Với 19 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở miền Tây sông nước, bà Trần Thị Kim Thia (bà Sáu Thia, 63 tuổi, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) vừa được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021

Theo Dân Việt, nếu so sánh với những người còn lại trong số 20 người phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021, bà Sáu Thia là người nghèo khó, không quyền lực, không học vấn cao. Tuy nhiên, những đóng góp thầm lặng của bà vô cùng có ý nghĩa với cộng đồng, nhờ có bà mà hàng nghìn đứa trẻ vùng sông nước biết bơi, không sợ bị đuối nước.

‘Tôi không buông được, còn rất nhiều trẻ chưa biết bơi’

Bà Sáu Thia chia sẻ với báo Dân Việt, được Tạp chí Forbes vinh danh, bà rất vui mừng. “Tôi mừng cho mình chỉ là một phần, cái mừng lớn nhất là việc tôi làm được nhiều người dân biết đến và mừng vì có nhiều trẻ được học bơi và biết bơi”, bà nói.

Hình ảnh thường nhật của bà Sáu Thi
Hình ảnh thường nhật của bà Sáu Thia (ảnh chụp màn hình video báo Dân Việt).

Bà bộc bạch, niềm vinh dự ấy cũng phần nào tiếp thêm cho bà động lực góp sức mình giúp cho nhiều trẻ em biết bơi. Bà sẽ cố gắng giúp đỡ các cháu đến chừng nào có thể. Còn về việc tìm “truyền nhân”, bà bảo, khi nào không cố được nữa, thì để UBND xã cử người dạy.

“Thời gian qua, tôi cũng đã đi nhiều nhà vận động chị em phụ nữ dạy bơi nhưng họ nói không có thời gian, còn vận động thanh niên thì họ đòi tiền, đòi lương mới chịu dạy. Cũng có người nói chỉ có tôi mới dạy được thôi”, bà Sáu Thi chia sẻ nỗi niềm.

‘Các cháu bơi được, nhà tôi thiếu ăn cũng không sao’

Trong câu chuyện, bà Sáu Thia kể, bà không phải người gốc Đồng Tháp. Bà sinh ra ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm, từ năm 34 tuổi, bà đến xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười sinh sống. Ở nơi đất khách, bà sống một mình, không có chồng cũng như không sinh con.

Để có chỗ ở, bà xin mượn đất cất căn chòi tạm. Thấy bà tính tình hiền lành, chịu khó nên được một người dân ở đây nhận làm con nuôi, cho đất cất nhà. Để mưu sinh, bà đi bán vé số, có lúc đi làm sạch hạt điều hoặc ai thuê gì làm đó kiếm vài trăm nghìn đồng sống qua ngày.

Cơ duyên với việc dạy bơi đến từ năm 2002, khi bà xem truyền hình đưa tin nhiều trường hợp trẻ em chết đuối. Thấy bản thân mình bơi giỏi mà không dạy trẻ, bà thấy không chịu được. Bà quyết định sẽ dạy bơi miễn phí, chỉ với hy vọng những đứa trẻ bà dạy đều bơi tốt, không gặp nạn sông nước.

Ban đầu, bà đi đến những gia đình có trẻ nhỏ xin giao con cho bà dạy. Sau đó, bà mở được 2 lớp (khoảng 7 trẻ/lớp). Khi đó, bao nhiêu cái khó kéo đến: Từ việc dạy thế nào, không tìm được vị ví thích hợp cho trẻ tập, gia đình phụ huynh không an tâm giao con vì nghĩ bà không có bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề như huấn luyện viên trên thành phố.

Cuối cùng bà cũng tìm được vị trí mé sông có nước sạch, rồi tự đóng cọc, giăng lưới xung quanh tạo thành khu vực nhỏ cho trẻ tập bơi. Trong những ngày đầu đi dạy bơi, tối về ngủ bà luôn trăn trở, cứ luôn suy nghĩ trong đầu câu hỏi rằng, không biết sáng mai trẻ có lại cho mình dạy không.

Rất may là chỉ sau vài ngày mở lớp dạy, nhiều trẻ em đã biết bơi, kể cả những đứa trẻ đi học ở đâu đó cả năm không biết bơi nhưng bà chỉ vài ngày là bơi được tốt. Do đó, phụ huynh rất mừng, yên tâm giao con cháu cho bà dạy bơi.

Bà Sáu hướng dẫn động tác khởi động trước một buổi tập bơi
Bà Sáu hướng dẫn động tác khởi động trước một buổi tập bơi (ảnh chụp màn hình báo Thanh Niên).

