Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đã có 228 trường hợp trẻ nhiễm viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước ở châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương… và 4 ca tử vong.

Tin từ VnExpress, hôm 2/5, giới chức Indonesia xác nhận 3 trẻ em nước này đã tử vong do mắc bệnh viêm gan cấp tính. Còn tại Singapore, một em bé 10 tháng tuổi cũng được cho biết mắc viêm gan cấp tính, với các xét nghiệm đều âm tính với các loại virus gây viêm gan A, B, C và E.

Các ca viêm gan khởi phát từ Anh, sau đó xuất hiện tại Mỹ, châu Âu và một số nước Đông Nam Á với những triệu chứng phổ biến ở trẻ như sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng vùng gan, vàng da…

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ hãng thông tấn AFP, sự xuất hiện của một căn bệnh mới có thể chỉ gây bệnh cho trẻ nhỏ, hầu hết đều dưới 10 tuổi và không có các bệnh lý cơ bản đã gây ra những lo ngại giữa lúc nhân loại vẫn chưa thoát khỏi Covid-19.

Ảnh chụp màn hình báo Người Lao Động.

Liên quan đến căn bệnh này, trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, giới nghiên cứu đã tìm được căn nguyên nghi ngờ lớn nhất gây bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn”. Đó là adenovirus, khi phần lớn trẻ mắc bệnh đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này.

Ông Dũng nói thêm, việc adenovirus gây viêm gan không mới. Trước đây đã từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này gây suy gan nặng, tử vong hoặc phải ghép gan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ của những trường hợp gần đây là việc tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, đối tượng mắc bệnh nặng trước kia thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Do đó, giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến.

Tại Việt Nam đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận chưa ghi nhận ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Tuy nhiên nhà chức trách kêu gọi phụ huynh chú ý nhiều hơn đến con mình và đưa ngay đến bệnh viện nếu có các triệu chứng nghi ngờ.

Từ Khóa: