Một bức tượng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chứa nhục thân gần nghìn năm tuổi của một vị hòa thượng đã mất tích vào cuối những năm 1990, và đến năm 2015 lại được phát hiện ở ngoại quốc. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã cố gắng lấy lại bức tượng bằng nhiều cách nhưng đến nay vẫn chưa thu được kết quả.

Vị hòa thượng này là Chương Công, tên thường gọi là Chương Thất Tam, hiệu Lục Toàn, Pháp danh là Phổ Chiếu, sinh vào thời Bắc Tống (khoảng 1000 năm trước) và tại thế được 37 năm. Sau khi quy y cửa Phật, ông đã thành kính tu hành và kết rất nhiều thiện duyên. Người ta ước tính rằng Chương Công viên tịch trong khoảng những năm 1086-1094.

Điều kỳ diệu là sau khi viên tịch, cơ thể của hòa thượng Chương Công không bị thối rữa, hơn nữa luôn giữ tư thế bắt chéo chân khi đả tọa với vẻ mặt ôn hòa và nụ cười trên môi. Thần tích này đã được duy trì trong gần một nghìn năm, vô cùng quý giá. Nhục thân bất hoại của Chương Công sau đó đã được đúc thành một bức tượng vàng kim, và được cất giữ trong Phổ Chiếu Đường ở làng Dương Xuân, thị trấn Ngô Sơn quận Đại Điền. Người dân địa phương ở đó thắp hương quanh năm, thiện nam tín nữ đều đi lễ tỏ lòng thành kính với Chương Công.

Gặp kiếp nạn trong thời Đại Cách mạng Văn hóa

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960-1970, văn hóa truyền thống Trung Quốc đã bị phá hủy. Vào đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã kêu gọi Hồng vệ binh “phá Tứ Cựu”. Tư tưởng, văn hóa, phong tục, và tập quán truyền thống đã bị gọi chung là “Tứ Cựu”, và bị ĐCSTQ hủy diệt.

Vào mùa đông năm 1966, tổ công tác phá tứ cựu đã dừng chân tại làng Dương Xuân và yêu cầu dân làng giao nộp bức tượng tổ sư Chương Công. Điều này khiến dân làng lúng túng, và có một số dân làng đã di dời tượng Chương Công trong đêm. Được biết, bức tượng Chương Công đả tọa cao 1.2 mét và nặng khoảng 50 kg, khi ở trong núi sâu, phải cần 2-3 người thay phiên nhau mới có thể di chuyển được. Để không bị tổ công tác phát hiện, mỗi đêm đều phải luân chuyển hai, ba lần. Tương truyền, tượng Chương Công còn từng bị chôn ngoài đồng hoang.

Thế nhưng “ý chí cách mạng” của tổ công tác rất vững vàng, họ bắt dân làng quỳ trên những mảnh sành sứ vỡ, và thề không bỏ qua cho đến khi giao nộp bức tượng. Trong lúc tuyệt vọng, một số dân làng đã nghĩ ra một giải pháp: mạo danh thay thế. Ở trong vùng còn cung phụng một bức tượng khác của tổ sư Trần Công, bên trong không có nhục thân bất hoại, nhưng có một vật báu khác là xá lợi tử.

Theo lời kể của ông Lâm, một người cao tuổi ở địa phương, vào một đêm nọ, một người dân trong làng đã giả vờ hợp tác và dẫn tổ công tác đi tìm tượng Chương Công, nhưng thực chất đó là Trần Công. Khi đến nơi có tượng tổ sư Trần Công, để tổ công tác không nhận ra, dân làng đã tiến đến dùng dao chém vào mặt tượng Trần Công. Sau đó, dân làng cạy phá gốc tích, lấy xá lợi tử ra và ném vào bãi cỏ.

Tổ công tác sau đó đã đốt tượng Trần Công mà họ tưởng là tượng Chương Công ở trước mặt mọi người, và Phổ Chiếu Đường cũng bị phá bỏ. Sau đó, phong ba mới tạm chấm dứt. Dân làng sau đó đã quay lại hiện trường để nhặt xá lợi tử, và bức tượng Chương Công đả tọa mới có thể qua được kiếp nạn này.

Hiện tượng nhục thi của một người tu luyện không thối rữa sau khi chết là điều mà khoa học hiện đại chưa thể giải thích, nhưng vẫn thường xuất hiện ở Trung Quốc cổ đại (ảnh: shutterstock).

Biến mất bí ẩn

Hơn 20 năm sau, khi người địa phương xây dựng lại Phổ Chiếu Đường và thỉnh tượng Chương Công trở lại thì đã là năm 1993. Nhưng thời thế đã thay đổi, rất nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền và phát tài, họ không quan tâm nhiều đến văn hóa truyền thống nữa.

Vào ngày 15/12/1995, dân làng vô cùng ngạc nhiên khi thấy bức tượng Chương Công lại biến mất. Phổ Chiếu Đường bị đào một cái lỗ ở bức tường bên, trong đường chỉ còn lại chiếc áo choàng và chiếc mũ của Chương Công, còn ổ khóa trên cửa vẫn còn nguyên vẹn.

Một số dân làng lập tức đi đến chỗ cách Phổ Chiếu Đường 2 km, nơi có một lò gạch, là nơi bắt buộc phải qua để ra vào làng. Ông Lâm Quang Minh đã làm việc ở đây vào đêm hôm trước, ông nhớ lại rằng: vào lúc 1 giờ sáng, ông đang sản xuất gạch trong lò thì thấy đằng xa có một chiếc ô tô đi tới. Đường làng lúc đó là đường đất nên ông vội gọi đồng nghiệp tránh đường. Lúc đó ô tô còn chưa phổ biến ở các vùng nông thôn.

Ông Lâm Quang Minh nhớ rằng đó là một chiếc xe tải và có hai người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi ngồi ở ghế trước. Dường như có ai đó ngồi ở băng ghế sau, trùm một tấm chăn màu đỏ, ông còn tưởng một người dân nào đó bị ốm và phải đến bệnh viện. Sau khi chiếc xe chạy qua, nó nhanh chóng biến mất vào trong bóng tối, không rõ là đi đâu. Khi nghe nói có thể có tượng Chương Công ngồi ở hàng ghế sau, ông Lâm cảm thấy vô cùng hối hận.

Sau khi dân làng gọi cảnh sát, cảnh sát đã đến hiện trường để điều tra. Cảnh sát đưa ra nghi ngờ rằng cái lỗ đào trên bức tường ở Phổ Chiếu Đường quá nhỏ để cho bức tượng Chương Công có thể lọt qua. Lần này, người bảo vệ già trở thành nghi phạm, lẽ nào ông ấy là nội gián?

Để đề phòng tượng Chương Công bị mất, ngôi làng đã từng đặc biệt cử người bảo vệ già này đến canh giữ. Bản thân ông ấy cũng tín phụng Chương Công, nhờ công việc này mà mỗi tháng ông còn có thể nhận được một ít lương thực. Nhưng ông ấy cho đến khi chết cũng không thốt ra một lời nào, và manh mối đã bị đứt đoạn.

Mặc dù dân làng đã thảo luận rất lâu và tìm kiếm trong một khu vực rộng lớn hơn, nhưng họ không nhận được bất kỳ tin tức nào về bức tượng Chương Công. Cứ như thế, kho báu Phật môn đã đồng hành cùng người dân địa phương trong gần một nghìn năm đã biến mất một cách bí ẩn.

Tái xuất hiện

Trong nháy mắt, 20 năm nữa đã trôi qua, và lại một thế hệ đã qua đi.

Thời gian bây giờ đã là năm 2015. Vào ngày 23/02 năm đó, tờ Daily Mail của Anh đưa tin rằng, một số chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu xác ướp của một nhà sư, thông qua chụp CT và nội soi, họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện có nhục thân của nhà sư trong xác ướp, đồng thời nó có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11-12.

Bài báo cũng nói rằng nhà sư đó là pháp sư Lục Toàn (tên hiệu của hòa thượng Chương Công). Các cơ quan được tìm thấy trong nhục thân đó đã bị di chuyển đi, và xác ướp được đưa đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Hungary để trưng bày.

Tin tức này được chia sẻ rộng rãi, và cũng thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc. Một số dân làng Phúc Kiến chỉ nhìn thoáng qua đã nhận ra ngay, đây chẳng phải là nhà sư Chương Công sao? Cục Di tích Văn hóa tỉnh Phúc Kiến sau đó đã xác nhận rằng bức tượng đả tọa được trưng bày ở Hungary chính là Chương Công.

Sau khi xác nhận, chính quyền ĐCSTQ lập tức tiến hành tạo thanh thế dư luận, nói rằng bức tượng nhà sư đả tọa là “đồ ăn cắp từ Trung Quốc” và đem ra nước ngoài, đồng thời yêu cầu người sưu tầm trả lại. Tuy nhiên, các báo cáo chính thức không đề cập đến việc ai đã đánh cắp nó.

Kiến trúc sư người Hà Lan Oscar van Overeem sau đó đã thừa nhận là người sưu tầm bức tượng Chương Công, nhưng cho biết ông đã mua nó ở Hồng Kông vào năm 1996. Nhà sưu tầm trước nữa thì được cho là đã mua nó từ một người bạn nghệ sĩ ở Trung Quốc.