Từ năm thứ hai, thứ 3, công việc dạy trẻ bơi của bà  bắt đầu gặp nhiều thuận lợi, số trẻ đến đăng ký học ngày càng nhiều. Từ đó, bà cũng không còn bán vé số và làm sạch hạt điều cho người ta nữa.

“Thấy tôi không làm chuyện gì kiếm tiền, nhiều người nói tôi khùng, tôi ngu, bảo tôi lo bán vé số đi để nuôi thân, sao phải đi dạy bơi làm chi, đâu có tiền đâu”, bà kể.

Thế nhưng, bỏ ngoài tai những lời nói trên, bà chỉ muốn tiếp tục dạy trẻ bơi để thực hiện nguyện vọng của mình. Cũng nhờ chuyện dạy trẻ miễn phí này mà rất nhiều phụ huynh thường xuyên nấu cơm, làm đồ ăn ngon đem lại nhà cho, có người còn cho bà gạo, những thứ này bà nhận và cảm ơn.

Những gia đình có điều kiện từng cho bà tiền nhưng bà không lấy. Bà bảo, nếu bà nhận tiền thì những hộ nghèo, khó khăn ở địa phương sẽ không dám giao con cháu cho bà dạy bơi nữa. Vì vậy, không nhận tiền dạy bơi từ phụ huynh đã thành nguyên tắc của người phụ nữ này. Được cái chính quyền địa phương cũng phân công cán bộ đến đem đồ ăn, nước uống cho khi bà bệnh. Thỉnh thoảng, hỗ trợ bà vài trăm ngàn để bà có thể trang trải cuộc sống.

Thoát chết nhờ học bơi bà Sáu

19 năm làm “huấn luyện viên” không lương, đến nay, bà Sáu đã dạy bơi thành công cho chừng 4.000 đứa trẻ. Suốt gần 2 thập kỷ ấy, có những kỷ niệm về đám trẻ, nhắc lại bài Sáu thấy rất vui và xúc động.

Một kỷ niệm đáng nhớ về bé gái tên Gấm ở ấp 3, khi mới 6 tuổi đã học bơi từ bà. Có lần bé đang ngồi trên sàn nhà thì sàn sập, cháu Gấm té xuống sông. Do đã tập bơi nên Gấm không bị đuối nước; sau đó, bé tìm đến cảm ơn bà Sáu. “Cháu Gấm này nói câu làm tôi cảm động ‘không nhờ bà Sáu dạy con bơi là con chết rồi'”. Hiện nay, Gấm đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc ở TP. HCM, lâu lâu về vẫn ghé thăm bà Sáu.

Người phụ nữ cười bảo, bà rất vui mừng vì rất nhiều trẻ mà bà dạy tập bơi giờ đây đã lớn khôn, học hành đầy đủ. Khi thấy bà đều chào hỏi, hỏi thăm sức khoẻ. 

Trước đây, bà dạy trẻ từ 6 tuổi đến 15 tuổi, bây giờ bà có thể dạy trẻ từ 5 tuổi. Những trẻ học từ 5-7 ngày, tập bơi được 24m là có thể hoàn thành khóa học.

Kinh nghiệm dạy trẻ học bơi của bà là chỉ dạy tận tình từng tư thế sao cho không bị chìm. Trong quá trình tập, phải lưu ý, dạy hết từng trẻ, hiểu hết những gì trẻ tiếp thu và không tiếp thu, không dạy trẻ này mà bỏ trẻ kia.

Lời tri ân với ‘cô giáo’ dạy bơi

Nhắc đến bà Sáu Thia “cô giáo dạy bơi”, những người dân vùng Tháp Mười luôn kèm theo những lời cảm mến. Trong câu chuyện với báo VOV, bà Lê Thị Hà – người huyện Tháp Mười kể, nhà có 3 đứa cháu, trước đây lúc nào cũng lo gặp sông gặp nước nhỡ có bề gì. Từ khi được bà Sáu dạy, các cháu biết bơi nên gia đình yên tâm hẳn. Lại không chỉ vậy, sau buổi dạy, bà Sáu Thia còn nhiệt tình chở các nháu về đến tận nhà.

Em Trần Minh Tân kể, đã từng được cha dạy bơi nhưng dạy gần tháng cũng chưa bơi được. Vậy mà tham gia lớp bà Sáu Thia, mới học khoảng một tuần là em biết bơi. “Ba mẹ dạy khó bơi hơn bà Sáu, dạy lâu mà ngày nào cũng dạy, dạy kỹ từng động tác, xóm con có rất nhiều bạn như con học bơi bà Sáu. Con biết bơi rồi yên tâm hơn vì mỗi lần nước về con không sợ nước nữa”, Tân kể.