Chiếc máy bay vận tải quân sự Antonov-12 chở 11 tấn vũ khí, chủ yếu là mìn cối, khởi hành từ sân bay Nis (Serbia), đã phát nổ và rơi vào tối 16/7/2022 ở miền bắc Hy Lạp. 8 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Có khá nhiều tình tiết chưa rõ ràng xung quanh vụ tai nạn hàng không thảm khốc này.
Tóm tắt nội dung
Sự cố thảm khốc
Theo Đài truyền hình nhà nước Hy Lạp (ERT1), máy bay chở hàng Antonov An-12TB thuộc công ty Meridian Ltd (Ukraine) đã bị rơi và phát nổ khi bay trên vùng trời gần Paleochori Kavalas, ở miền bắc Hy Lạp.
Chiếc Antonov-12 của Ukraine cất cánh từ sân bay Nis (Serbia) được cho là đang trên đường đến sân bay Amman (Jordan) thì bị rơi, nổ tung ở ngoại ô Kavala.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Hy Lạp cho biết, máy bay mất tín hiệu không lâu sau khi các phi công liên lạc với đài kiểm soát không lưu, thông báo về sự cố động cơ máy bay và xin hạ cánh khẩn cấp.
Đài kiểm soát không lưu thông báo cho phi công hai lựa chọn hạ cánh ở sân bay Thessaloniki hoặc Kavala. Cuối cùng, phi hành đoàn đã chọn sân bay Kavala vì có khoảng cách gần hơn.
Thật không may, máy bay đã không đến được sân bay Quốc tế Kavala. Liên lạc giữa trạm không lưu với máy bay gần như ngừng ngay sau đó. Máy bay rơi cách sân bay Kavala khoảng 40 km về phía Tây.
Người dân địa phương đã quay được clip khoảnh khắc vụ tai nạn. Máy bay đã bốc cháy khi đang bay và nổ lớn khi chạm đất. Những vụ nổ liên tiếp sau đó xác nhận rằn chiếc máy bay đang mang theo chất nổ.
Các vụ nổ tiếp tục trong nhiều giờ
Theo Euronews, cư dân địa phương cho biết đã nhìn thấy một quả cầu lửa và nghe thấy tiếng nổ trong suốt hai giờ sau cú va chạm ban đầu.
Hai nhân viên cứu hỏa Hy Lạp tới hiện trường vụ tai nạn cũng phải nhập viện trong tình trạng khó thở do khói độc.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Nebojsa Stefanovic xác nhận, máy bay gặp sự cố khi đang chở theo 11,5 tấn hàng hóa quốc phòng. Lô hàng trên máy bay gồm mìn và nhiều loại vũ khí, trong đó có đạn súng cối và đạn bắn tập.
Được biết, chính quyền Hy Lạp sẽ đệ đơn phản đối việc Serbia không cảnh báo cho nước này về hàng hóa nguy hiểm trên chiếc máy bay.
Hiện trường nguy hiểm
Hiện trường nơi máy bay rơi và khu vực liền kề đã được phong tỏa từ đêm 16/7. Chính quyền Hy Lạp yêu cầu người dân sống trong khu vực bán kính 2km tính từ điểm máy bay rơi, ở yên trong nhà và đeo mặt nạ.
7 xe cứu hộ được điều đến hiện trường nhưng lực lượng cứu hộ Hy Lạp thời điểm đó không thể tiến gần xác máy bay rơi. Các chuyên gia của quân đội và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hy Lạp cho biết cần sử dụng máy bay không người lái để tránh nguy cơ nhân viên cứu hộ hít phải khí độc.
Sáng 17/7, lực lượng cứu hỏa mới tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên khu vực máy bay rơi xuất hiện bụi trắng bay lơ lửng trong không khí. Lính cứu hộ cho biết họ “cảm thấy môi rát như đang cháy”.
Điều phối viên cứu hỏa Marios Aposstolidis lo ngại các đơn vị đến hiện trường đầu tiên đã bị ảnh hưởng sức khỏe do hóa chất độc hại từ vụ nổ.
Lộ trình bay phức tạp
Cho đến hôm nay, thông tin liên quan đến chuyến bay chở 11,5 tấn vũ khí vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo tất cả 8 thành viên phi hành đoàn là công dân nước này. Giới chức Hy Lạp và Bộ Quốc phòng Serbia cũng xác nhận toàn bộ những người trên khoang đã thiệt mạng sau khi máy bay đâm xuống đất và phát nổ.
Theo đài ERT của Hy Lạp, máy bay chở vũ khí từ Serbia sang Jordan. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, ông Nebojsa Stefanovic khẳng định điểm đến là Bangladesh và số vũ khí được bán cho quân đội Bangladesh.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia cũng xác nhận số vũ khí trên máy bay là thuộc về công ty tư nhân Valir của Serbia.
Chủ sở hữu công ty Valir có trụ sở tại Belgrade là Valir Mladen Bogdanović cũng xác nhận: Máy bay Ukraine hạ cánh ở Jordan và số hàng hóa sau đó sẽ được chuyển đến Bangladesh.
Ông Bogdanović giải thích, hợp đồng giữa công ty và nhà chức trách Bangladesh được ký kết vào năm 2021. Lô hàng hóa trên máy bay có chứa “mìn dự định được sử dụng để huấn luyện quân đội Bangladesh.”
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Serbia lịch trình bay của chiếc Antonov An-12TB sẽ có một số “điểm dừng kỹ thuật” ở Amman, Riyadh và Ahmedabad, cũng như Dacca.
Có điều kỳ lạ là chiếc Antonov-12 không đi tuyến đường thẳng nhất đến sân bay Kavala, mà nó “cua” ngoặt gấp khúc. Đường bay và cấu hình chuyến bay được quan sát trên FlightRadar24, cho thấy có sự cố khẩn cấp đột ngột.
Rắc rối từ nguồn gốc Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, ông Stefanović đã bác bỏ những cáo buộc “ác ý và không đúng sự thật”, rằng 11,5 tấn vũ khí trên máy bay đang được vận chuyển đến Ukraine. Ông cho biết: “Máy bay có tất cả các giấy phép cần thiết và mọi thứ đều tuân theo quy định quốc tế.”
Theo ông Stefanović, ngoại trừ việc chiếc máy bay này là của Ukraina, ngoài ra không có mối liên hệ nào khác về 11,5 tấn vũ khí nói trên liên quan đến Ukraine.
Tuy nhiên, có khá nhiều đồn đoán số vũ khí này thuộc về Ukraine. Vì cách đó không lâu, truyền thông đã đưa tin về việc Mỹ đã phát hiện ra con đường buôn lậu vũ khí của NATO ra khỏi Ukraine.
Trước đó, tờ Financial Times của Anh cho biết, NATO và EU đang báo động vì nguy cơ vũ khí phương Tây viện trợ gửi đến Ukraine bị tuồn ra khỏi nước này. Đồng thời, các nhà quân sự Mỹ và châu Âu kêu gọi giám sát số vũ khí nhằm “ngăn chặn việc bán chúng sang thị trường chợ đen châu Âu”.
Trong khi ấy, Washington cho biết vẫn tin tưởng chính quyền Kyiv trong vấn đề kiểm soát vũ khí viện trợ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề chính trị-quân sự Jessica Lewis nói: “Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác Ukraine và tự tin đảm bảo rằng họ xử lý vũ khí đúng cách”.
Sau tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny nói rằng, Kyiv nhận thức rõ ràng trách nhiệm với từng lô vũ khí được Mỹ và đồng minh chuyển giao. Đồng thời ông nhấn mạnh, “sẽ không cho phép các lô vũ khí viện trợ này rơi trong tay của những kẻ khủng bố.”
“Chợ đen” vũ khí
Hồi đầu tháng 7, kênh RT của Nga đã tiến hành một cuộc điều tra, và phát hiện ra việc cung cấp lớn vũ khí phương Tây cho Kiev đã dẫn đến việc hình thành các chợ buôn bán vũ khí bất hợp pháp ở Ukraine.
Các trang web trên “chợ đen” có khá nhiều lời đề nghị mua hệ thống chống tăng Javelin, Phoenix, đạn dược và các loại vũ khí khác.
Ngày 5/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết , một số vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev đã “trải rộng khắp khu vực Trung Đông, và cuối cùng cũng được đưa ra thị trường chợ đen”.
Nhà khoa học chính trị Malek Dudakov lưu ý, Mỹ tiếp tục chuyển các lô vũ khí mới cho Kyiv và từ chối công khai thừa nhận rằng, một số thiết bị này sau đó đã không nằm trong vùng chiến sự ở Ukraine, mà được bán lại cho các nước thứ ba.
Hồi tháng 4, CNN cũng đưa tin rằng, các nhà quân sự Mỹ thừa nhận rằng, “chính quyền Joe Biden đã tính đến nguy cơ một số lô hàng vũ khí có thể bị chuyển đến những nơi không mong muốn”, “có thể nằm trong tay các lực lượng quân sự và dân quân khác mà Mỹ không có ý định trang bị.”
Có thể bạn quan tâm: