Bắc Kinh đang sử dụng phương cách hăm dọa để yêu cầu Canberra không được coi Trung Quốc là kẻ thù; mà là cơ hội đối với Australia.
Một trong những lời hăm dọa gần đây nhất đến từ một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia, theo The Guardian ngày 20/11.
Quan chức này tuyên bố: Các bộ trưởng Trung Quốc sẽ không trả lời điện thoại của những người đồng cấp Úc; trừ khi Canberra ngừng coi Bắc Kinh là một mối đe dọa chiến lược.
Trung Quốc hối thúc Australia phải đưa ra quyết định về việc coi Bắc Kinh là “mối đe dọa” hay “cơ hội”. Bắc Kinh coi đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để nối lại các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng; vốn đã bị đóng băng từ đầu năm nay, theo The Guardian.
Tóm tắt nội dung
Trung Quốc tuyên bố: “Tất cả là tại Úc”
Một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc nói với The Guardian rằng chính phủ Australia phải “ngăn chặn sự tụt dốc của mối quan hệ song phương”; và tạo ra một bầu không khí tốt đẹp hơn cho các cuộc đàm phán.
Quan chức giấu tên đổ lỗi cho Canberra: “Tất nhiên các vị có thể nói rằng vấn đề là từ hai phía; nhưng các vị thấy đấy, vấn đề đều do phía Australia gây ra”.
“Vấn đề cốt lõi là chúng tôi cho rằng nên loại bỏ tâm lý chiến tranh lạnh; để coi Trung Quốc là cơ hội chứ không phải là mối đe dọa. Nếu không toàn bộ quỹ đạo sẽ bị trật bánh”.
“Vấn đề là do phía Úc gây ra”, quan chức Đại sứ quán Trung Quốc nói. “Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp; rằng Australia nên thay đổi quan điểm của mình về cách nhìn nhận đối với Trung Quốc, cũng như sự phát triển của Trung Quốc; liệu đây là cơ hội hay mối đe dọa – đó là vấn đề.”
Các cuộc đàm phán đóng băng
Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham, cho biết ông đã không thể liên lạc với người đồng cấp Trung Quốc trong nhiều tháng qua; để thảo luận về chính sách của Bắc Kinh nhắm vào hàng tỷ đô la hàng xuất khẩu của Úc.
Trung Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại với Australia; sau khi Canberra hối thúc tổ chức điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách xử lý Covid-19.
Chính quyền Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra là nhắm vào họ. Trong khi đó, Úc giải thích rằng cuộc điều tra là để rút kinh nghiệm; và chuẩn bị cho thế giới sẵn sàng ứng phó với đại dịch tiếp theo trong tương lai.
Những vấn đề khiến Trung Quốc nổi giận
Trong tuần này, Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra danh sách 14 lĩnh vực tranh chấp chủ yếu với Canberra; và gửi tới một số hãng tin Úc, như SMH, The Age, Nine News.
“Trung Quốc đang nổi giận. Nếu các vị coi Trung Quốc là kẻ thù; thì Trung Quốc sẽ là kẻ thù”, một quan chức Trung Quốc tuyên bố với phóng viên ở Canberra hôm 17/11, theo SMH.
Trong danh sách 14 vấn đề của Trung Quốc, có những bình luận công khai của Australia về nhân quyền; các vấn đề ở Hồng Kông, Đài Loan và Tân Cương. Đó là những vấn đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là “lợi ích cốt lõi” và đặc biệt nhạy cảm, theo The Guardian.
Danh sách này cũng bao gồm lời kêu gọi điều tra Covid-19; một loạt các quyết định chống lại các đề xuất đầu tư nước ngoài của Trung Quốc; và việc Úc ngăn chặn các công ty viễn thông Trung Quốc có “rủi ro cao” ra khỏi mạng 5G.
Một vấn đề khác khiến Trung Quốc nổi giận là việc Úc gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc; để bác bỏ đường lưỡi bò của Bắc Kinh ở Biển Đông. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ phủ nhận yêu sách của Trung Quốc vào tháng 7/2020.
Australia sẽ “là chính mình”
Theo The Guardian, Thủ tướng Morrison cho biết chính phủ của ông “luôn quan tâm đến mối quan hệ hợp tác hiệu quả; cởi mở; tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi” với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng những căng thẳng giữa hai nước dường như chỉ liên quan đến việc “Australia là chính mình”.
Ông Morrison cho biết chính phủ của ông luôn sẵn sàng họp mặt hay điện đàm với Trung Quốc; nhưng “không sẵn lòng chấp nhận một cuộc họp với điều kiện Úc phải thỏa hiệp và đánh đổi bất kỳ điều gì” trong danh sách các vấn đề bất bình của Trung Quốc.
The Guardian cho biết, trong tuần này, Australia tiếp tục lên tiếng về nhân quyền ở Trung Quốc; cùng với các đồng minh khác trong nhóm Ngũ Nhãn – Anh, Mỹ, New Zealand và Canada. Canberra bình luận rằng việc Trung Quốc loại bỏ các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông khả năng là “một phần của chiến dịch có tính toán nhằm bịt miệng mọi tiếng nói chỉ trích”.