Giá xăng tăng và từng đạt mức trên 30.000 đồng/lít (ron 95) và duy trì trong khoảng thời gian dài. Giá xăng tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tóm tắt nội dung
Thực trạng giá xăng tăng
Từ mốc xấp xỉ 15.000 đồng, giá xăng tăng vọt lên gấp đôi, nếu so sánh với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch thì gấp gần 3 lần. Trong khi thu nhập của người lao động không tăng khiến cuộc sống của họ không khỏi chao đảo.
Khi giá xăng dầu tăng kéo theo giá những mặt hàng khác cũng tăng. Nếu giá cả không sớm được bình ổn thì tình hình lạm phát sẽ diễn ra, gây ảnh hưởng xấu đến cả cuộc diện. Hầu hết người dân đều chịu tác động tiêu cực từ việc giá xăng tăng, tuy nhiên ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất là các ngành nghề thường xuyên sử dụng đến phương tiện di chuyển như xe khách, taxi, xe máy…
Những mảnh đời mưu sinh từ nghề vận tải, vận chuyển
Ngày 2/6, ông Đỗ Ngọc – thầy giáo dạy lái xe ô tô bày tỏ sự lo ngại trên đài truyền hình VTV6 về vấn đề giá xăng tăng quá cao. Ông cho biết: việc thu học phí của học viên không tăng mà giá xăng thì lại tăng, các thầy giáo phải chịu thiệt thòi.
Từ ngày 15/6 nhà nước có áp dụng quy định mới, tối thiểu đào tạo một học viên phải đi ít nhất 1.000 km, như vậy để hoàn thành được bằng lái ô tô thì chi phí lên tới vài chục triệu. Nếu tăng chi phí đào tạo thì không có người theo học, mà không có học viên thì trung tâm đào tạo không thể duy trì.
Các chủ xe chạy đường dài cũng rất trăn trở, vé khách không thể tăng cao, mà xe vẫn chạy trên cùng một quãng đường. Sau khi trừ đi tiền xăng dầu, họ cảm thấy rất áp lực khi cầm trên tay số tiền dư ít ỏi. Có lẽ bữa cơm của gia đình họ sẽ phải đạm bạc đi một chút.
Theo tính toán của nhiều tài xế xe ôm, một lần đổ đầy cho bình xe loại cơ bản là 50.000 đồng, hiện tại lên gần 80.000 đồng. Bên cạnh đó, cước vận chuyển tăng rất ít còn mức chiết khấu từ hãng lại không thay đổi khiến thu nhập thực tế của họ giảm nhiều. Đối với những tài xế sử dụng xe tay ga, mức thay đổi của tiền xăng và thu nhập còn đáng kể hơn nhiều.
“Nhiều khi khách ở những nơi chạy vòng vòng tìm chẳng ra, ngõ ngách nhưng đặt định vị ở ngoài đường chính. Đón một người chẳng tốn bao nhiêu xăng nhưng vài lần như vậy với giá xăng hiện nay thì quá tội anh em chúng tôi” – một bác tài ở Hà Nội chia sẻ.
Các shipper Hà nội cho biết, giá xăng tăng nhưng giá cước đơn giao hàng 4 giờ đang ở mức rất thấp với khoảng cách 10km chỉ chưa tới 30.000 đồng. Shipper phải chạy xuyên thành phố nhận hàng, rồi giao hàng tới 7 điểm nhưng tiền cước chẳng bù cho tiền xăng và công sức.
Người ta có thể chứng kiến cảnh bác xe ôm, anh taxi, người giao hàng tranh thủ ăn vội chiếc bánh mỳ bên lề đường để chờ khách. Việc đặt hàng online chủ yếu là thực phẩm (nước uống, thức ăn) nên quá trình vận chuyển phải nhanh chóng, thời gian trữ hàng không thể lâu. Nếu khách “bom” hàng thì ảnh hưởng rất lớn đến người giao. Họ phải bỏ tiền túi để trả trước cho cửa hàng, sau đó mới thu lại từ người mua. Khi bị “bùng” hàng, họ phải chịu mất trắng.
Nỗi lòng của người kinh doanh nhỏ và đặc biệt là người nông dân
Anh Hưng chủ một quán phở tại Thái Bình trăn trở: “Giá xăng tăng thêm hàng chục nghìn đồng, 1 bát phở có giá trung bình là 25.000 đồng, mình biết phải tính toán làm sao để đảm bảo chất lượng mỗi bát phở mà không phải tăng giá? Tăng thêm vài nghìn thì người ta không đến ăn nữa, mà giữ giá thì lời lãi chẳng đáng bao nhiêu cả”.
Một quán ăn bình dân không có kế toán, nhân viên nhiều khi cũng chính là ông chủ. Họ chỉ là người dân lao động bình thường và hơn hết khách hàng của họ đa phần là công nhân, thợ hồ, nguồn thu nhập vốn đã không cao. Nếu để tính toán thiệt hơn thì đây quả thực là một bài toán khó.
Tại các cửa hàng tạp hoá, giá các loại gia vị tăng lên rất cao. Một số loại dầu ăn tăng gần 20.000 đồng/lít, các loại gia vị khác như nước mắm, mì chính, tương ớt…cũng nhích từ vài ngàn đến hàng chục nghìn đồng cho một sản phẩm.
Tuy nhiên, trong khi giá thực phẩm tăng vọt thì giá lúa gạo lại ở mức thấp, chỉ từ 5.500 đồng/kg – 7.500 đồng/kg, so với năm 2021 thì không có nhiều thay đổi. Trong năm 2022, giá lân đạm, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, mà nguồn thu nhập chính của người nông dân là lúa và gạo thì giá cả vẫn dậm chân tại chỗ.
Một bác nông dân quê lúa tâm sự: “Tôi trông chờ vào mấy sào ruộng, nhưng đến ngày thu hoạch thì người ta thu mua với giá thấp, trong khi giá xăng, mắm, muối, mì, tiền học phí cho con…cứ ngày một đội lên. Nông dân chúng tôi chẳng biết rồi sẽ ra sao…”
“Rồi sẽ ra sao…?” – đây không chỉ là nỗi lòng của riêng bác nông dân. Có lẽ rất nhiều người trong nhiều ngành nghề họ cũng không biết phải xử lý như thế nào nếu tình trạng giá cả không được bình ổn trở lại.
Có thể bạn quan tâm: