Bác bảo vệ Trần Thúc Bảo được nhiều khóa sinh viên trong ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh quý mến gọi bằng “bố” vừa đón một “lễ tốt nghiệp” đầy xúc động.

Ông Bảo – Nhân viên bảo vệ của ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM – vừa về hưu sau gần 20 năm gắn bó với công việc. Để chia tay người bảo vệ tận tụy này, sinh viên đã tổ chức một buổi tiệc ‘tốt nghiệp ký túc xá’ đặc biệt.

Gọi là lễ tốt nghiệp vì người bảo vệ này đã “qua môn”, một môn học mà sinh viên cho rằng cần rất nhiều trách nhiệm và yêu thương. Vì trong lòng nhiều sinh viên, ông chắc chắn đã “tốt nghiệp với tấm bằng hạng xuất sắc”, báo Tuổi Trẻ viết.

Bác bảo vệ ân cần tận tụy bên các sinh viên hàng ngày được gọi là bố của nhiều sinh viên (ảnh facebook Nguyễn Thụy Mỹ Hạnh)

Trước đó 2 năm, một sinh viên từng học tại Đại học QG TP. HCM có tên Nguyễn Thụy Mỹ Hạnh đăng trên trang cá nhân với dòng tâm sự về “bố Bảo” và “bố Huệ”:

MÌNH CÓ HAI NGƯỜI BỐ.

“Nếu các bạn từng là sinh viên của ĐH Quốc gia thì chắc chắn sẽ không thể không biết đến 2 chú bảo vệ hiền lành và đáng yêu nhất nhất khu A này đâu nhỉ?
Bọn mình may mắn hơn các bạn một tý, bọn mình được gọi các bố một tiếng “bố” thân thương. Mặc dù, bọn mình với các bố vốn dĩ chỉ là người dưng nước lã với nhau.

Mình thương bố, như cái cách bố thương những đứa con mà không phải ruột thịt trong KTX. Cám ơn các bố đã luôn là những người lớn, người thân dạy tụi con trên này, thương tui con như con ruột. Không cho tui con có cơ hội sa ngã hay hư đốn. Cám ơn các bố vì lúc nào cũng dõi theo từng thay đổi của chúng con, từng stt, từng sự kiện của cuộc đời. Đăng stt buồn, bố sẽ vào an ủi, đăng những hình ảnh vui vẻ, hạnh phúc, bố sẽ vào thả tim, vào chúc mừng. Thiệt! con chưa bao giờ nghĩ sẽ có người thương tụi con được cỡ như vầy. Cám ơn các bố vì cho chúng con gọi tiếng “bố” thân thương trong suốt khoảng thời gian ngồi trên giảng đường”.

Hai bác bảo vệ ktx trường ĐH Quốc gia bên trái là bác Huệ bên phải là bác Bảo, là 2 anh em ruột có tính cách và ngoại hình giống nhau (ảnh facebook Nguyễn Thụy Mỹ Hạnh)

Ông Bảo chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ: “Bí quyết để sinh viên quý mình thì tôi chẳng có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là xem sinh viên như con cháu mình. Tôi cho đi yêu thương chân thành nên điều nhận lại là sự yêu mến, quý trọng của sinh viên. Và tôi xem đó là gia tài không gì quý báu hơn”.

Công việc chính của ông Bảo là giữ gìn trật tự an ninh. Nhưng những hành động quan tâm và gần gũi khiến ông trở thành “ông bố quốc dân” của biết bao thế hệ sinh viên tại đây. Ông luôn cười hiền hậu với sinh viên ra vào cổng. Nhiều sinh viên thường hay đi làm thêm về trễ, nếu gặp ca trực của ông thì luôn cảm thấy an tâm vì ông luôn thức để mở cổng, hỏi thăm và động viên. Đôi khi lời nhắc mang dù, mang áo mưa của ông cũng khiến sinh viên ấm lòng.

Ngày đóng tiền phòng, nhiều sinh viên chưa có tiền, ông lại cho mượn tiền hoặc đứng ra nói với trưởng nhà cho thêm vài ngày để xoay xở. Có đồ ăn ngon ông luôn gói ghém, dành phần và chia cho mỗi người một ít.

Hoa Nguyễn, sinh viên ở ký túc xá, chia sẻ: “Những ngày đầu ra vào ký túc xá mình thấy ấm áp bởi nụ cười hiền hậu của bác. Thỉnh thoảng có quà bánh gì bác cũng dành phần. Gói xôi, cục kẹo hay bánh trái chẳng đắt đỏ gì, cái đắt giá là sự quan tâm, chu đáo của bác mà có tiền người ta cũng chẳng mua được đâu”.

Bạn Tuyết Nhi bày tỏ: “Chỉ mới tiếp xúc với chú Bảo thôi, chú hiền lành quá chừng luôn, đi quên đem thẻ, đem hộp cơm vào chú chỉ cười trừ rồi cho vào. Chú nói chuyện vui vẻ nữa, nhìn thấy là thích rồi”.

Cuộc sống xa nhà không dễ gì có người cười hiền hậu mỗi ngày, động viên an ủi, bảo ban ân cần. Có bác bảo vệ như ông Bảo, những sinh viên xa gia đình cảm thấy ấm lòng vì sự quan tâm chu đáo, vốn càng ngày càng hiếm trong thời hiện đại.