Bắc Kinh. Đến nay bài hát đã có 30,8 triệu lượt view trên kênh Youtube của anh.
“Glass Heart”, do Hoàng Minh Chí và nữ ca sĩ người Úc Trần Phương Ngữ biểu diễn. Bài hát này đã trở thành siêu phẩm với sức lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng Internet. Nó không chỉ bứt phá ở vị trí thứ 14 trên Bảng xếp hạng hàng đầu thế giới của YouTube mà còn là bài hát tiếng Trung duy nhất được chọn. Ở các bảng xếp hạng Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia, bài hát này đều đứng vị trí thứ nhất. Ở Australia, nó bứt lên lên vị trí thứ hai.
Hoàng Minh Chí nói rằng anh không phải là một chính trị gia; và anh làm điều này không phải nhằm mục đích thu hút được số phiếu bầu cho các bảng xếp hạng. Ngược lại, anh có thể sẽ đánh mất tất cả những gì mà mình có vì những bài hát mà Bắc Kinh không thích.
Tuy nhiên, “khi chúng ta im lặng trước nắm đấm sắt, tức là chúng ta đang đồng loã và khích lệ nó. Một ngày nào đó, nắm đấm sắt sớm muộn gì cũng đập vào đầu chính chúng ta và không ai có thể thoát được…’’ , Hoàng Minh Chí chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình.
Chưa dừng lại ở đó, ca khúc tiếp theo của Hoàng Minh Chí là “The Wall” mới phát hành ngày 12/11, hiện đã vượt qua con số 4 triệu lượt xem. Ca khúc “The Wall” đã có sức hút không kém khi nó khiến cho người dân 2 bên bờ eo biển cảm động tới rơi lệ.
Trong video của ca khúc này, có những tình tiết ẩn dụ tinh tế và độc đáo, khiến cho người xem cảm thấy sự so sánh đặc sắc giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Ví dụ: Trong 33 giây, cậu bé miêu tả cảnh thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 với xe tăng, ngọn lửa trong cuốn sách. Ở 1 phút 30 giây, “giáo viên bên trong bức tường viết 240-15 = 125 trên bảng đen” lẽ ra là 225, ẩn dụ rằng giáo dục và tuyên truyền bên trong bức tường đầy dối trá.
Ở 3 phút 17 giây, những từ trong chiếc máy bay giấy mà cô gái chuyển cho chàng trai là những ký tự đơn giản, có nghĩa ẩn dụ rằng cô gái đến từ “bên trong bức tường”, tức là Trung Quốc đại lục. Và bức tường này chắc chắn là một ẩn dụ cho “Bức tường lửa vĩ đại”. Nó ngăn cách giữa một Đài Loan tự do và một Trung Quốc đại lục bị giam cầm trong bức tường.
Rất nhiều khán giả giải thích rằng chính bức tường này đã được nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng để che đậy sự dối trá của họ, điều này đã tạo ra một khoảng cách rất lớn và sự hiểu lầm lẫn nhau trong giao lưu giữa những người con ở hai bên eo biển.
Trung Quốc tìm mọi cách chặn sự lan toả của các ca khúc
Trong ca khúc “Glass Heart”, có rất nhiều yếu tố chế giễu các “Tiểu phấn hồng” tức các bình luận viên cực đoan của Trung Quốc và kiểu ngoại giao sói chiến của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Chẳng hạn như hàng loạt những vật dụng màu hồng làm gam màu chủ động trong video được sử dụng rất sắc nét và đầy sáng tạo. Vì vậy, bài hát này đã bị gỡ bỏ khỏi các ứng dụng âm nhạc của Trung Quốc. Tài khoản Weibo của Hoàng Minh Chí và Trần Phương Ngữ (Kimberley Chen) cũng bị khóa.
Hoàng Minh Chí cho biết hôm 15/11 rằng, anh ấy không hối tiếc vì đã viết một bài hát nhạo báng những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc và lọt vào danh sách đen của Bắc Kinh.
AFP đưa tin, Hoàng Minh Chí hôm 15/11 trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông nói rằng, mặc dù nhà cầm quyền Bắc Kinh ngăn chặn bài “Glass Heart”, nhưng đây là lần đầu tiên bài hát của anh trên YouTube vượt quá 30 triệu lượt xem.
Bài hát này xuất hiện dưới hình thức một bản tình ca ngọt ngào, thực chất là một lời chế giễu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Anh Hoàng Minh Chí nói với các phóng viên: “Đối với tôi, những sáng tạo tốt nên xuất phát từ trái tim, và chúng phải chân thành.”
Vì Bắc Kinh từ lâu đã đưa những người chỉ trích sự cai trị của nó vào danh sách đen. Vì vậy, các ca sĩ, ngôi sao điện ảnh và người nổi tiếng thường không dám chỉ trích ĐCSTQ một cách công khai. Bởi vì một sai lầm nhỏ có thể khiến thị trường tiếng Quan thoại lớn nhất thế giới từ chối họ. Ngoài ra, sự nghiệp của họ cũng có thể bị hủy hoại.
Tuy nhiên, khi nhà cầm quyền Bắc Kinh ngày càng trở nên kiêu ngạo trên vũ đài thế giới, Hoàng Minh Chí và Trần Phương Ngữ đã dám đưa các chủ đề cấm kỵ đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh. Điều này đã gây được tiếng vang với mọi người.
Trong bốn tuần qua, “Glass Heart” là video phổ biến nhất trên YouTube ở Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Malaysia, đồng thời cũng gây ra một làn sóng nhẹ trong cộng đồng người hâm mộ Hoa kiều ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.
Sau khi bài hát được phát hành, mạng xã hội của Trung Quốc đã xóa tài khoản của Hoàng Minh Chí và Trần Phương Ngữ trong vòng vài ngày. Trung Quốc cũng đã kiểm duyệt âm nhạc của họ, và các phương tiện truyền thông nhà nước cũng cáo buộc họ xúc phạm Trung Quốc.
Trung Quốc thường xóa các bài hát khỏi các dịch vụ phát nhạc trực tuyến trong nước mà nó cho là không chính xác về mặt chính trị.
Vào tháng 8, Bộ Văn hóa Trung Quốc cho biết họ sẽ thiết lập một danh sách đen các bài hát bị cấm có chứa “nội dung bất hợp pháp”, chẳng hạn như những bài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Cả Hoàng Minh Chí và Trần Phương Ngữ hiện đang sống ở Đài Loan. Trần Phương Ngữ, 27 tuổi, lớn lên ở Úc. Và để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc đại chúng, cô chuyển đến Đài Loan vào năm 2009.
Sau khi ĐCSTQ thu hồi tài khoản mạng xã hội của Phương Ngữ, cô đã chuyển thể lời bài hát của “Glass Heart” và hát nó như một lời đáp lại nhà cầm quyền Bắc Kinh. Mặc dù bị cấm khỏi Weibo, Phương Ngữ vui mừng thông báo cô vẫn có thể đăng nhập vào Facebook, Instagram và Youtube, những mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc đại lục.