Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc tuyên truyền với người dân rằng Taliban là một đối tác thích hợp đối với Trung Quốc, theo Bloomberg hôm nay (20/8). Công chúng Trung Quốc phản ứng dữ dội, chất vấn vì sao chính quyền lại biện minh cho tổ chức khủng bố khét tiếng?

Taliban bị nhiều quốc gia xác định là tổ chức Hồi giáo cực đoan. Một phái đoàn Taliban đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 7. Vài tuần sau, Taliban bao vây thủ đô Kabul của Afghanistan.

Hôm 15/8, Tổng thống Ashraf Ghani tháo chạy, Taliban giành chính quyền tại Afghanistan.

Người Afghanistan sợ Taliban tới mức thà đu máy bay Mỹ rời khỏi đất nước còn hơn ở lại dưới chế độ khủng bố.

Bloomgberg cho biết chính quyền Trung Quốc đang cố gắng quảng bá hình ảnh đẹp về Taliban thông qua giới truyền thông và ngoại giao của nhà nước. Nội dung quảng bá là tuyên truyền cho người dân Trung Quốc nghĩ rằng Taliban là “sự lựa chọn của nhân dân” Afghanistan.

Giới chức Trung Quốc quảng bá cho Taliban

Báo Hoàn Cầu

Báo Hoàn Cầu thuộc kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ca ngợi chiến thắng của Taliban. Bài báo mô tả ngày Taliban tiến vào Kabul “là một ngày tươi sáng tại Afghanistan”.

Bộ Ngoại giao

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh dường như đã tiết chế thông điệp chính thức trong cuộc họp báo hôm 19/8. Bà Hoa mô tả Taliban hiện giờ có “đầu óc sáng suốt và lý trí hơn” so với thời kỳ đầu nắm quyền 20 năm trước.

Bà Hoa nói: “Một số người nhấn mạnh sự không tin tưởng của họ đối với Taliban tại Afghanistan. Chúng tôi muốn nói rằng không có gì là mãi mãi bất biến. Chúng ta cần nhìn thấy quá khứ và hiện tại. Chúng ta cần lắng nghe lời nói và quan sát hành động”.

Nhân dân Nhật báo

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một đoạn video lịch sử về Taliban mà không đề cập đến các mối liên hệ của Taliban với chủ nghĩa khủng bố.

Đoạn clip dài 60 giây nói rằng Taliban được thành lập trong cuộc nội chiến ở Afghanistan; do các “sinh viên trong các trại tị nạn” thành lập; và nhận được sự “hỗ trợ từ người nghèo”.

Video của Nhân dân Nhật báo nói thêm rằng Taliban “đã tham gia cuộc chiến chống Mỹ trong 20 năm kể từ sự kiện 9/11”; tức vụ khủng bố do Bin Laden chủ mưu làm khoảng 3.000 người ở Mỹ thiệt mạng.

Taliban từng nắm quyền điều hành đất nước Afghanistan từ năm 1996-2001. Chế độ này chấm dứt sau khi Taliban không giao nộp trùm khủng bố Bin Laden cho Mỹ, khiến Mỹ triển khai quân đội vào Afghanistan vào tháng 10 năm 2001.

Cư dân mạng phản đối tuyên truyền cho Taliban

Theo Bloomberg, video của Nhân dân Nhật báo đã thu hút phản đối dữ dội từ người dùng Wechat. Họ chất vấn tại sao tờ báo của ĐCSTQ đang cố gắng minh oan cho Taliban.

Một số người đề cập đến quá khứ bạo lực của Taliban; như chặt đầu người trên đường phố, phá hủy tượng Phật Bamiyan nổi tiếng; cấm phụ nữ làm việc và học tập. Sau đó Nhân dân Nhật báo đã phải gỡ bỏ video này.

Bức tượng Phật Bamiyan bị Taliban phá hủy (ảnh: Twitter).
Bức tượng Phật Bamiyan bị Taliban phá hủy (ảnh: NBC News).

Cư dân mạng cũng chất vấn tại sao Bộ Ngoại giao nói rằng Trung Quốc tôn trọng “ý chí và sự lựa chọn của người dân Afghanistan”.

Một bài đăng trên blog WeChat “Philosophia” viết: “Taliban có phải là sự lựa chọn của người Afghanistan không?”. Bài viết này có hơn 100.000 lượt đọc và được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng truyền thông xã hội. Sau đó, bài viết đã bị kiểm duyệt và bị gỡ bỏ vào ngày 19/8.

ĐCSTQ và Taliban là “ngưu tầm ngưu”?

Bloomberg cho biết, Bắc Kinh từ lâu đã chỉ ra mối liên hệ giữa Taliban và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một tổ chức mà Trung Quốc đổ lỗi là gây ra các cuộc tấn công khủng bố ở Tân Cương.

ĐCSTQ lấy lý do là chống khủng bố để bắt giữ và tẩy não hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương.

Giờ đây, khi Bắc Kinh bắt tay với tổ chức khủng bố Taliban, cư dân mạng chất vấn: Tại sao ĐCSTQ một tay đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với lý do đề phòng chủ nghĩa khủng bố; một tay lại hợp tác với Taliban, một trong những tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới?

Một số cư dân mạng bình luận mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Taliban tựa như “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.