Trong khi Bắc Kinh bị chỉ trích về các tên lửa có nguy cơ gây tai họa cho cư dân toàn cầu, chính quyền Trung Quốc đưa ra luận điệu cho rằng chính những cỗ máy khổng lồ này có thể sẽ trở thành “vị cứu tinh của nhân loại”.

Luận điệu của Bắc Kinh được thể hiện trong bài báo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) sáng sớm nay (6/7). Bài báo mang tên: “Cách thức 23 tên lửa khổng lồ của Trung Quốc có thể cứu thế giới khỏi ‘ngày tận thế’ do các tiểu hành tinh gây ra”.

Tác giả bài báo là Stephen Chen, phóng viên thường trú tại Bắc Kinh của SCMP.

Tác giả viết: “Vai trò cứu tinh này là điều bất ngờ vì đây là chính là những cỗ máy mà bị nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, coi là mối đe dọa chỉ vài tuần trước.”

Rủi ro từ những xác tên lửa Trung Quốc

Vào cuối tháng 4, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 5B nhằm đưa mô đun Thiên Hà cho Trạm Vũ trụ Trung Quốc.

Thông thường, các tên lửa đẩy mô đun xong, sẽ rơi xuống Trái đất theo thời gian và địa điểm được xác định trước. Nhưng Trung Quốc chưa đạt tới kỹ thuật này.

Xác tên lửa của Trung Quốc thường rớt xuống Trái đất trong tình trạng “mất kiểm soát”; nghĩa là không biết khi nào nó sẽ rơi và nó sẽ rơi xuống đâu? Vì vậy, các mảnh tàn dư của tên lửa Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho hoạt động hàng không và cư dân trên địa cầu.

Cuối cùng, tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương vào sáng 9/5. Giới chức Mỹ đã chỉ trích sự vô trách nhiệm của Trung Quốc.

Sau vụ việc này, thế giới sẽ tiếp tục phải thấp thỏm, vì Trung Quốc còn có kế hoạch phóng 11 tên lửa Trường Chinh 5B vào quỹ đạo.

Luận điệu của Bắc Kinh: Xác tên lửa Trung Quốc có thể trở thành ‘vị cứu tinh của nhân loại’

Bất chấp mối quan ngại quốc tế, Trung Quốc đưa ra một lập luận trái ngược cho những xác tên lửa của mình. Chính quyền Trung Quốc cho rằng những tiểu hành tinh lao vào Trái đất có thể va vào những xác tên lửa của Trung Quốc, từ đó thay đổi hướng bay, không rơi xuống Trái đất.

“Theo chính phủ, chương trình không gian của Trung Quốc một ngày nào đó có thể cứu thế giới, với những tên lửa khổng lồ di chuyển trong nhiều năm để bảo vệ hành tinh này khỏi các tiểu hành tinh khổng lồ có khả năng xóa sổ toàn bộ các thành phố”, SCMP viết.

Bài báo tiếp tục: “Một nghiên cứu mới do chính phủ (Trung Quốc) tài trợ cho biết Trung Quốc có thể phóng 23 tên lửa Trường Chinh 5 (CZ-5) để phá vỡ các vật thể đá trong hệ mặt trời của chúng ta. Một số vật thể nhỏ như những viên sỏi; nhưng có những tiểu hành tinh khác có chiều dài hàng trăm km. Một tiểu hành tinh rộng khoảng 500 mét có thể giết chết hàng triệu người.”

“Mặc dù khả năng một tiểu hành tinh va chạm với Trái đất hiện là thấp, nhưng có một hành tinh tên là Bennu có thể va chạm trong khoảng một thế kỷ nữa. Nhà nghiên cứu Li Mingtao và các đồng nghiệp của ông tại Trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia ở Bắc Kinh đã được giao nhiệm vụ tìm hiểu cách thức Trung Quốc có thể can thiệp và cố gắng đảm bảo cho con người không bị tuyệt chủng như khủng long. Một tiểu hành tinh có chiều rộng 10km đã va vào Trái đất, dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long.”

Đề xuất của Bắc Kinh: Trung Quốc sẽ phóng 23 tên lửa vào quỹ đạo để “bảo vệ Trái đất”

Phóng viên Chen tiếp tục lập luận: “Để thay đổi hướng đi của một tiểu hành tinh khổng lồ lao về phía chúng ta với tốc độ kinh hoàng, sẽ cần rất nhiều động năng. Vũ khí hạt nhân có thể làm được nhiệm vụ đó; nhưng một vụ nổ như vậy có thể phá vỡ mục tiêu thành nhiều mảnh vụn gây nguy hiểm”.

SCMP cho biết, nhóm nghiên cứu của trung tâm vũ trụ Trung Quốc đề xuất nước này sẽ phóng cùng lúc 23 tên lửa CZ-5 từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc. Các tàu vũ trụ sẽ bay quanh Trái đất trong khoảng 3 năm.

Trên đầu mỗi tên lửa sẽ có một thiết bị làm lệch hướng nhưng không làm vỡ tiểu hành tinh. Mỗi tên lửa sẽ lần lượt “đánh” vào tiểu hành tinh bằng một cú huých nhẹ.

Theo tính toán của nhà nghiên cứu Li, cú huých này sẽ chỉ làm thay đổi hướng đi của tiểu hành tinh cỡ Bennu một chút. Nhưng nó sẽ đủ để đẩy hành tinh bay sang hướng khác, từ đó “cứu một số thành phố khỏi bị hủy diệt”.

Phần cuối của bài báo, phóng viên lập luận rằng Mỹ cũng có ý tưởng tương tự; nhưng ý tưởng của Trung Quốc là siêu việt hơn, như chi phí thấp hơn, thời gian chuẩn bị ngắn hơn, theo dõi được nhiều mục tiêu hơn…

Chưa có gì xác minh luận điệu của Trung Quốc là đáng tin cậy hay không. Hiện các mối quan ngại trước mắt là việc Trung Quốc chưa đủ khả năng để làm cho các xác tên lửa rơi xuống Trái đất một cách an toàn.

“Tôi nghĩ rằng theo các tiêu chuẩn hiện tại, không thể chấp nhận được việc để nó xâm nhập trở lại một cách không kiểm soát”, nhà nghiên cứu Jonathan McDowell của tổ chức theo dõi không gian Spaceflight bình luận.