Vậy là đến đây, lộ trình đại thể về hành trình lưu lạc ra nước ngoài của bức tượng Chương Công cơ bản là đã rõ ràng. Trong thời kỳ đó, nạn trộm cắp các di tích văn hóa ở Trung Quốc nổi lên rất phổ biến. Một bài báo năm 2013 trên tạp chí Archaeology của Hoa Kỳ ước tính rằng có khoảng 100,000 người ở Trung Quốc làm “nghề” này, và đã khai quật ít nhất 400,000 ngôi mộ cổ trong 20 năm qua.

Truy đòi gian nan

Sau khi phía Trung Quốc liên hệ với nhà sưu tập tư nhân người Hà Lan, ông Overeem đã đồng ý trả lại bức tượng Chương Công kèm theo điều kiện. Tuy nhiên, về điều kiện đổi trả, hai bên đã thương lượng nhiều lần mà không thành.

Đến cuối năm 2015, hai ủy ban làng Dương Xuân và Đông Phố ở thị trấn Ngô Sơn, huyện Đại Điền, tỉnh Phúc Kiến đã đệ đơn kiện lên Amsterdam, Hà Lan, yêu cầu trả lại bức tượng Chương Công đả tọa. Vào ngày 12/12/2018, Tòa án địa phương Amsterdam đã ra phán quyết rằng: các nhóm cộng đồng không thể được coi là thực thể pháp nhân, và do đó không đủ điều kiện để yêu cầu bồi thường.

Hai ủy ban làng cũng đã đệ đơn kiện tương tự lên một tòa án địa phương ở Phúc Kiến, Trung Quốc và đã thắng kiện. Tuy nhiên, giữa Hà Lan và Trung Quốc chưa có hiệp định song phương công nhận phán quyết dân sự của hai nước, càng không có hiệp định đa phương, nên phán quyết của tòa án Trung Quốc không có ý nghĩa gì đối với Hà Lan.

Kiện tụng xuyên biên giới đối với các di tích văn hóa là rất phức tạp, không chỉ liên quan đến vấn đề quyền tài phán mà còn cả vấn đề luật áp dụng, và đôi khi là liên quan đến các tranh chấp trong lịch sử.

Theo thống kê của Hiệp hội Di tích Văn hóa Trung Quốc, kể từ sau Chiến tranh Nha phiến năm 1840, đã có hơn 10 triệu di tích văn hóa Trung Quốc bị lưu lạc ra nước ngoài, và có hơn 23,000 di tích là ở trong Bảo tàng Anh, London.

Về những di tích văn hóa đã bị thất lạc ở hải ngoại, người dân Trung Quốc luôn có hai quan điểm. Một là cho rằng thứ của người Trung Quốc thì đương nhiên phải tìm cách lấy lại; một quan điểm khác là nếu những di tích văn hóa này không bị thất lạc, thì có thể đã bị ĐCSTQ phá hủy từ lâu, thay vào đó, hiện những văn vật đó đang được bảo tồn tốt trong các viện bảo tàng nước ngoài thì càng có thể quảng bá văn hóa Trung Quốc tốt hơn.

Liên quan đến nhục thân bất hoại

Hiện tượng nhục thân người tu luyện không thối rữa sau khi qua đời đã thường xuyên xuất hiện ở thời Trung Quốc cổ đại, cho đến nay đã có hàng chục trường hợp được phát hiện. Nổi tiếng nhất là Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền Tông, nhục thân bất hoại của ông vẫn còn được lưu giữ trong chùa Nam Hoa ở Quảng Đông, Trung Quốc, cho đến nay đã hơn 1,300 năm.

Ngoài ra còn có một số thi thể bất hoại mà cho đến thời cận đại mới được phát hiện. Vào thời điểm chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu năm 1996, ông Lý Kim Tỏa, người đứng đầu một ngôi làng ở thị trấn Miên Sơn, thành phố Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, khi đang lau chùi bức tượng Phật ở chùa Chính Quả tại địa phương thì phát hiện có một vết bùn trên đầu bức tượng lung lay, và cả một mảng bùn rơi ra. Khi ông nhìn vào phần đầu của bức tượng, bên trong tự nhiên lộ ra một hộp sọ màu trắng. Ông Lý Kim Tỏa lập tức báo với cấp trên. Sau đó người ta xác nhận rằng bên trong bức tượng có thi thể của một cao tăng. Mà không chỉ có một, toàn bộ 15 bức tượng trong chùa đều như thế. Cho đến hiện tại, đây có thể là quần thể tượng chứa nhục thân bất hoại lớn nhất từng được tìm thấy trên thế giới.

Về tin tức trọng đại này, chính quyền ĐCSTQ vốn chỉ công nhận thuyết vô thần nên không hề đề cập đến. Mãi đến 20 năm sau, tin tức này mới lần lượt xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cá nhân.

Liên Thư Hoa biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