Anh Kiều My (33 tuổi) hiện là nghiên cứu sinh ngành máy tính tại ĐH Florence (Ý). Tuy nhiên để đạt được thành công như hôm nay, anh đã phải trải qua chặng đường dài nỗ lực.

Tuổi thơ cực nhọc

Chia sẻ với PV Tuổi trẻ, anh My cho biết mình mồ côi cha từ nhỏ, nên 3 anh em phải phụ mẹ đi làm kiếm sống. Anh từng phải làm đủ công việc như đi rẫy, chăn bò, phụ mẹ bán bắp… cuộc sống rất khổ cực. Anh nhớ lại, mãi đến lớp 12 anh vẫn không có tiền ăn sáng, nên thường được bạn cho miếng kẹo cao su để nhai cho đỡ đói. 

Tốt nghiệp lớp 12, anh lại đi sửa máy photocopy, làm việc bốc vác, gọt mía… Sau đó anh kể: “Tôi quyết định ứng tuyển đi bộ đội để đỡ phần ăn, phần vì tính tình thẳng thắn nên nghĩ môi trường quân đội sẽ phù hợp với mình. Cân nặng chỉ có 44,5kg nên tôi phải năn nỉ lắm người ta mới nhận, cũng phần do tôi học khá”.

Lúc ở trong quân đội, anh đã ôn luyện liên tục để thi đại học. Sau đó, anh tranh thủ 10 ngày nghỉ phép của năm thứ hai đi lính để đi thi đại học. Ngày xuất ngũ, anh vừa nhận bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa đậu khoa toán – tin ở Đại học Sư phạm TP.HCM. Để có tiền đi học, anh dùng đến số tiền tích cóp được sau khi xuất ngũ và tiền dạy kèm. 

Con đường trở thành tiến sĩ

Anh Kiều My tốt nghiệp đại học loại giỏi. Theo lời kể của thầy Quốc Ngọc, giáo viên cũ của anh Kiều My, anh bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đại học với số điểm tuyệt đối 10/10.

Sau khi tốt nghiệp, anh My nhận được nhiều cơ hội làm việc nhưng anh đã chọn lời mời dạy ở Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM) thay vì ở các công ty với mức lương cao hơn. Anh kể các học sinh ở trường này quá… giỏi nên giáo viên cần có lượng kiến thức chuyên môn đồ sộ. Cũng nhờ công việc này mà anh có động lực tự học và trau dồi chuyên môn.

Ảnh chụp màn hình: Webtretho.

Sau này, anh tiếp tục học lên thạc sĩ. Với thành tích học tập xuất sắc, anh My đạt học bổng trao đổi nghiên cứu 3 tháng tại Viện Công nghệ Kyoto (Nhật Bản) và điểm luận văn thạc sĩ xuất sắc 9,3/10.

Tiến bước trên con đường học tập tri thức, anh My được biết AI (trí tuệ nhân tạo) là xu hướng tương lai nên đã nộp đơn xin học bổng nghiên cứu sinh tại Ý theo hướng này. Mặc dù lúc nộp đơn, anh không có bất kỳ nền tảng gì về AI nhưng anh Kiều My nói nói với giáo sư rằng, anh sẵn sàng nghiên cứu học hỏi điều mới. May mắn anh đã đỗ học bổng tại Ý và gặp được vị giáo sư thân thiện và nhiệt tình, trường mới lại có cơ sở vật chất rất tốt cho chuyên môn trên nên anh càng có mục tiêu theo đuổi mãnh liệt hơn. 

Nhớ lại con đường học thuật của mình, anh My cho biết công bố ý nghĩa nhất với anh là công trình đầu tay trong chương trình nghiên cứu sinh. Nhờ có công trình này mà anh được nhận giải thưởng Sinh viên có bài báo xuất sắc nhất hội nghị.

Anh cũng quan niệm, trong lĩnh vực nghiên cứu, học tập, có thể người Việt không có nền tảng, xuất phát điểm thuận lợi như những bạn bè quốc tế nhưng chúng ta vẫn có thể làm được và thậm chí tốt hơn họ nếu thật sự cố gắng.